Dầu tiếp tục đi ngang
Giá dầu gần như đi ngang vào ngày thứ Tư (17/01), khi tác động của đợt lạnh khắc nghiệt làm gián đoạn một số hoạt động sản xuất dầu của Mỹ bù đắp cho tác động từ mức tăng trưởng kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/01, hợp đồng dầu Brent mất 41 xu còn 77.88 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 16 xu lên 72.56 USD/thùng.
Tại Bắc Dakota, bang sản xuất dầu hàng đầu của Mỹ, nhiệt đô dưới 0 độ F đã khiến sản lượng dầu tại đây giảm 650,000 đến 700,000 thùng/ngày, hơn 50% sản lượng thông thường của bang này.
Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates, cho biết những lo ngại về nguồn cung này đã khiến hợp đồng dầu WTI xoá sạch mức giảm vào cuối phiên, sau khi giảm hơn 1 USD/thùng trước đó.
Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ được dự báo giảm trong tuần trước – trước khi thời tiết lạnh lẽo khắc nghiệt đến – khoảng 300,000 triệu thùng.
Làm giá dầu suy giảm vào ngày thứ Tư, nền kinh tế Trung Quốc trong quý 4/2023 tăng trưởng 5.2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng của các chuyên gia phân tích và đặt ra câu hỏi về dự báo rằng nhu cầu của Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng dầu toàn cầu vào năm 2024.
Tuy nhiên, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong năm 2023 tăng 9.3% lên mức cao kỷ lục, cho thấy nhu cầu tăng ngay cả khi thấp hơn kỳ vọng của một số chuyên gia phân tích.
Các dấu hiệu khác cho thấy nhu cầu của Trung Quốc ổn định.
Căng thẳng ở Biển Đỏ vẫn đang leo thang sau khi Mỹ tiến hành các cuộc tấn công mới nhằm vào phiến quân Houthi vào ngày 16/01, sau khi một tên lửa của quân Houthi bắn trúng một tàu của Hy Lạp.
Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, cho biết cơ quan này dự báo thị trường dầu sẽ ở “vị thế thoải mái và cân bằng” trong năm nay, bất chấp căng thẳng ở Trung Đông trong bối cảnh nguồn cung gia tăng và triển vọng tăng trưởng nhu cầu giảm.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn lạc quan giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu tương đối mạnh mẽ trong năm 2024. OPEC cho biết năm 2025 sẽ là sự gia tăng “mạnh mẽ” trong nhu cầu sử dụng dầu, dẫn đầu là Trung Quốc và Trung Đông.
Đồng USD dao động gần mức đỉnh 1 tháng sau khi những nhận định từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm giảm kỳ vọng về việc hạ lãi suất tích cực. Đồng USD mạnh hơn làm giảm nhu cầu dầu từ những người mua đang sử dụng các loại tiền tệ khác.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|