“Bất động sản Trung Quốc cần hơn 10 năm để giải quyết hàng tồn kho”
Trung Quốc có thể phải mất khoảng thời gian rất dài để giải quyết những rắc rối trong lĩnh vực bất động sản, trong đó lượng hàng tồn kho nhà ở có thể cần tới 10 năm để xử lý xong, theo Hao Hong, Chuyên gia kinh tế trưởng kiêm đối tác tại GROW Investment Group.
“Nếu xem xét kỹ lượng tồn kho nhà ở (đã xây dựng xong) và với tốc độ bán như hiện nay, sẽ cần tới 2 năm để giải quyết lượng”, ông Hong chia sẻ trên chương trình CNBC Street Signs Asia trong ngày 04/01.
“Và nếu xem lượng bất động sản đang xây dựng, chúng ta có khoảng 6 triệu m2 đang trong quá trình xây dựng. Với nhịp độ hiện tại, có thể cần hơn 10 năm để giải quyết hết lượng tồn đọng này. Tính cả thảy, có thể phải mất rất nhiều năm để xử lý hết các rắc rối trong lĩnh vực này”, ông nói thêm.
Hiện doanh số bán nhà và giá nhà vẫn rất yếu trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản lâm vào khủng hoảng từ năm 2020, thời điểm Bắc Kinh áp dụng chính sách 3 lằn ranh đỏ.
Theo chính sách 3 lằn ranh đỏ, các doanh nghiệp bất động sản phải giới hạn tỷ lệ nợ/dòng tiền, nợ/tài sản và nợ/vốn chủ sở hữu. Sau một khoảng thời gian áp dụng, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khủng hoảng khi không còn được vay nợ thoải mái như xưa. Evergrande và Country Garden trở thành hai “nạn nhân” đáng chú ý nhất của chiến dịch giảm nợ của Trung Quốc. Lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan đóng góp 1/3 hoạt động kinh tế của Trung Quốc.
Lần này sẽ khác?
“Ngay thời điểm này, những người tham gia thị trường phải quen với kịch bản Trung Quốc cần khoảng thời gian dài để giải quyết lượng hàng tồn kho. Cùng lúc đó, họ phải tìm động lực tăng trưởng mới để thúc đẩy kinh tế, thay vì quá phụ thuộc vào bất động sản”, ông Hong chia sẻ.
Ông chia sẻ một vài chuyên gia trên thị trường kỳ vọng lĩnh vực bất động sản sẽ không kéo dài quá lâu.
Trong các đợt suy thoái kinh tế trước đây, lĩnh vực bất động sản sẽ phản ứng nhanh chóng với các gói kích thích và hồi phục chỉ sau 2 hoặc 3 quý dò đáy, ông nói thêm.
“Lần này, dường như lĩnh vực bất động sản đã chạm đỉnh và chu kỳ giảm sẽ kéo dài. Vì thị trường không chuẩn bị cho đợt điều chỉnh kéo dài – họ đã quen với sự hồi phục nhanh chóng như trong các đợt trước – họ cảm thấy bất ngờ”, ông Hong chia sẻ. “Hệ quả là niềm tin bị tổn thương vì thiếu sự chuẩn bị”.
Khủng hoảng nợ
Bất chấp hàng loạt biện pháp hỗ trợ, cuộc khủng hoảng bất động sản đã tác động mạnh tới niềm tin của người tiêu dùng và gây áp lực khổng lồ lên nền kinh tế.
Do đó, hàng loạt chuyên gia kêu gọi Chính phủ kích thích kinh tế quyết liệt hơn để ngăn chặn nguy cơ suy giảm sâu hơn.
Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương diễn ra vào tháng 12, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết giảm bớt rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nợ địa phương và các tổ chức tài chính vừa và nhỏ, đồng thời báo hiệu sẽ đẩy mạnh chiến lược xây dựng nhà ở giá rẻ.
Cũng trong hội nghị này, các lãnh đạo cũng nhấn mạnh sẽ tập trung vào phát triển chất lượng cao. Họ vẽ ra kế hoạch 9 điểm, trong đó có đổi mới công nghệ trong hệ thống công nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, mở rộng đầu tư nước ngoài cấp cao và phục hồi nông nghiệp để tăng cường an ninh lương thực.
Gần đây, trong ngày 03/01, NHTW Trung Quốc đã cho các ngân hàng chính sách vay 350 tỷ Nhân dân tệ (49 tỷ USD) để hỗ trợ thanh khoản.
* Trung Quốc, Fed và các cuộc bầu cử: Đâu sẽ là yếu tố chi phối chứng khoán châu Á trong năm 2024?
* Chứng khoán Trung Quốc giảm 6 tuần liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ năm 2012
* Thép giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập khắp thị trường Đông Nam Á
* Thêm một doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc nộp đơn bảo hộ phá sản
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|