Thách thức “xanh” nào đang chờ ngành F&B phía trước?
Các quy định mới như chiến lược Farm to Fork, EUDR đang trở thành những thách thức, rào cản cho các doanh nghiệp trong ngành F&B, khiến đường vào thị trường phát triển như châu Âu, Mỹ được dự báo càng “gồ ghề” hơn.
Môi trường tạo ra sản phẩm đang được quan tâm nhiều hơn
Tại diễn đàn CEO “Phá vỡ rào cản và mở rộng thị trường ngành F&B”, ThS. Đặng Bùi Khuê, chuyên gia tư vấn cấp cao F&B, chuyên gia tiêu chuẩn Phát triển bền vững và hiệu ứng nhà kính, Giám đốc đào tạo Bureau Veritas Vietnam (BV) đã chia sẻ về “Những thách thức từ chiến lược Farm to Fork và quy định chống phá rừng (EUDR) của châu Âu, giải pháp nào cho ngành F&B”.
Chuyên gia Đặng Bùi Khuê tham gia chia sẻ tại diễn đàn. Nguồn: Ảnh chụp màn hình
|
Hiện nay, Liên minh Châu Âu (EU) thông qua trang cảnh báo nhanh thống kê và cho thấy có ba vấn đề nổi cộm gồm liên quan đến nhiễm chéo từ môi trường, không khí có thể ảnh hưởng đến sự cố về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), bùng phát dịch bệnh và liên quan đến những thành phần không được phép có mặt trong thực phẩm, đồng thời các nội dung về vi sinh vật gây bệnh vẫn là một trong những thực trạng tồn tại và trọng tâm có liên quan đến việc thu hồi sản phẩm tại EU.
Ông Khuê cho biết, các yêu cầu liên quan đến ATVSTP vi sinh giữa Mỹ và EU có chút khác biệt, nhưng hiện nay cả hai thị trường đều đang tập trung vào chương trình giám sát môi trường (EMP) do các thanh tra FDA bây giờ tập trung nhiều hơn về việc giám sát các môi trường tạo ra sản phẩm.
“Ngày xưa họ tập trung nhiều vào sản phẩm, họ xem những phiếu kiểm nghiệm nhiều hơn, còn bây giờ họ tương tác, họ thanh tra các vấn đề liên quan đến môi trường như bảo hộ lao động, tay công nhân, môi trường không khí có thể ảnh hưởng đến vấn đề ATVSTP một cách rất trọng yếu”, ông Khuê chia sẻ.
Đối với các doanh nghiệp F&B, hiện nay chương trình thanh tra của FDA sẽ tập trung vào “Chương 21 CFR 117” dành cho hầu hết ngành thực phẩm.
Farm to Fork – chiến lược cốt lõi của ngành F&B
Tại châu Âu, Luật khí hậu châu Âu, Kế hoạch kinh tế tuần hoàn và Thỏa thuận xanh châu Âu (EU Green Deal) là ba trụ cột cốt lõi dành cho tất cả ngành nghề liên quan đến việc phát triển bền vững và kinh tế xanh.
Theo đó, một số quy định mới được đưa ra, chẳng hạn EUDR là một quy định về chống phá rừng của EU có hiệu lực từ tháng 06/2023 và đến 31/12/2024 sẽ bắt đầu thu hoạch những dữ liệu đầu tiên. Chiến lược Farm to Fork là một phần của EU Green Deal, ngoài ra còn có thiết kế sinh thái (Ecodesign) sẽ quy định những chuẩn mực cho một sản phẩm bền vững từ việc sử dụng hoặc tái sử dụng nguồn nguyên vật liệu như thế nào cũng là một quy định mới của EU.
EU Green Deal mới được hình thành từ năm 2019, là một phản ứng của châu Âu đối với những tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu, áp dụng cho 7 lĩnh vực gồm nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, năng lượng, tài chính, vận tải và xây dựng.
