Thuế chồng thuế: Làm sao để tránh?
Một nguyên tắc cơ bản của pháp luật về thuế là thu nhập chỉ bị đánh thuế một lần. Tuy nhiên, Việt Nam và nhiều nước khác đang gặp hiện tượng đánh thuế hai lần (thuế kép). Bài viết này sẽ cố gắng giải thích vắn tắt vấn đề thuế kép và làm sao để tránh “thuế chồng thuế”.
Trong cuộc chơi thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam giành quyền đánh thuế và tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi để bảo đảm cạnh tranh hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: T.L
|
Thuế kép là gì?
Đánh thuế hai lần hay còn gọi là đánh thuế trùng/thuế kép (double taxation) là một hiện tượng bất lợi liên quan đến việc phải nộp thuế hai lần cho cùng một đối tượng chịu thuế, ví dụ như thu nhập hay tài sản/vốn.
Thuế kép có thể dẫn đến một số tác động bất lợi. Trước hết, nó có thể ngăn cản đầu tư và tiết kiệm, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Tiếp theo, thuế kép có thể làm giảm đầu tư và thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh kinh doanh quốc tế, nó có thể tạo ra rào cản đối với đầu tư và thương mại xuyên biên giới. Thêm nữa, thuế kép có thể gây bất bình đẳng, tạo ra gánh nặng thuế không công bằng, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nhỏ và doanh nghiệp có nguồn lực hạn chế.
Chính vì những bất lợi đó, các nước thường phải thiết kế hệ thống thuế để tránh hiện tượng thuế chồng thuế.
Cơ sở đánh thuế
Các quốc gia có thể đánh thuế dựa trên chủ quyền của mình. Chủ quyền tuy rất rộng, nhưng không phải là vô hạn. Do đó, để đánh thuế, cần có mối liên hệ hay kết nối nhất định giữa người nộp thuế và nhà nước. Thường chỉ khi cả người và giao dịch đều không có bất kỳ mối liên hệ nào với nhà nước thì thuế mới không thể được đánh.
Các yếu tố kết nối của cá nhân với nhà nước thường bao gồm nơi cư trú/thường trú hoặc quốc tịch. Với pháp nhân, thường bao gồm nơi thành lập và nơi đặt trụ sở hoạt động. Đánh thuế như vậy thường dựa vào nguyên tắc phổ quát (universality principle). Người trả thuế phải chịu trách nhiệm thuế đầy đủ (full tax liability).
Một dạng kết nối khác là chỉ cần các giao dịch, hoạt động kinh doanh hoặc đối tượng của hành động đó có mối liên hệ nào đó với nước đánh thuế là đủ. Chẳng hạn, Facebook có trụ sở đặt tại Mỹ nhưng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Như vậy theo nguyên tắc lãnh thổ (principle of territoriality), Việt Nam có thể đánh thuế trên phần thu nhập từ hoạt động của Facebook tại Việt Nam. Đây được gọi là trách nhiệm thuế giới hạn (limited tax liability).
Thuế kép pháp lý
Ở tầm quốc tế, đánh thuế hai lần có thể có nhiều hình thức khác nhau và có thể xảy ra trong nhiều tình huống khác nhau. Khi một người nộp thuế bị đánh thuế ở hai quốc gia trên cùng một nguồn thu nhập thường được gọi là thuế kép pháp lý (juridical double taxation).
Dạng thuế kép này có thể xảy ra trong ít nhất ba tình huống.
Úc, New Zealand và Đức đang áp dụng “chế độ gán thuế“ – ghi nhận các khoản thuế mà công ty đã trả cho các cổ đông khi họ nhận cổ tức. Khi công ty đã nộp thuế thu nhập cho nhà nước, khoản tiền thuế này sẽ được cơ quan thuế ghi nhận dưới dạng tín dụng thuế (tax credit) cho cổ đông cá nhân. Đến kỳ cổ đông làm quyết toán thuế, khoản tiền thuế công ty đã nộp được khấu trừ vào tổng số thuế TNCN mà cá nhân đó phải nộp.
|
Thứ nhất, khi một người bị đánh thuế thu nhập trên toàn thế giới ở nhiều quốc gia trên cơ sở người đó được coi là đối tượng cư trú vì mục đích thuế ở mỗi quốc gia đó.
Thứ hai, đánh thuế hai lần theo pháp luật phát sinh khi cùng một thu nhập bị đánh thuế ở cả quốc gia nơi thu nhập đó phát sinh và tại quốc gia nơi người phát sinh thu nhập là cư dân.
Cuối cùng, đánh thuế hai lần có thể phát sinh khi nhiều quốc gia coi cùng một khoản thu nhập là có nguồn gốc từ lãnh thổ của mình theo luật trong nước. Ví dụ: một quốc gia có thể coi thu nhập từ một số dịch vụ nhất định là có nguồn gốc từ lãnh thổ của mình nếu các hoạt động được thực hiện ở đó, trong khi một quốc gia khác có thể coi thu nhập đó là có nguồn gốc từ lãnh thổ của mình nếu dịch vụ đó được thanh toán bởi cư dân của quốc gia đó.
