Dầu giảm nhẹ khi Libya tăng sản xuất dầu
Giá dầu giảm nhẹ vào ngày thứ Ba (23/01), sau khi Libya khởi động lại sản xuất tại một mỏ dầu lớn và khi sản lượng phục hồi chậm ở Bắc Dakota sau một cơn bão mùa đông.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/01, hợp đồng dầu WTI mất 39 xu (tương đương 0.52%) còn 74.37 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent lùi 51 xu (tương đương 0.64%) xuống 79.55 USD/thùng.
Libya tái khởi động sản xuất tại mỏ dầu Sharara vào ngày 21/01, vốn có công suất 300,000 thùng/ngày. Mỏ dầu này đã tạm ngừng hoạt động 2 tuần do các cuộc biểu tình.
Sản lượng dầu cũng đang dần phục hồi ở Bắc Dakota sau khi một đợt thời tiết lạnh ở Bắc Cực tấn công bang sản xuất dầu thô lớn thứ 3 của Mỹ. Sản lượng dầu vào ngày 23/01 đã giảm 250,000 thùng xuống còn 300,000 thùng/ngày, giảm so với mức 700,000 thùng/ngày vào 17/01.
Lynn Helms, Giám đốc tài nguyên môi trường của Bắc Dakota, cho biết có thể mất 1 tháng để sản xuất trở lại bình thường,
Giá dầu cũng giảm khi có thông tin cho rằng Israel đã đề xuất tạm dừng giao tranh ở Gaza trong 2 tháng để đổi lấy việc thả tất cả các con tin còn lại. Nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ cuộc chiến để tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nó có thể nổ ra thành một cuộc xung đột khu vực, qua đó làm gián đoạn nguồn cung dầu.
Một quan chức cấp cao của Ai Cập đã nói với hãng tin AP rằng Hamas đã bác bỏ đề xuất này. Quan chức Ai Cập cho biết nhóm phiến quân này đang yêu cầu Israel chấm dứt cuộc tấn công và rút khỏi dãy Gaza.
Giá dầu đã tăng 2% vào ngày 22/01 sau khi một cuộc tấn công được cho là bằng máy bay không người lái của Ukraine nhắm vào một kho nhiên liệu lớn của Nga trên biển Baltic, làm bật lên những mối đe doạ địa chính trị đối với nguồn cung dầu thô.
Theo Bloomberg News, trong một tín hiệu lạc quan cho thị trường, Trung Quốc đang xem xét gói giải cứu trị giá 278 tỷ USD để thúc đẩy thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn. Một gói giải cứu của Trung Quốc sẽ làm tăng kỳ vọng nhu cầu dầu. Nhà đầu tư đã lo ngại trong nhiều tháng rằng nền kinh tế chững lại ở Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu dầu thô.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|