Thứ Sáu, 26/01/2024 08:31

Các đồng tiền châu Á suy yếu so với đô la do kinh tế Trung Quốc trì trệ

Các loại tiền tệ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng bạc xanh trong các tháng qua. Nhiều nhà phân tích chỉ ra nguyên nhân chính là do nền kinh tế trì trệ ở Trung Quốc đã phủ bóng mờ lên các nước có quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ với Bắc Kinh. Số khác thì cho rằng các đồng tiền châu Á sẽ tiếp tục xuống giá trong tương lai.

Đồng peso của Philippines, đồng rupiah của Indonesia và đồng ringgit của Malaysia nằm trong số những đồng tiền chạm mức thấp nhất trong ba tháng so với đồng đô la Mỹ hôm 24-1. Đồng baht Thái và đồng đô la Úc đang giao dịch quanh mức yếu nhất trong một đến hai tháng.

Các đồng tiền châu Á đã sụt giảm so với đồng đô la Mỹ kể từ cuối năm 2023, với đồng baht, đô la Úc và đô la New Zealand giảm khoảng 4% và đồng won Hàn Quốc giảm hơn 3%.

Trong khi đó, đồng euro đã mất giá khoảng 1,6% và bảng Anh mất 0,3%.

Hai nguyên nhân chính

Xu hướng này một phần bắt nguồn từ sự vững chắc của đồng đô la Mỹ kể từ đầu năm 2024. Thông thường, đồng đô la mạnh sẽ khiến các nền kinh tế mới nổi gặp khó khăn hơn trong việc thanh toán các khoản nợ bằng đô la, từ đó làm suy yếu đồng nội tệ.

Dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố trong tháng này, chẳng hạn như chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 và số liệu doanh số bán lẻ, nêu bật sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Các nhà đầu tư đang tích cực gom đồng bạc xanh giữa lúc có nhiều đồn đoán rằng Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc là một yếu tố khác.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có vẻ lấy lại sức vào đầu năm 2023, nhưng thực tế tình hình lại tệ hơn. Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất (PMI) của Trung Quốc xuống còn 49 trong tháng 12 vừa rồi, tháng thứ ba xuống dưới ngưỡng 50. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng giảm trong ba tháng liên tiếp kể từ tháng 10.

Nhiều nước châu Á phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, nghĩa là sự sụt giảm của Trung Quốc có xu hướng thúc đẩy việc bán đồng nội tệ của những nền kinh tế này.

Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, nói: “Các ngành công nghiệp quan trọng nhất ở những quốc gia này để thu ngoại tệ phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, từ than và quặng sắt ở Úc đến thiết bị điện tử ở Philippines và du lịch ở Thái Lan”.

Khoảng 30% hàng xuất khẩu của Úc và hơn 20% hàng xuất khẩu của Hàn Quốc và Indonesia có đích đến là Trung Quốc trong năm 2022, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Do Trung Quốc nhận được tỷ trọng xuất khẩu của châu Á lớn hơn so với Mỹ hoặc các nền kinh tế lớn châu Âu nên sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc sẽ khiến nhiều nước bị lụy.

Các loại tiền tệ châu Á sụt giảm so với đô la Mỹ, lấy ngày 29-12-2023 làm cột mốc với chỉ số là 100. Nguồn: Nikkei Asia

Trông chờ tín hiệu của Fed

Những lo ngại về suy thoái toàn cầu đang khiến nhiều người nghiêng về giả thuyết cắt giảm lãi suất ở các nước châu Á.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc giữ lãi suất chính sách ở mức 3,5% trong tháng này trong cuộc họp thứ tám liên tiếp. Nhưng tài liệu quyết định chính sách tiền tệ mới nhất không đề cập đến sự cần thiết phải tăng lãi suất hơn nữa, không giống như những tháng trước.

Số việc làm ở Úc đã giảm vào tháng 12, lần đầu tiên sau năm tháng. Những người theo dõi thị trường ngày càng kỳ vọng lãi suất sẽ thấp hơn vào cuối năm nay.

Áp lực chính trị về việc cắt giảm lãi suất cũng đang gia tăng do tác động tiềm tàng của lãi suất cao hơn đối với hoạt động kinh tế. Tại Thái Lan, Thủ tướng Srettha Thavisin được cho là đã tạo sức ép với ngân hàng trung ương nhằm hạ lãi suất chính sách từ mức 2,5% hiện tại.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 24-1 công bố giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Động thái này được xem là cách bơm thêm tiền vào lưu thông, thúc giục các ngân hàng cho vay nhiều hơn để vực dậy nền kinh tế.

Naoki Tsukioka tại Mizuho Research & Technologies cho biết: “PBoC có thể tiến hành hạ lãi suất chính sách một lần nữa trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 3”.

Nếu châu Á cũng cắt giảm lãi suất trong bổi cảnh mọi người nhìn nhau hỏi là liệu Fed sẽ cắt giảm lãi suất và khi nào, thì các đồng tiền châu Á có thể suy yếu hơn nữa so với đồng đô la trong thời gian tới.

Ricky Hồ (Theo Nikkei Asia, Reuters)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới tăng giá sau dữ liệu GDP Mỹ (26/01/2024)

>   Dầu tăng 3% khi kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ (26/01/2024)

>   Vàng thế giới giảm do dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ (25/01/2024)

>   Dầu WTI tăng gần 1% khi sản lượng sụt giảm vì bão mùa đông (25/01/2024)

>   Các quỹ phòng hộ lớn nhất lãi kỷ lục trong năm 2023 (24/01/2024)

>   Ngân hàng ‘bóng mờ’ bao phủ thị trường tài chính (24/01/2024)

>   Vàng thế giới tăng nhẹ chờ tín hiệu về hạ lãi suất của Mỹ (24/01/2024)

>   Dầu giảm nhẹ khi Libya tăng sản xuất dầu (24/01/2024)

>   Đặt cược Fed sớm hạ lãi suất sẽ là giao dịch “dại dột” của năm 2024 (23/01/2024)

>   Vàng thế giới giảm khi nhà đầu tư bớt hào hứng về khả năng giảm lãi suất nhanh chóng (23/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật