Ngân hàng ‘bóng mờ’ bao phủ thị trường tài chính
Ngày 6-8-2023, Công ty xây dựng nhà Country Garden tuyên bố không thể thanh toán 22,5 triệu đô la Mỹ tiền lãi trái phiếu và chờ tái cơ cấu. Tuyên bố này đã tạo ra một sự lo ngại đối với những người mua các sản phẩm tài chính tại các tổ chức tài chính phi ngân hàng (NBFI) – một tên gọi rộng rãi cho hệ thống ngân hàng bóng mờ (shadow banking) – tại Trung Quốc. Bởi lẽ, gần 10% tài sản của các shadow banking đang được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, chưa kể các khoản cho vay khác đối với các sàn huy động vốn địa phương (LGFV) được dùng để tìm kiếm nguồn tài trợ cho các hoạt động đầu tư tại các tỉnh.
Ảnh: Nikkei Asia
|
Lo ngại này không phải đợi lâu. Vào cuối ngày 11-8-2023, ba công ty niêm yết cho biết họ không nhận được khoản thanh toán bao gồm vốn gốc và lãi của các sản phẩm do Zhongrong International Trust – đơn vị liên kết với Zhongzhi Enterprise Group, tập đoàn đang quản lý số tài sản trị giá khoảng 138 tỉ đô la Mỹ – phát hành. Các khoản thanh toán này có tổng trị giá khoảng 19,3 triệu đô la Mỹ. Zhongrong International Trust, một trong mười shadow banking lớn nhất của Trung Quốc, đã không thanh toán được hơn 30 sản phẩm quản lý tài sản (AMP).
Các nhà quản lý Trung Quốc đã mất nhiều năm để quản lý ngành tín thác trị giá 2.900 tỉ đô la Mỹ. Nỗi lo sợ của họ càng tăng thêm khi các công ty tín thác liên kết với gã khổng lồ tài chính Zhongzhi Enterprise Group Co. Cái gì phải đến cũng sẽ đến. Vào những ngày đầu tiên của tháng 1-2024, gã khổng lồ shadow banking của Trung Quốc Zhongzhi Enterprise Group Co. – công ty từng quản lý hơn 140 tỉ đô la Mỹ tài sản vào thời kỳ đỉnh cao – đã nộp đơn xin phá sản với khoản nợ lên tới 460 tỉ nhân dân tệ (khoảng 64,3 tỉ đô la Mỹ), lớn hơn gấp đôi so với tài sản 200 tỉ nhân dân tệ.
Thị trường vốn của Trung Quốc lấy ngân hàng làm trung tâm và shadow banking thực sự là một “cái bóng” của hệ thống ngân hàng. Vào thời điểm cuối năm 2016, theo ước lượng, quy mô shadow banking vào khoảng 60-62% GDP nước này, kéo theo những hệ lụy.
Vươn lên quy mô lịch sử
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Trung Quốc đã triển khai một chương trình kích thích nghịch chu kỳ, xúc tác cho sự bùng nổ chưa từng có về tăng trưởng tín dụng. Trong tám năm tiếp theo, tốc độ mở rộng tín dụng đó tính theo tỷ lệ GDP đã tương ứng với khoảng 32% GDP – lớn hơn bất kỳ đợt bùng nổ tín dụng nào của một quốc gia trong ít nhất một thế kỷ.
Quy mô kích thích thực tế của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với tuyên bố về 4.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 588 tỉ đô la Mỹ), tương đương với 13% GDP của Trung Quốc vào thời điểm đó, bởi vì nó thường được tài trợ thông qua việc cho vay từ hệ thống ngân hàng, thay vì chi tiêu tài chính trực tiếp của chính phủ. Các ngân hàng được khuyến khích cho vay tích cực và đã làm như vậy, đặc biệt là với những nhóm đi vay thuộc sở hữu nhà nước hoặc được bảo lãnh. Tăng trưởng tín dụng tổng thể, được đo lường thông qua tổng hình thành vốn xã hội (TSF) tăng trưởng 32% trong năm 2009 và thêm 24% trong năm 2010. Đến cuối năm 2012, hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi tổng tài sản.
Tuy nhiên, một vấn đề của bùng nổ tín dụng thời kỳ này là hầu hết các dự án đầu tư mà chính quyền địa phương Trung Quốc tiến hành sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không nhất thiết được thiết kế để tạo ra lợi nhuận. Các ngân hàng chỉ đơn giản là một cơ chế đưa tín dụng vào nền kinh tế nhanh hơn chờ phát hành trái phiếu chính phủ quy mô lớn.
Kết quả là, các ngân hàng rơi vào tình thế lưỡng nan. Một mặt dần mất động cơ trong việc cho những bên đi vay có bảo lãnh vay vốn, mặt khác, không thể cắt bỏ các dự án này vì nhà nước ngầm bảo lãnh hoặc công khai bảo lãnh.
Sự phát triển của hệ thống ngân hàng ngầm nổi lên như một giải pháp một phần cho những khó khăn của các ngân hàng trong việc duy trì các khoản vay này cho những người vay thuộc sở hữu nhà nước và chính quyền địa phương, do đó các ngân hàng không cần phải hạ giá trị các khoản vay. Trung Quốc kiểm soát sự tăng trưởng cho vay thông qua các công cụ quản lý chặt chẽ – bao gồm cả hạn ngạch hoàn toàn cho các ngân hàng riêng lẻ, trần lãi suất tiền gửi và sàn về lãi suất cho vay.
Trong giai đoạn 2009-2016, shadow banking đã tăng trưởng với tốc độ 40%/năm. Mặc dù việc ước lượng quy mô của hệ thống shadow banking rất khó khăn, nhưng các ước lượng dựa trên quy mô các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) cho thấy vào cuối năm 2016, quy mô shadow banking đạt khoảng 9.000 tỉ đô la Mỹ (tương đương 60-62% GDP Trung Quốc).
|
Kết quả của sự kết hợp các điều kiện thực tế và chính sách này khiến quy mô shadow banking đã tăng từ 5% tổng dư nợ của khu vực phi tài chính (năm 2000) lên 25% (năm 2009). Trong giai đoạn 2009-2016, shadow banking đã tăng trưởng với tốc độ 40%/năm. Mặc dù việc ước lượng quy mô của hệ thống shadow banking rất khó khăn, nhưng các ước lượng dựa trên quy mô các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) cho thấy vào cuối năm 2016, quy mô shadow banking đạt khoảng 9.000 tỉ đô la Mỹ (tương đương 60-62% GDP Trung Quốc).
Lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính, các cơ quan quản lý đã phát động một chiến dịch nhằm kiềm chế các hoạt động của hệ thống này vào cuối năm 2016 như một phần của chiến dịch làm sạch tài chính rộng rãi hơn. Những nỗ lực quản lý này đã thành công trong việc đảo ngược sự phát triển của shadow banking. Moody’s ước tính rằng tổng tài sản ngầm đã giảm xuống còn 8.300 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm 2019. Đến năm 2023, ngành tín thác – một nhánh của shadow banking – tại Trung Quốc vẫn có trị giá 2.900 tỉ đô la Mỹ.
Ba loại hình shadow banking
Theo quan điểm gửi và cho vay của các tổ chức trung gian tài chính, các hoạt động shadow banking của Trung Quốc có thể được phân thành ba loại lớn.
Về mặt tiền gửi, các sản phẩm quản lý tài sản do ngân hàng tài trợ (WMP) là danh mục chính. Đây là những sản phẩm đầu tư được cấu trúc và bán bởi các ngân hàng hợp tác với các tổ chức tài chính phi ngân hàng (NBFI). Các đối tác chính là các công ty ủy thác. Từ góc độ pháp lý, công ty ủy thác có nghĩa vụ ủy thác và chịu trách nhiệm thẩm định cũng như hành động vì lợi ích của nhà đầu tư.
Bằng cách hợp tác với các công ty ủy thác, WMP không được coi là tiền gửi ngân hàng và không được ghi vào bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Do đó, WMP có thể đưa ra mức lãi suất cao hơn vì không phải tuân theo quy định về tiền gửi. Sau khi thắt chặt quy định ngân hàng kể từ năm 2012, các ngân hàng đã tạo ra các cấu trúc đường dẫn phức tạp hơn, nơi không chỉ các công ty tín thác mà cả các công ty môi giới, công ty chứng khoán hoặc công ty bảo hiểm cũng tham gia.
Shadow banking của Trung Quốc được tạo ra và cung cấp bởi các ngân hàng với các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Mối liên hệ này khiến rủi ro tài chính của shadow banking trên thực tế là một phần của rủi ro tài chính trong hệ thống ngân hàng dù các tài sản này không thể hiện trong bảng kế toán của các ngân hàng.
|
Từ góc độ cho vay, vì WMP không được coi là tiền gửi nên việc sử dụng quỹ WMP không phải tuân theo các quy định cho vay tiêu chuẩn của ngân hàng như yêu cầu về vốn. Số tiền thu được từ việc phát hành WMP được đầu tư vào thị trường trái phiếu và cho vay liên ngân hàng. Một phần đáng kể được cho các công ty và những người đi vay khác vay dưới dạng các khoản cho vay tín thác (Trust loan). Vì vậy, các khoản cho vay tín thác tạo thành một loại hoạt động shadow banking quan trọng. Những khoản vay này thường được trao cho những người đi vay có rủi ro cao hơn, chẳng hạn như các nhà phát triển bất động sản, công ty khai thác mỏ và LGFV.
Ngoài các khoản cho vay tín thác, cho vay ủy thác (Entrusted loan) là một hoạt động cho vay khác. Khoản vay ủy thác là khoản vay khi một doanh nghiệp (hoặc cá nhân) cho một doanh nghiệp (hoặc cá nhân) vay vốn thông qua ngân hàng ủy thác. Các ngân hàng cũng là một người chơi quan trọng trong thị trường cho vay ủy thác.
Loại hoạt động thứ ba bao gồm các hoạt động gửi tiền và cho vay của các công ty không có ngân hàng làm trung gian, chẳng hạn như cho vay của những người cho vay vi mô và cửa hàng cầm đồ hoặc thông qua các nền tảng cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P) và thị trường chợ đen ngầm.
Bản chất shadow banking tại Trung Quốc và hệ lụy
Có hai điểm khác biệt cơ bản giữa hoạt động shadow banking của Trung Quốc và Mỹ. Thứ nhất, ở Trung Quốc, shadow banking dựa vào các ngân hàng truyền thống để thực hiện nhiều chức năng cơ bản của trung gian tín dụng. Chúng cung cấp phương tiện cho các ngân hàng thông thường để né tránh quy định.
Một báo cáo năm 2015 ước tính rằng hai phần ba hoạt động shadow banking ở Trung Quốc được thực hiện bằng nguồn vốn ngân hàng thông thường. Khi các cơ quan quản lý ngăn cản các ngân hàng tham gia vào các lĩnh vực có khả năng sinh lời, chúng đã chuyển sang hoạt động của shadow banking để cho vay. Điều này khiến thị trường vốn của Trung Quốc lấy ngân hàng làm trung tâm và shadow banking thực sự là một “cái bóng” của hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, ở Mỹ, ngay từ những năm 1970, thị trường vốn đã là một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính nước này và cung cấp nền tảng hiệu quả cho những đổi mới tài chính. Sự phát triển của shadow banking ở Mỹ dựa vào nền tảng này để làm trung gian tín dụng, phân phối lại rủi ro và định giá.
Ví dụ, các nhà quản lý tài sản của các nghĩa vụ cho vay thế chấp (CLO) thường là các công ty cổ phần tư nhân mua các khoản vay doanh nghiệp hợp vốn từ ngân hàng và bán chúng cho các nhà đầu tư tổ chức dưới hình thức các khoản nợ được chứng khoán hóa trên thị trường vốn. Một hệ quả tất yếu là hệ thống shadow banking của Mỹ hoạt động dựa trên thị trường, hoạt động song song với các ngân hàng.
Ngược lại, shadow banking của Trung Quốc được tạo ra và cung cấp bởi các ngân hàng với các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Mối liên hệ này khiến rủi ro tài chính của shadow banking trên thực tế là một phần của rủi ro tài chính trong hệ thống ngân hàng dù các tài sản này không thể hiện trong bảng kế toán của các ngân hàng.
Sự khác biệt thứ hai liên quan đến cách hai hệ thống ngân hàng ngầm tìm cách tạo ra các sản phẩm đầu tư an toàn và không nhạy cảm với thông tin, mang lại lãi suất cao hơn tiền gửi không kỳ hạn và trái phiếu chính phủ. Các sản phẩm của shadow banking tại Mỹ là phản ứng nội sinh của hệ thống tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tài sản an toàn của các nhà đầu tư tổ chức. Dù chúng không được tổ chức phát hành đảm bảo vốn rõ ràng nhưng được coi là an toàn do thiết kế tài chính như phân đợt và cách thế chấp.
Ngược lại, các sản phẩm shadow banking của Trung Quốc có cấu trúc tương đối đơn giản. Các nhà đầu tư Trung Quốc coi WMP là an toàn vì các ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu và phân phối các sản phẩm này. Mặc dù các ngân hàng thường không chịu trách nhiệm theo hợp đồng khi người vay cơ bản không trả nợ nhưng các nhà đầu tư mong đợi sự bảo đảm của ngân hàng và sự thực thi của chính phủ trong trường hợp vỡ nợ. Trung bình, 70% WMP được phát hành kể từ năm 2007 không có bảo đảm tín dụng rõ ràng. Điều này dẫn đến một hệ lụy về rủi ro đạo đức khi tất cả nhà đầu tư mua WMP đều ngầm định rằng khoản đầu tư của họ được chính phủ đảm bảo bởi chính phủ không thể để ngân hàng vỡ nợ.
Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS)
TBKTSG
|