EU ra quy định kiểm soát AI và các công cụ như ChatGPT
Trong ngày 08/12, Liên minh Châu Âu (EU) nhất trí áp quy định quản lý lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), qua đó đánh dấu bước ngoặt mới trong thế giới AI. Đây cũng là quy định lớn đầu tiên dành cho một công nghệ đang lên ở thế giới phương Tây.
Tuần qua, các định chế EU đã tất bật thảo luận về các đề xuất kiểm soát AI. Trong đó, các điểm khó nhằn bao gồm cách thức quản lý các mô hình AI tạo sinh (generative AI) – vốn được dùng để tạo ra các công cụ như ChatGPT, và việc sử dụng các công cụ nhận dạng sinh trắc học, chẳng hạn như nhận dạng khuôn mặt và quét dấu vân tay.
Đức, Pháp và Italy phản đối việc kiểm soát trực tiếp các mô hình AI tạo sinh, thay vào đó ủng hộ các công ty tự quản lý các mô hình thông qua các quy tắc ứng xử do Chính phủ ban hành.
Họ lo ngại việc áp quy định quá mức có thể cản trở khả năng cạnh tranh của châu Âu với các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc và Mỹ. Đức và Pháp là nơi khởi nguồn của một số công ty khởi nghiệp AI hứa hẹn nhất châu Âu, bao gồm DeepL và Mistral AI.
Đạo luật AI của EU là đạo luật đầu tiên nhắm mục tiêu đến AI và được đưa ra sau nhiều năm nỗ lực kiểm soát lĩnh vực công nghệ của châu Âu. Luật này khởi nguồn từ năm 2021, khi Ủy ban Châu Âu đề xuất một khuôn khổ pháp lý và quy định chung cho AI.
Luật chia AI thành các loại rủi ro từ “không thể chấp nhận” – nghĩa là các công nghệ phải bị cấm – đến các dạng AI có rủi ro cao, trung bình và thấp.
AI tạo sinh đã trở thành chủ đề làm dậy sóng cộng động từ cuối năm ngoái sau khi ChatGPT ra đời. Công cụ chatbot này khiến các nhà lập pháp phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ.
ChatGPT và các công cụ AI tạo sinh khác như Stable Diffusion, Bard của Google và Claude của Anthropic gây choáng ngợp với khả năng phản ứng giống con người từ các câu hỏi đơn giản. Sự ra đời của các chatbot này cũng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thay thế công việc của hàng triệu người dân trên toàn cầu và xâm phạm tới quyền riêng tư.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|