Công ty ‘thây ma’ tràn ngập trong nền kinh tế Hàn Quốc
Lãi suất tăng cao, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ, đẩy tỷ trọng của các công ty thây ma (zombie companies) trong nền kinh tế Hàn Quốc nhảy vọt lên mức cao kỷ lục kể từ khi dữ liệu được thống kê hơn 10 năm trước. Công ty ‘thây ma’ được định nghĩa là những công ty có lợi nhuận hoạt động không đủ để trả lãi vay.
Trụ sở của Công ty xây dựng và phát triển bất động sản Taeyoung E&C ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
|
Theo báo cáo ổn định tài chính của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố hôm 28-12, trong nửa đầu năm nay, số lượng các công ty “thây ma” của Hàn Quốc đã tăng lên mức 44,8% trong nền kinh tế trong so với 37% vào cuối năm ngoái. Tỷ lệ này có nghĩa là trung bình, cứ 10 công ty Hàn Quốc, có gần 5 công ty đang không thể dựa vào lợi nhuận hoạt động để trả lãi vay. Các công ty “thây ma” thường phải tìm thêm nguồn tài chính khác bên ngoài lợi nhuận hoạt động để duy trì việc trả nợ với hy vọng sẽ có lãi ròng trở lại trong tương lai.
Hôm 28-12, Taeyoung E&C, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Hàn Quốc, đã nộp đơn đề nghị tái cấu trúc nợ với Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, chủ nợ chính của công ty này. Động thái này diễn ra sau khi các chủ nợ không đồng ý tái cấp vốn cho khoản nợ 48 tỉ won (372 triệu đô la Mỹ) của Taeyoung E&C đáo hạn cùng ngày. Thông tin xấu khiến giá cổ phiếu của Taeyoung E&C, có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010.
Taeyoung E&C, công ty xây dựng lớn thứ 16 ở Hàn Quốc, đang đối mặt với tình trạng thiếu thanh khoản do gánh nhiều khoản vay tài trợ cho các dự án trong bối cảnh thị trường bất động sản sụt giảm. Tính đến cuối tháng 9, tổng nợ của Taeyoung E&C ước tính vào khoảng 1,9 nghìn tỉ won, với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu đạt 479%.
Sự gia tăng số lượng của các công ty thây ma cũng cho thấy tổn thương của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc khi tình trạng xuất khẩu sụt giảm kéo dài gần và chi phí đi vay tăng cao trong bối cảnh BoK tăng lãi suất chuẩn lên mức 3,5% để chống lạm phát so với mức thấp kỷ lục 0,5% vào năm 2020.
Trong tháng 11, lạm phát của Hàn Quốc giảm tốc lần đầu tiên sau 4 tháng. Theo Văn phòng thống kê Hàn Quốc, trong tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng của đất nước tăng 3,3% so với một năm trước đó sau mức tăng 3,8% của tháng 10. Tuy nhiên, con số lạm phát này vẫn còn cao nhiều so với mục tiêu 2% của BoK.
Sau khi BoK giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 3,5% trong tháng thứ thứ bảy liên tiếp, Thống đốc BOK Chang-yong Rhee cho rằng, lãi suất sẽ phải duy trì ở mức cao trong một “thời gian đủ dài” để hạ nhiệt giá cả.
Một báo cáo riêng của BoK cho thấy, tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP của Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục 125,6% trong quí trước. Trong khi đó, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP giảm xuống còn 101,4%.
BoK cho biết, trong khi đòn bẩy nợ của khu vực tư nhân vẫn ở mức cao, hệ thống tài chính tổng thể của quốc gia vẫn ổn định. Bok kêu gọi giới chức trách khuyến khích các công ty giảm mức độ tiếp xúc với nợ bất động sản.
Theo báo cáo, các công ty lớn nhìn chung hoạt động tốt hơn, với chỉ 31% trong số họ có tỉ lệ thanh toán lãi vay dưới 1. Tỉ lệ thanh toán lãi vay được tính bằng cách chia lợi nhuận trước lãi suất và thuế (EBIT) trong một khoảng thời gian nhất định cho các khoản thanh toán lãi của công ty đáo hạn trong cùng thời gian.
Khoảng 59% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc trả lãi bằng lợi nhuận. Số lượng công ty zombie có thể giảm nếu xuất khẩu duy trì đà phục hồi trong những tháng gần đây và sản lượng được cải thiện.
Trong một báo cáo nhan đề Bối cảnh và tác động của những thay đổi gần đây trong môi trường kinh doanh toàn cầu, công bố hôm 27-12, BoK cảnh báo, xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ sụt giảm đến 10% nếu các nền kinh tế lớn của thế giới tách ra thành hai khối và dựng lên các hàng rào thương mại chống lại nhau.
BoK cho rằng, do sự phụ thuộc thương mại cao của Hàn Quốc vào một số nước như Trung Quốc, sự phân mảnh thương mại toàn cầu có thể tác động tương đối lớn đến nền kinh tế đất nước, nhưng đồng thời, Hàn Quốc sẽ có thể được hưởng nhiều lợi ích nếu đa dạng hóa xuất khẩu.
Theo báo cáo, trong kịch bản phân mảnh thương mại toàn cầu ở mức hạn chế, trong đó các nền kinh tế lớn áp dụng thuế nhập khẩu để tăng khả năng tự cung tự cấp trong các ngành công nghệ cao (điện tử và thiết bị vận tải), xuất khẩu của Hàn Quốc giảm khoảng 3% trong thời gian dài, chủ yếu ở các ngành đó, và xuất khẩu của toàn cầu sụt giảm 2%.
Trong kịch bản phân mảnh thương mại toàn cầu gia tăng, trong đó, các nền kinh tế lớn bị chia thành hai khối, với các rào cản thương mại và biện pháp bảo hộ được dựng lên để chống lại nhau, xuất khẩu của Hàn Quốc có thể giảm tới 10% và xuất khẩu toàn cầu giảm khoảng 4%. Sự sụt giảm đặc biệt rõ rệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc như hóa chất, máy móc và thiết bị điện.
Tuy nhiên, nếu các rào cản thương mại giữa các nền kinh tế trong mỗi khối được giảm bớt, tác động tiêu cực của sự phân mảnh thương mại sẽ được giảm thiểu đáng kể, với xuất khẩu của Hàn Quốc giảm ở mức 3,5% và xuất khẩu toàn cầu giảm ở mức 2,5%.
Chánh Tài (Theo Bloomberg, Business Korea)
TBKTSG
|