Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý trách nhiệm với PVN
Theo kết luận số 1061/KL-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu của Thanh tra Chính phủ (TTCP), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam, PVN) được xác định là có trách nhiệm đối với việc chưa đảm bảo được tính khách quan, minh bạch, cạnh tranh công khai trong công tác mua bán xăng dầu.
Cụ thể, kết luận chỉ ra hiện tại, nguồn cung xăng dầu trong nước chủ yếu do 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn cung cấp. Sản lượng mỗi năm là 14.31 triệu tấn, đáp ứng 63.3% thị trường tiêu thụ (số liệu năm 2021).
Trong đó, CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) và Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn đã nhận ủy quyền từ PVN để bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối. Tuy nhiên, phương thức áp dụng là đàm phán và phân loại khách hàng, thay vì phương thức đấu giá cạnh tranh.
Hội đồng thành viên BSR đã phê duyệt chính sách bán sản phẩm theo hình thức đàm phán hoặc đấu giá, nhưng tính đến thời điểm thanh tra, việc đấu giá bán xăng dầu chưa được thực hiện. Với phương thức mua bán này, TTCP đánh giá chưa đảm bảo cạnh tranh công khai, minh bạch.
Do vậy, TTCP kiến nghị PVN chỉ đạo BSR và chi nhánh phân phối Nghi Sơn triển khai thực hiện đấu giá sản phẩm xăng dầu, nhằm đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Đồng thời chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân liên quan.
Đối với Bộ Công Thương, TTCP xác định Bộ là cơ quan điều phối khối lượng xăng dầu nhập khẩu và tổng nguồn xăng dầu để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng đã không hướng dẫn, quản lý thương nhân đầu mối nhập khẩu theo quý, dẫn đến không có kế hoạch để quản lý. Các thương nhân theo kế hoạch kinh doanh riêng nên khi chịu lỗ hoặc gặp khó khăn đã dừng không nhập khẩu (như Petro Bình Minh giai đoạn 2018-2021, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tổng hợp Hòa Khánh từ 2019-2021 đều không nhập khẩu).
Đến cuối năm 2023, các đơn vị chưa nhập đủ xăng theo hạn mức tối thiểu trong báo cáo điều chỉnh của Bộ Công Thương. Hơn nữa, dù văn bản giải trình của các đơn vị chưa phù hợp hoặc không rõ lý do, Bộ Công Thương vẫn chấp thuận. Vai trò các thương nhân là như nhau, nhưng cách điều hành của Bộ Công Thương được xác định là thiếu khách quan, công bằng, dẫn đến nhiều đầu mối phải thực hiện chồng nhiệm vụ, số khác không thực hiện đủ nhiệm vụ.
Qua đó, TTCP xác định trong trường hợp nguồn cung xăng dầu đòi hỏi cấp thiết, việc điều hành xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương là không hiệu quả, dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Do vậy, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến vi phạm. Cần làm rõ trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, giám sát dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc với các thương nhân đầu mối. Đồng thời, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, rà soát các tồn tại hạn chế bất cập trong kết luận thanh tra.
Hải Âu
FILI
|