Tràn lan xe đạp điện trôi nổi
Tổng cục Quản lý thị trường vừa có báo cáo về việc kiểm tra hàng loạt cửa hàng xe điện phoxedien.com tại nhiều tỉnh, thành phố.
Theo đó, một cuộc tổng kiểm tra với 10 điểm kinh doanh diện rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Bến Tre, Tiền Giang, TP Cần Thơ và TP HCM được triển khai đồng loạt. Kết quả, hơn 200 xe máy điện có dấu hiệu vi phạm bị tạm giữ.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, đây là một trong những vụ kiểm tra điển hình về thương mại điện tử có tính chất liên tỉnh, liên vùng. Các mẫu xe được trưng bày trên phoxedien.com đều bắt mắt, kiểu dáng hiện đại, chủng loại phong phú, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng từ phân khúc bình dân đến cao cấp.
Người tiêu dùng nên chọn thương hiệu xe đạp điện uy tín
|
Tại điểm kiểm tra, nhiều mặt hàng xe đạp điện nhãn hiệu Osakar, Kazuki, DK Bike, Lihaze Ebike, Pega, Dylixe, Sarune, Air Wheel, Super Bike, Ypcool Sport, Nike Bike, Homeshell có dấu hiệu vi phạm. Cụ thể, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa trên website; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy. Bên cạnh đó, tem dán trên nhiều xe có cùng một ký hiệu, dãy số xê-ri dù mã số khung của từng chiếc khác nhau.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không riêng hệ thống phoxedien.com, tại nhiều điểm kinh doanh xe đạp điện, rất nhiều hàng trôi nổi cũng được bày bán trong khi hàng chính hãng, có đăng ký đúng quy định lại khá ít.
Ông Lưu Tuấn Vĩ (kinh doanh xe tại quận 10, TP HCM) cho biết giống xe đạp thông thường, mặt hàng xe đạp điện không phải đăng ký thông tin với cơ quan quản lý nhà nước nên ít bị kiểm tra. Khách hàng cũng thường dễ dãi, không đòi hỏi cơ sở kinh doanh phải có hóa đơn, chứng từ. Điều này dẫn đến hàng trôi nổi tràn lan trên thị trường, khó kiểm soát.
Cũng theo ông Vĩ, phần lớn xe đạp điện có nguồn gốc từ Trung Quốc, được vận chuyển về theo từng cụm để dễ dàng lắp ráp rồi bán ra thị trường. Ngoài ra, có người kinh doanh thu mua linh kiện trôi nổi từ Trung Quốc với giá rẻ, tự lắp ráp và bỏ mối cho các cửa hàng hoặc chào bán trên mạng.
Giám đốc một công ty sản xuất, lắp ráp xe máy điện cho biết thị trường xe đạp điện lâu nay khá bát nháo, mạnh ai nấy làm khiến chất lượng không bảo đảm. Do nhiều cơ sở kinh doanh lách luật, trốn thuế nên giá xe đạp điện trên thị trường chỉ khoảng 8 - 9 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, giá xe đạp điện của các công ty thực hiện đầy đủ quy định, có khai báo thuế... thường ở mức 12 - 13 triệu đồng/chiếc.
Các cơ sở kinh doanh kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát mặt hàng xe đạp điện để bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho các bên. Nếu không, sẽ còn tình trạng người tiêu dùng mua phải xe tự lắp ráp, không bảo đảm chất lượng, dẫn đến nhanh hư hỏng, thậm chí gây nguy hiểm; còn người kinh doanh chân chính thì không thể cạnh tranh về giá.
Bài và ảnh: Long Giang
Người lao động
|