DPM: Doanh thu quý 4 gần 3,400 tỷ đồng, “rủng rỉnh” tiền mặt hơn 6,800 tỷ đồng
Cuối năm 2023, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (HOSE: DPM) ghi nhận tình hình tài chính cực kỳ lành mạnh, với hơn 6,800 tỷ đồng tiền mặt và không vay nợ ngắn hạn.
Trong quý 4/2023, chủ thương hiệu Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu thuần gần 3,400 tỷ đồng và lãi ròng 108 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ.
Điểm sáng nằm ở hoạt động tài chính, cùng với việc tiết giảm các khoản chi phí. Trong giai đoạn này, Công ty ghi nhận doanh thu tài chính tăng lên 175 tỷ đồng, còn chi phí tài chính giảm mạnh về 13 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm mạnh về mức 228 tỷ đồng và 150 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, DPM ghi nhận doanh thu thuần gần 13,600 tỷ đồng và lãi ròng hơn 530 tỷ, đều giảm so với cùng kỳ. Bước lùi về kết quả kinh doanh chủ yếu là do so với mức nền quá cao của cùng kỳ - giai đoạn cơn sốt hàng hóa leo thang và giá phân bón tăng rất mạnh.
Tuy vậy, tình hình kinh doanh của ông lớn ngành phân bón có thể khởi sắc trong thời gian tới, khi giá phân urê có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Theo TradingEconomics, giá hợp đồng phân urê đã tăng từ 325 USD/tấn lên 403 USD/tấn trong 1 tháng qua.
Tiền mặt hơn 6,800 tỷ đồng, không vay nợ ngắn hạn
Ngoài ra, DPM còn sở hữu bức tranh tài chính lành mạnh, với phần lớn tài sản ngắn hạn là tiền mặt.
Cuối năm 2023, DPM nắm giữ gần 9,600 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó 70% là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Hàng tồn kho giảm về mức 1,900 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm.
Ở bên đối ứng, nợ ngắn hạn gần 1,500 tỷ đồng, nhưng không có vay nợ tài chính ngắn hạn.
Vũ Hạo
FILI
|