Cần Thơ: Triển khai cơ chế quản lý tài chính, ngân sách đặc thù theo Nghị quyết số 45 của Quốc hội
Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ đã quy định cho Cần Thơ 03 cơ chế đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách bao gồm: nâng tổng mức dư nợ vay, thưởng vượt thu ngân sách và thí điểm phí, lệ phí. Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai thực hiện, Cần Thơ vẫn chưa áp dụng được những chính sách này một cách đầy đủ và hiệu quả.
Cơ chế vay
Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 45 đã nâng mức dư nợ vay của Cần Thơ từ không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp (theo Luật Ngân sách nhà nước), lên không vượt quá 60% số thu ngân sách mà Cần Thơ được hưởng theo phân cấp. Theo đó, các nguồn mà Cần Thơ được vay chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Cần Thơ vay lại.
Năm 2023, số thu ngân sách mà Cần Thơ được hưởng vào khoảng 10,025 tỷ đồng. Như vậy, hạn mức vay tối đa của Cần Thơ tương đương khoảng 6,015 tỷ đồng. Hiện nay, tổng mức dư nợ của Cần Thơ lũy kế đến cuối năm 2023 là 2,556 tỷ đồng, đạt 42.5% so với mức dư nợ vay tối đa của ngân sách địa phương.
Trong năm 2024, dự kiến số thu nội địa dự toán của Cần Thơ là 11,612 tỷ đồng, khi đó số thu ngân sách được hưởng đạt vào khoảng 11.115 tỷ đồng, tương ứng với tổng mức dư nợ tối đa tăng lên khoảng 6,669 tỷ đồng. Theo kế hoạch, thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 03) với nguồn vốn vay lại từ nguồn Chính phủ vay ODA về cho thành phố với số tiền dự kiến là 1,320 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại kỳ họp thường lệ cuối năm, HĐND thành phố Cần Thơ cũng đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương phát hành trái phiếu của thành phố. Theo đó, số tiền dự kiến huy đọng vào khoảng 1.000 tỷ đồng nhằm phục vụ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Như vậy, tổng mức dư nợ vay dự kiến đến cuối năm 2024 của Cần Thơ sẽ đạt khoảng 4,772 tỷ đồng, đạt khoảng 72% so với tổng mức dư nợ vay dự kiến là 6,669 tỷ đồng.
Cơ chế thưởng vượt thu ngân sách
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 45, ngân sách trung ương hằng năm sẽ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Cần Thơ không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định tại khoản 4 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% quy định tại các điểm b, c, d, g, h, i, và q khoản 1 Điều 35 của Luật Ngân sách nhà nước so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, số tiền thưởng vượt thu này không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.
Qua rà soát kết quả thực hiện năm 2022, số tiền vượt thu ngân sách Trung ương trên địa bàn thành phố là 158,793 tỷ đồng. Như vậy, theo quy định, thành phố sẽ được hưởng khoản vượt thu tối đa là 112 tỷ đồng. Theo đó, UBND thành phố đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét thưởng vượt thu ngân sách Trung ương so với dự toán năm 2022.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tài chính, với kết quả thu ngân sách Nhà nước năm 2022 là 11,783 tỷ đồng; trong đó: tổng các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương, phần điều tiết về ngân sách trung ương là 138.27 tỷ đồng; tổng các khoản ngân sách trung ương hưởng 100% theo quy định là 979.5 tỷ đồng. Theo đó, thực hiện thu từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương vượt dự toán 23.7 tỷ đồng nhưng giảm 394.3 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021. Đồng thời, các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% vượt dự toán là 153.4 tỷ đồng nhưng giảm 20 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021. Do đó, thành phố không được thưởng vượt thu theo quy định tại Nghị quyết số 45.
Về thí điểm chính sách phí, lệ phí
Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 45 cho phép, HĐND Thành phố được quyết định áp dụng bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; và điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí (trừ án phí, lệ phí Tòa án). Các khoản thu tăng thêm này ngân sách thành phố được hưởng 100% để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố. Đồng thời, không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố.
Hiện nay, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát cụ thể, chi tiết để xác định các khoản thu phí, lệ phí có thể thực hiện nhưng không làm ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố, các cơ quan chuyên môn của thành phố đang khẩn trương tham mưu hoàn thiện Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để đậu xe. Bên cạnh đó, rà soát các loại phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp để tham mưu xây dựng Đề án điều chỉnh mức thu phí, trình HĐND thành phố xem xét, quyết nghị làm cơ sở tổ chức thực hiện.
Những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách, góp phần tăng cường thêm nguồn lực để chi cho đầu tư phát triển, thành phố đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau:
Một là, thực hiện tốt công tác thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách, tăng cường công tác quản lý thu.
Hai là, tiếp tục triển khai xây dựng Đề án huy động nguồn lực và tăng thu ngân sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp và các chính sách như quy hoạch, kết hợp đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, khai thác quỹ đất để tạo nguồn thu ngân sách mới và bền vứng cho địa phương.
Ba là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Đề án thu phí theo Nghị quyết số 45, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Bốn là, điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng chi đúng nguồn kinh phí, mua sắm vượt nhu cầu gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Năm là, kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công và các nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, nợ của chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Đinh Tấn Phong - Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ
FILI
|