Thuế kép kinh tế
Ngoài thuế kép pháp lý kể trên, cũng có trường hợp cùng một nguồn thu nhập nhưng bị đánh thuế ở hai quốc gia khác nhau trên hai người nộp thuế khác nhau. Tình trạng này được gọi là thuế kép kinh tế (economic double taxation). Ví dụ dễ thấy nhất là trường hợp đánh thuế thu nhập hai lần ở cả cấp độ công ty và khi chia cổ tức cho các cổ đông. Nghĩa là một nguồn thu nhập do công ty tạo ra nhưng bị đánh thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và cả thuế thu nhập cá nhân (TNCN) – sẽ được phân tích rõ thêm bên dưới.
Một trường hợp khác là khi các thực thể pháp lý, ví dụ như công ty hợp danh (partnership), được đối xử khác nhau theo luật thuế nội địa của mỗi quốc gia. Điều này dẫn đến hệ quả là một quốc gia đánh thuế thu nhập của công ty hợp danh trong khi quốc gia kia không đánh thuế thu nhập của công ty hợp danh mà đánh vào thành viên của công ty đó tương ứng với thu nhập của họ. Ví dụ, công ty hợp danh tại Việt Nam phải nộp thuế TNDN. Ngược lại, Úc không đánh thuế công ty hợp danh mà chỉ đánh trên thu nhập được chia cho thành viên của nó.
Biện pháp tránh đánh thuế kép quốc tế
Để tránh đánh thuế kép trong môi trường quốc tế, có hai cách cơ bản là sử dụng các thỏa thuận song phương và các biện pháp đơn phương.
Các mối quan hệ kinh tế xuyên biên giới sẽ bị đe dọa đáng kể nếu các công ty đa quốc gia chịu thuế thu nhập hai lần. Do đó, để loại bỏ việc đánh thuế hai lần thì các nước cần hợp tác với nhau thông qua các hiệp định về việc đánh thuế hai lần (Double taxation conventions/DTC). Các hiệp định này hướng tới mục đích: (i) bảo vệ người nộp thuế khỏi việc đánh thuế hai lần đối với cùng một khoản thu nhập; (ii) thúc đẩy dòng chảy đầu tư và thương mại quốc tế; (iii) cung cấp một khuôn khổ chắc chắn về mặt pháp lý và tài chính cho các nhà đầu tư; (iv) ngăn chặn sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài và người nộp thuế trong nước; (v) tăng cường hợp tác giữa cơ quan thuế.
Có thể tham khảo hai hình mẫu quan trọng trong nỗ lực tránh đánh thuế kép: Công ước mẫu của Liên hiệp quốc về đánh thuế hai lần giữa các nước phát triển và đang phát triển (UN Model Double Taxation Convention between Developed and Developing Countries) và Công ước mẫu của OECD về thuế thu nhập và vốn (OECD Model Tax Convention on Income and on Capital). Hiện nay trên thế giới có hơn 3.000 DTC và con số này không ngừng tăng lên. Ví dụ: Hà Lan là thành viên của hơn 90 DTC, Thụy Sỹ: hơn 80 DTC và Vương quốc Anh: hơn 125 DTC.
Trong những trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của DTC, nhiều quốc gia ban hành các biện pháp đơn phương để ngăn chặn việc đánh thuế hai lần. Các biện pháp như vậy rất đa dạng tùy theo mỗi quốc gia. Tuy nhiên, về cơ bản, có thể phân biệt ba loại: (i) miễn thuế đối với thu nhập có nguồn gốc nước ngoài; (ii) khấu trừ tiền thuế đã nộp ở nước ngoài; và (iii) khấu trừ khỏi thu nhập chịu thuế đối với thuế nước ngoài đánh vào thu nhập có nguồn gốc nước ngoài.
Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thu nhập với 80 nước/vùng lãnh thổ trên thế giới, theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 4-6-2019. Luật Thuế TNDN 2008 của Việt Nam quy định rằng, khi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần thu nhập sau khi đã nộp thuế ở nước ngoài về Việt Nam thì áp dụng DTC mà Việt Nam đã ký kết. Nếu chưa có DTC chúng ta chỉ đánh thuế thu nhập trên phần chênh lệch thuế suất giữa hai nước.
Thuế kép trong nước
Trong nội bộ một quốc gia cũng có hiện tượng đánh thuế kép kinh tế trên cùng một nguồn thu nhập. Đó là trường hợp công ty tạo ra lợi nhuận bị đánh thuế TNDN theo Luật Thuế TNDN 2008, sau đó lợi nhuận được phân phối cho cổ đông sẽ bị đánh thuế một lần nữa theo Luật Thuế TNCN 2007. Như vậy cả công ty và cổ đông đều là người nộp thuế trên cùng một thu nhập do công ty tạo ra.