Khung cấu trúc chính của EU Green Deal tập trung vào ba nhóm chính, gồm thứ nhất là chuyển đổi nền kinh tế EU vì một tương lai bền vững; thứ hai là đưa EU trở thành một trong những đơn vị lãnh đạo toàn cầu trong việc định hướng liên quan đến kinh tế xanh và phát triển bền vững; cuối cùng là hiệp ước khí hậu châu Âu, với mục tiêu cuối cùng giúp cho EU đạt được trung hòa khí hậu đến năm 2050.
Ông Khuê nhấn mạnh, đối với ngành F&B thì Farm to Fork là chiến lược cốt lõi, quan trọng nhất, đã được ban hành từ tháng 05/2020 và vẫn đang tiếp tục được cập nhật mới.
Farm to Fork xuất phát từ nông dân, đến quá trình chế biến, sau đó bán lẻ và cuối cùng đến bàn ăn và là một bộ phận của EU Green Deal; còn EU Green Deal lại là một bộ phận của gói Fit for 55, một gói hỗ trợ cho thế hệ tương lai.
Thống kê cho thấy, nếu không thực hiện những hành động cần thiết, EU phải trả một “con số rất đắt” tính đến hàng ngàn tỷ EUR cho dịch vụ liên quan đến hệ sinh thái, quản lý suy thoái đất do hoạt động chăn nuôi, trồng trọt và đều sẽ ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.
Chiến lược Farm to Fork từ nông trại đến bàn ăn của EU. Nguồn: Ảnh chụp màn hình
|
EU xây dựng chiến lược này dựa trên mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, hướng đến một số lộ trình, chẳng hạn sẽ giảm mức sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc kháng sinh và tăng diện tích đất nông nghiệp canh tác hữu cơ... theo tỷ lệ nhất định.
Theo ông Khuê, EU hiện nay đã đưa ra các vấn đề liên quan đến phúc lợi động vật, các quy định về phụ gia thức ăn chăn nuôi, quy tắc cạnh tranh, hợp tác giữa các nhà sản xuất sơ cấp và mạng dữ liệu trang trại bền vững cũng như khuyến nghị mới về nghề cá, những tàu đánh bắt trái phép hoặc không đăng ký sẽ không được chấp nhận, yêu cầu hệ thống truy xuất tăng cường cho mảng này.
Liên quan đến vấn đề chất dinh dưỡng, EU đang hạn chế quảng cáo, thậm chí ngưng nhập một số mặt hàng như muối, đường hay chất béo không có lợi cho sức khỏe, đồng thời đề xuất việc dán nhãn dinh dưỡng mặt trước sản phẩm bắt buộc để xác định sản phẩm có lợi hay không đối với sức khỏe.
Bên cạnh đó, EU cũng sẽ có khung ghi nhãn thực phẩm bền vững, do đó sản phẩm sẽ phải công bố đang thuộc mức nào trong các mức bền vững đó. Sáng kiến trang trại carbon được EU đưa ra nhằm giảm lượng carbon tại các trang trại.
Ngành thực phẩm rồi sẽ chịu thuế carbon
Theo vị Giám đốc đào tạo Bureau Veritas Vietnam, trong tương lai, không sớm thì muộn ngành thực phẩm cũng sẽ bị áp thuế carbon.
Tín chỉ carbon hiện nay trên thị trường đang được bán với giá 85 euro, nhưng khả năng giá sẽ cao hơn nữa sau khi áp cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), khi đó các doanh nghiệp phải mua tín chỉ CBAM để bù lại, theo giá khớp lệnh trên sàn EU ETS với giá trung bình theo tuần.
Nêu giải pháp về việc này, ông Khuê đưa ra câu chuyện về một số nước trên thế giới hiện nay, chẳng hạn Thái Lan, đang vào Việt Nam thuê đất đầu tư trồng lúa nước, do đất ngập nước sẽ tạo ra khí metan (CH4), sau đó sử dụng những công nghệ, kỹ thuật giảm phát thải để ra được tín chỉ carbon. Những doanh nghiệp này vừa làm được nông nghiệp lại vừa có tiền từ bán tín chỉ, một công đôi chuyện.
