Hoạt động sản xuất tại châu Á vẫn còn yếu, năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức
Hoạt động sản xuất ở châu Á khép lại năm 2023 bằng một nốt trầm, khi sự trì trệ của kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu hàng hóa ở khu vực châu Á.
Hầu hết các nước châu Á đều chứng kiến sự chậm lại về đơn hàng mới và sản xuất, trong khi chi phí đầu vào lại tăng, theo khảo sát PMI của S&P Global vừa công bố trong ngày 02/01. Tại Trung Quốc, chỉ số PMI giảm xuống mức đáy 6 tháng trong tháng 12/2023, ở mức 49 điểm.
Trong khi đó, các điều kiện sản xuất ở Đài Loan – hàn thử biểu về thương mại thế giới – giảm đáng kể về mức 47.1 điểm trong tháng 12/2023, sau khi tăng lên đỉnh 8 tháng 48.3 điểm trong tháng trước.
PMI của Hàn Quốc giảm nhẹ xuống 49.9, dưới ngưỡng phân định giữa mở rộng và thu hẹp (50). Bất chấp sự cải thiện về kim ngạch xuất khẩu của xứ sở kim chi, S&P Global lưu ý đến sự suy giảm về lượng đơn hàng mới, vì kinh tế nội địa yếu ớt, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc suy giảm.
Hoạt động sản xuất tại Đông Nam Á cũng ảm đạm trong tháng 12/2023, với Thái Lan, Myanmar và Việt Nam vẫn đang trong phạm vi thu hẹp. Indonesia ghi nhận mức PMI cao nhất trong khu vực với 52.2 điểm, còn Philippines ở mức 51.5.
“Hoạt động sản xuất tại ASEAN chỉ giảm nhẹ trong thời gian gần đây. Tuy vậy, các tín hiệu cho thấy nhu cầu đang yếu đi có thể khiến hoạt động sản xuất giảm thêm trong năm 2024”, Maryam Baluch, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global, chia sẻ. “Các nhà sản xuất trong khu vực đang hy vọng lượng đơn hàng mới tăng trưởng để hỗ trợ cho tăng trưởng trong năm 2024”.
Dữ liệu PMI mới nhất từ châu Á cho thấy đà hồi phục vẫn chưa đến với công xưởng sản xuất của thế giới.
Trong năm 2024, thương mại thế giới nhiều khả năng sẽ trải qua con đường gập ghềnh, với hiện tượng El Nino tác động tiêu cực tới hoạt động gieo trồng và đe dọa làm tăng giá thực phẩm, trong khi các cuộc tấn công ở Biển Đỏ làm tắc chuỗi cung ứng của các hàng hóa quan trọng như dầu. Ngoài ra, tình trạng ảm đạm kéo dài ở khu vực châu Á sẽ tiếp tục tạo “gió ngược” cho tăng trưởng toàn cầu.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|