Theo Luật Thuế TNDN 2008, khái niệm “người nộp thuế TNDN” rất rộng, bao quát gần như tất cả tổ chức thành lập và/hoặc hoạt động kinh doanh có thu nhập chịu thuế tại Việt Nam. Để đơn giản, chúng ta chỉ xét các trường hợp người nộp thuế là các loại hình doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, bao gồm công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Mỗi doanh nghiệp loại này là người nộp thuế, tức là phải kê khai và đóng thuế cho Nhà nước với mức thuế suất hiện tại là 20% thu nhập tính thuế.
Nếu lợi nhuận sau khi nộp thuế TNDN như trên được chia/phân phối cho cá nhân người góp vốn, thì phần thu nhập ấy được gọi là chung là “thu nhập từ đầu tư vốn” của cá nhân. Theo Luật Thuế TNCN 2007, thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân vào công ty cổ phần được gọi là “cổ tức”, còn đầu tư vào các loại hình doanh nghiệp khác thì được gọi là “lợi tức”.
Không giống như đối với thu nhập từ tiền lương/tiền công của cá nhân được áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần, thuế suất đối với thu nhập từ đầu tư vốn (cổ tức và lợi tức) áp dụng theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%.
Giả sử một doanh nghiệp tạo ra được 100 đồng thu nhập tính thuế. Với thuế suất thuế TNDN là 20%, thì tiền thuế TNDN phải nộp là 20 đồng và thu nhập sau thuế còn lại là 80 đồng. Nếu 80 đồng này tiếp tục được chia cho (các) nhà đầu tư cá nhân thì họ phải nộp thuế TNDN là 80 đồng x 5% = 4 đồng. Như vậy, tính tổng hai lần đánh thuế thì Nhà nước thu vào 24/100 đồng thu nhập. Như vậy, thuế suất “thực” phải là 24% do hiện tượng thuế kép kinh tế gây ra.
Lưu ý là từ khi Thông tư 92/2015/TT-BTC có hiệu lực, phần lợi tức có được từ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ không tính vào thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn của cá nhân. Như vậy, hiện tượng thuế kép được loại trừ trong hai trường hợp nhà đầu tư là chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ, còn các loại hình doanh nghiệp khác vẫn còn đó. Thuế kép này cùng với các loại thuế khác sẽ tác động tới việc một cá nhân lựa chọn loại hình doanh nghiệp hoặc mô hình kinh doanh nào mà số tiền thuế phải nộp ở mức thấp nhất.
Hệ thống tín dụng thuế
Để tránh đánh thuế kép trong trường hợp này, nhiều nước trên thế giới, chẳng hạn như Úc, New Zealand và Đức đang áp dụng “chế độ gán thuế” (imputation tax system). Đây là một hệ thống ghi nhận các khoản thuế mà công ty đã trả cho các cổ đông khi họ nhận được cổ tức từ công ty.
Theo đó, một khi công ty đã nộp thuế thu nhập cho nhà nước, khoản tiền thuế này sẽ được cơ quan thuế ghi nhận dưới dạng tín dụng thuế (tax credit) cho cổ đông cá nhân.
Đến kỳ quyết toán thuế, cá nhân nhận được cổ tức làm quyết toán thuế TNCN thì khoản tiền thuế công ty đã nộp được tính khấu trừ vào tổng số thuế TNCN mà cá nhân đó phải nộp cho nhà nước. Cổ đông có thể sử dụng khoản khấu trừ thuế này để bù đắp/khấu trừ bất kỳ khoản thuế nào phát sinh từ nguồn thu nhập khác.
Lấy ví dụ cho dễ hiểu. Giả sử công ty trả cổ tức 100 đồng cho một cá nhân, với mức thuế TNDN là 20%, thì điểm tín dụng được ghi nhận tại cơ quan thuế là 20 đồng; 80 đồng sau thuế sẽ được chuyển vào tài khoản của cổ đông. Có nghĩa là nhà nước đang nợ người này 20 đồng và chờ quyết toán thuế. Khi cá nhân này quyết toán thuế thu nhập định kỳ, nếu tổng nghĩa vụ thuế họ phải trả (tính trên mọi nguồn thu nhập chịu thuế của cá nhân) lớn hơn 20 đồng thì họ phải trả thêm phần chênh lệch đó. Ngược lại, nếu tổng nghĩa vụ thuế nhỏ hơn 20 đồng thì họ được hoàn thuế (refund).
Làm theo cách này, thu nhập do công ty tạo ra chỉ phải chịu thuế một lần. Chế độ gán thuế còn tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các công ty nội địa và nước ngoài. Do đó, Việt Nam nên nghiên cứu áp dụng hệ thống này trong tương lai.
Nguyễn Thành Trân- Đinh Khương Duy (Khoa Luật, trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM)
TBKTSG
|