VCCI: Doanh nghiệp cần bình đẳng về chính sách liên quan thuế và hải quan
Theo VCCI, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các cấp quản lý rà soát nhằm đảm bảo công bằng trong áp dụng chính sách thuế giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Hội nghị Đối thoại Thường niên với Doanh nghiệp-Năm 2023, do VCCI phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế) tổ chức, ngày 13/12. (Ảnh: Vietnam+)
|
Các doanh nghiệp mong muốn có sự bình đẳng và công bằng hơn về chính sách vĩ mô cũng như trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến thuế và hải quan.
Nội dung trên được Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh tại Hội nghị Đối thoại Thường niên với Doanh nghiệp-Năm 2023, do VCCI phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế) tổ chức, ngày 13/12.
Công bằng trong áp dụng chính sách thuế
Năm 2023 đang khép lại dần, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh đây là một năm vô cùng khó khăn với nhiều biến động khó lường đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, ngành thuế và hải quan đã cố gắng và trách nhiệm trong việc tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều đổi mới của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Hải quan đã thực sự giảm bớt gánh nặng đối với các doanh nghiệp, như cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động của ngành (triển khai cơ chế tự động hải quan, cơ chế liên thông với các cơ quan trong bộ máy hành chính). Thủ tục hành chính được đơn giản hóa, từ đó rút ngắn thời gian, nguồn lực, kiểm soát có hiệu quả các quy trình, tạo cơ sở để doanh nghiệp hoàn thành tốt các quy trình thủ tục, giảm chi phí.
“Nhiều hoạt động trong lĩnh vực thuế, hải quan đã lấy mức độ hài lòng của doanh nghiệp, đây là thước đo đánh giá năng lực, hiệu lực hiệu quả của cơ quan,” ông Công nói.
Tuy nhiên, người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cũng cho biết phản ánh của nhiều doanh nghiệp một số bất cập về quy trình, thủ tục liên quan đến thuế, hải quan. Theo ông Công: "VCCI đã lấy ý kiến doanh nghiệp về những bất cập này và chuyển sang Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để rà soát, xem xét".
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, triển khai thực hiện hóa đơn điện tử, qui định nộp thuế tại địa phương đối với doanh nghiệp hoạt động trên bàn nhiều tỉnh.
Trong lĩnh vực hải quan, các doanh nghiệp kiến nghị một số vấn đề liên quan đến thời gian giải quyết thủ tục điện tử, hoàn thuế xuất nhập-khẩu, thời gian hoàn thuế nhập khẩu, cũng như các quy định cụ thể về số lần soi chiếu hàng hóa và cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp chế xuất.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công. (Ảnh: Vietnam+)
|
Ngoài ra, ông Công chia sẻ các doanh nghiệp có các đề xuất khác liên quan đến việc rà soát, đảm bảo công bằng trong áp dụng chính sách thuế giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, VCCI kiến nghị Bộ Tài chính xem xét kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết 2024. Các cấp quản lý tiếp tục xem xét phương thức hỗ trợ giải quyết thủ tục hoàn thuế mới, tăng cường các biện pháp phi thuế quan và cơ chế liên thông giữa ngành Thuế-Hải quan với các cơ quan hành chính.
Theo ông Công, các vấn đề được thảo luận và đối thoại tại Hội nghị này, không chỉ để giải quyết cho một trường hợp hay một doanh nghiệp, mà còn có giá trị trong thực tiễn kinh doanh sau này của cộng đồng doanh nghiệp cũng như việc xử lý của các Cơ quan Thuế, Hải quan với mục tiêu chung là tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đây cũng là một cách thiết thực triển khai chủ trương, định hướng được nêu trong Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị mới ban hành ngày 10/10/2023 là “tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến."
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đề cập cụ thể đến những quy định về chi phí tính thuế sát với thực tiễn hơn khi các chi phí có đủ hóa đơn, chứng từ, bởi nếu yêu cầu về giấy đi đường, giấy xác nhận của cơ quan/khách hàng là không dễ dàng. Do đó, ngành Thuế cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với các thủ tục về hóa đơn, chứng từ.
“Đây là hội nghị đối thoại cấp Trung ương. Ngoài ra, Cơ quan Thuế, Hải quan tại các địa phương đã có các buổi đối thoại cấp cục, chi cục với doanh nghiệp. Biện pháp là rất tốt và cần tiếp tục mở rộng. Tuy nhiên, ngành không nên đợi có kiến nghị mới xử lý mới chuyển vướng mắc của mình. Hội nghị với sự tham gia đông đảo của các doanh nghiêp như hôm nay, phần nào cho thấy tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh mong muốn được gặp Cơ quan cấp cao nhất cũng như Lãnh đạo Cơ quan Thuế, Hải quan để phản ánh nguyện vọng của mình,” bà Cúc nói.
Hoàn thiện theo hướng minh bạch
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn ghi nhận và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều sự đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan của Việt Nam, nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch và cụ thể hơn. Trên cơ sở đó giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu và phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết những kết quả tích cực đạt được của năm 2023 sẽ tạo đà cho năm 2024. Song, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, sự sụt giảm nhu cầu nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn. Dư địa hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế ngày càng thu hẹp. Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ-tín dụng, chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường vẫn còn cao...
Đại diện doanh nghiệp đóng góp kiến nghị tại hội nghị. (Ảnh: Vietnam+)
|
Do đó, lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin: Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương xây dựng các giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, các đối tượng gặp khó khăn; Triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm (2%) thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ vừa được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết các chính sách nêu trên, để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống và đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ. Theo đó, dự kiến thực hiện giải pháp này số tiền thuế sẽ được giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực từ 1/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025 - Với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm). Đồng thời, Bộ Tài chính đã và đang chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước.
Song song với đó, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan. Các lĩnh vực này có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về Thuế (theo đúng Chiến lược Cải cách Hệ thống Thuế đến năm 2030) nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống theo thông lệ quốc tế,” Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết.
Hạnh Nguyễn
Vietnamplus
|