Chuyên gia Đặng Bùi Khuê chia sẻ về chiến lược Farm to Fork. Nguồn: Ảnh chụp màn hình
|
Vẫn còn một số giải pháp khác, chẳng hạn giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, tinh gọn sản xuất, tận dụng nhiên liệu sinh học, các biện pháp như trồng rừng, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên liệu phát thải thấp, giảm phân bón, tăng canh tác hữu cơ…
Theo ông Khuê, các doanh nghiệp F&B có thể đối diện với các khó khăn khác nhau, từ áp lực và giám sát chặt chẽ hơn thuốc trừ sâu, sự gia tăng nhận thức của người tiêu dùng châu Âu về sản phẩm bền vững, lành mạnh, cho đến áp lực ngành thủy sản bền vững. Tùy từng vấn đề sẽ có giải pháp riêng.
Ví dụ, đối với áp lực và giám sát chặt chẽ hơn thuốc trừ sâu, các doanh nghiệp có thể áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, quy hoạch vùng trồng, thúc đẩy đa dạng sinh học, luân canh,…
Đối với áp lực ngành thủy sản bền vững, các giải pháp có thể là nuôi trồng thủy sản đa dinh dưỡng tổng hợp, đáp ứng truy xuất nguồn gốc, quản lý thủy sản từ IUU, áp dụng 10R,…
Đối với sự gia tăng nhận thức của người tiêu dùng châu Âu về sản phẩm bền vững, lành mạnh cần áp dụng các tiêu chuẩn ISO 14021 hoặc 14025 về nhãn môi trường loại 2 và loại 3 để người tiêu dùng được chọn lựa dựa trên thông tin về nguồn nguyên liệu phát thải của sản phẩm, xem có bền vững hay không.
Doanh nghiệp biết về EUDR còn quá ít
EUDR là một bộ tiêu chí từ ba luật chính gồm Luật khí hậu châu Âu, Kế hoạch hành động về kinh tế xanh và Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học. Như vậy, những sản phẩm bị ảnh hưởng sẽ là gỗ, cao su, dầu cọ, đậu nành… và các sản phẩm liên quan sẽ được kiểm soát tại Điều 3 thuộc EU Green Deal 2023/1115.
Theo đó, EUDR yêu cầu chứng minh sản phẩm không có nguồn gốc từ việc phá rừng, làm suy thoái rừng; sau đó thẩm định tất cả các sản phẩm có liên quan; cuối cùng sẽ đánh giá rủi ro và đưa ra các biện pháp giảm thiểu.
Một số tác động có thể kể đến lệnh cấm nhập khẩu hoặc phạt khi không đáp ứng EUDR hoặc thay đổi trong tìm nguồn cung ứng của EU sang các nước sản xuất có rủi ro thấp với các biện pháp kiểm soát nạn phá rừng.
Về giải pháp, ông Khuê cho rằng, trước hết cần nhận thức được và chuẩn bị hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc… tùy thuộc vào mỗi sản phẩm sẽ áp dụng các giải pháp khác nhau. Bên cạnh đó, dữ liệu quốc gia của Việt Nam cũng đảm bảo không thuộc danh sách các nước có rủi ro cao, thúc đẩy quản lý rừng bền vững, hợp tác với EU để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và năng lực thẩm định,…
Trong quá trình hỗ trợ, tương tác với khách hàng, ông Khuê cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp vấn đề liên quan đến tiếp cận thông tin. Số doanh nghiệp biết được thông tin về EUDR còn quá ít, thậm chí là cả các khách hàng lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp khó khăn về vấn đề tiếng anh để có thể hiểu được luật, đồng thời bị giới hạn về nguồn lực thực hiện.
Tử Kính
FILI
|