Thứ Ba, 02/01/2024 08:51

Kinh tế châu Á liệu có chạm đến 'điểm ngọt ngào' trong 2024?

Theo Ngân hàng Nomura, Nhật Bản, triển vọng thị trường năm 2024 của châu Á là chạm đến “điểm ngọt ngào” từ đầu năm, với tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các nước phát triển phương Tây nhờ sự phục hồi trong công nghệ chip. Vậy châu Á mong đợi điều gì vào năm mới 2024?

Con đường phục hồi kinh tế của Trung Quốc có vẻ khó khăn trong năm 2024, mặc dù chính phủ nước này đã triển khai một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn đang chậm lại trong năm qua. Ảnh: Nikkei Asia/Reuters

Hạ lãi suất diện rộng, cơ hội cho thị trường trái phiếu

Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng tiền tệ và tài chính. Hãng quản lý đầu tư Invesco của Mỹ ước đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) sẽ cắt giảm lãi suất chính sách 10 điểm cơ bản (0,1%) và Trung Quốc sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn trong vài tháng tới, theo triển vọng năm 2024 được Invesco công bố vào tháng 11.

Goldman Sachs tin rằng Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất “tương đối sớm” trong năm 2024. Ngân hàng đầu tư này kỳ vọng ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi ở châu Á sẽ tiếp bước, nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn dự báo trước đó.

Indonesia, Đài Loan và Hàn Quốc dự kiến sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong quí 2-2024. Ấn Độ, Úc và New Zealand sẽ nối bước trong quí tiếp theo. Ngân hàng Nhật Bản có vẻ sẽ chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 10-2024.

Goldman Sachs nhận thấy đồng đô la Mỹ mạnh hơn so với đồng yen Nhật. Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô, ngân hàng này dự báo tỷ giá hối đoái ở mức 155 yen Nhật ăn 1 đô la Mỹ. Liên doanh MUFG Morgan Stanley dự báo đồng yen Nhật sẽ tăng khiêm tốn vào năm 2024.

Thị trường trái phiếu của khu vực sẵn sàng thu hút dòng vốn vào trong năm nay, theo triển vọng tỷ giá châu Á và ngoại hối của Nikko Asset Management. “Nhìn chung, năm 2024 có thể là một năm có lợi nhuận cao hơn và biến động thấp hơn đối với trái phiếu chính quyền địa phương ở châu Á với lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dự kiến sẽ ổn định và giảm dần”, báo cáo của Nikko viết.

Theo Goldman Sachs, thị trường trái phiếu Ấn Độ sẽ thu hút hơn 40 tỉ đô la trong 18 tháng tới, bao gồm cả dòng vốn thụ động khoảng 30 tỉ đô la Mỹ.

Lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

Con đường phục hồi kinh tế của Trung Quốc có vẻ khó khăn trong năm mới mặc dù chính phủ nước này đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn đang chậm lại trong thời gian qua.

Theo Invesco, họ chưa thấy yếu tố nào cho thấy thị trường bất động sản Trung Quốc đang tăng trưởng. “Doanh số bán nhà mới vẫn yếu. Chúng tôi cho rằng sau mùa xuân năm 2024, Trung Quốc có thể tài trợ cho các nhà phát triển bất động sản lớn để hoàn tất và chuyển giao những căn hộ chưa hoàn thiện”, Nomura nhận định.

25 nhà kinh tế được Nikkei, Nikkei Asia và Nikkei Quick News khảo sát cho biết, họ kỳ vọng tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ đạt 4,6% trong năm nay, tương tự như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo cho nền kinh tế thứ 2 thế giới này.

Chỉ số giá hàng hóa được dự báo sẽ giảm

Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán giá năng lượng sẽ giảm 5% và giá nông sản và kim loại sẽ giảm. Theo J.P. Morgan Research, giá dầu Brent sẽ vẫn “gần như ổn định” trong năm 2024 với mức giá trung bình 83 đô la Mỹ/thùng. Dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 1,6 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay, J.P. Morgan nhận định, là do “nhu cầu các thị trường mới nổi tăng mạnh, nước Mỹ ổn định, đủ sức bù đắp cho sự yếu kém của châu Âu.

Theo tập đoàn ING, giá quặng sắt dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm nay sau khi kim loại này trở thành kim loại công nghiệp có thành quả tốt nhất trong 11 tháng đầu năm 2023, khi giá tăng hơn 17% do các biện pháp kích thích của Trung Quốc. Tuy nhiên, ING lo ngại về sự trầm lắng của bất động sản Trung Quốc, vốn chiếm 40% nhu cầu quặng sắt, khi số lượng nhà mới xây dựng giảm 23% trong giai đoạn kể trên.

Đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhu cầu thấp ở Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm ngoái dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài từ năm nay, do sản lượng năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo tăng.

Trong số các kim loại thì J.P. Morgan Research lạc quan về giá vàng với dự báo giá vàng ở trung bình là 2.175 đô la Mỹ/ounce vào qúi 4-2024, trong khi đó, đã có một số dự báo cho rằng, giá vàng tăng vọt lên 3.000-3.100 đô la Mỹ/ounce vào những tháng cuối năm.

Ricky Hồ (Theo Nikkei Asia, Bloomberg, Reuters)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Hy Lạp, Hàn Quốc và Mỹ dẫn đầu thế giới về hiệu suất kinh tế năm 2023 (30/12/2023)

>   Công ty ‘thây ma’ tràn ngập trong nền kinh tế Hàn Quốc (29/12/2023)

>   Cổ tức đặc biệt, khoản thưởng “Khủng” cho cổ đông trung thành (27/12/2023)

>   Kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ vào năm 2024, nhưng sẽ không quá nghiêm trọng (27/12/2023)

>   Nhìn lại top 10 sự kiện kinh tế quốc tế trong năm 2023 (30/12/2023)

>   WSJ: Lạm phát toàn cầu sẽ về mức bình thường trong năm 2024? (25/12/2023)

>   Xuất khẩu dòng ôtô thân thiện môi trường của Hàn Quốc tăng kỷ lục (24/12/2023)

>   Thước đo lạm phát yêu thích của Fed tiếp tục hạ nhiệt, củng cố khả năng giảm lãi suất (22/12/2023)

>   Tổng thống Biden kêu gọi điều tra thương vụ Nippon Steel thâu tóm US Steel (22/12/2023)

>   Thị trường lao động vững chắc tiếp tục là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế Mỹ (22/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật