Khó khăn có thể bủa vây lĩnh vực tài chính-ngân hàng châu Âu trong năm 2024
Giới quản lý tài chính, tư vấn và nhân sự dự báo các nhân viên ngân hàng ở châu Âu sẽ chứng kiến giao dịch giảm, mức thưởng khiêm tốn và việc làm bị cắt giảm mạnh trong năm 2024.
Đồng euro. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Năm 2023, bất ổn kinh tế toàn cầu cùng với biến động địa chính trị “đeo bám” giới ngân hàng từ trung tâm tài chính London (Anh) cho đến Frankfurt (Đức).
Trong bối cảnh này, giới quản lý tài chính, tư vấn và nhân sự dự báo các nhân viên ngân hàng ở châu Âu sẽ chứng kiến giao dịch giảm, mức thưởng khiêm tốn và việc làm bị cắt giảm mạnh trong năm 2024.
Ông Fabrizio Campelli, thành viên hội đồng quản trị Deutsche Bank, nhận định năm 2023 là một trong những năm có giao dịch tài chính doanh nghiệp thấp nhất trong lịch sử hiện đại.
Dữ liệu của hãng Dealogic cho thấy tính đến đầu tháng 12/2023, giá trị giao dịch toàn cầu đạt 2.669 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2005 trong khi tổng giá trị giao dịch tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi chỉ đạt 616 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2004.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng chịu áp lực gia tăng do các quy định được siết chặt, trong đó có yêu cầu khắt khe hơn về tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế Basel III dự kiến được áp dụng toàn cầu từ năm 2025.
Trong khi vay tiêu dùng “bùng nổ” nhờ chính sách của ngân hàng trung ương, lợi nhuận ngân hàng lại đi xuống do lãi suất tăng đỉnh điểm và cuộc cạnh tranh thu hút tiền gửi ngày càng gay gắt.
Đồng quan điểm, ông Ronan O'Kelly, người đứng đầu bộ phận ngân hàng châu Âu tại công ty tư vấn Oliver Wyman, dự báo doanh thu của các ngân hàng sẽ chững lại trong vài năm tới.
Mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm từ 2,9% năm nay xuống 2,7% vào năm 2024 trước khi tăng 3% vào năm 2025. Để vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn, nhiều ngân hàng chuyển sang chiến lược cắt giảm chi phí hoạt động.
Ông O'Kelly cho rằng biện pháp cắt giảm chi phí là đòn bẩy mạnh nhất và duy nhất để các ngân hàng có thể nâng lợi nhuận lên mức mục tiêu.
Ngân hàng Barclays (Anh) cân nhắc sa thải tới 2.000 nhân viên hành chính trong khi đối thủ là ngân hàng Lloyds khả năng giảm 2.500 việc làm.
Ngân hàng Challenger Metro cho biết có thể sẽ giảm 20% số việc làm. Tương tự, các ngân hàng lớn khác như UBS và Citi cũng dự kiến cắt giảm nhân sự ồ ạt trong lúc thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ.
Tình hình thưởng cuối năm khả năng èo uột hơn do hoạt động giao dịch giảm. Mặc dù vậy, một số ngân hàng có thể sẽ hào phóng thưởng đậm để giữ chân nhân tài nếu tình hình tăng trưởng phục hồi mạnh.
Giám đốc Điều hành EMEA Vis Raghavan cho rằng vào thời điểm khá “yên ắng” như thời điểm này, vẫn cần người tài giỏi nhất để sẵn sàng chuẩn bị cho thời điểm thị trường tài chính sôi động trở lại.
Dữ liệu theo dõi việc làm của Morgan McKinley cho thấy số việc làm mảng dịch vụ tài chính trong quý 3 vừa qua giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, dù khoảng 52% số công ty tài chính Anh vẫn có kế hoạch tuyển dụng thêm trong 6 tháng tới.
Một số người dự báo lạc quan về tình hình hoạt động của ngân hàng năm 2024. Trong đó, bà Stephane Rambosson, người đồng sáng lập công ty Vici Advisory, cho rằng hoạt động sẽ tăng vào năm tới và các ngân hàng có nguy cơ mất nhân tài nếu không có chính sách đãi ngộ tốt.
Xung đột tại Ukraine và Trung Đông, cũng như căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc khiến các lãnh đạo thận trọng khi đưa ra quyết định, hoạt động đầu tư và giao dịch chững lại.
Những cuộc bầu cử sắp diễn ra tại các nước Mỹ, Ấn Độ và Anh vào năm tới tiếp tục khiến doanh nghiệp hoạt động trì trệ.
Theo một số lãnh đạo ngân hàng, trong khi London - trung tâm tài chính hàng đầu châu Âu - đang tiến hành cải cách để tăng khả năng cạnh tranh sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), những biến động chính trị gần đây gây ra thiệt hại lâu dài cho ngành ngân hàng.
Dù một số chuyên gia ngân hàng dự báo tình hình khó khăn năm 2024, song những người khác cho rằng các thể chế tài chính châu Âu có thể hưởng lợi từ Basel III.
Theo phân tích của Oliver Wyman, các ngân hàng Mỹ có thể bị buộc phải giải ngân 15-20 tỷ USD từ doanh thu và các ngân hàng đối thủ có thể nắm giữ khoản tiền này. Các ngân hàng quốc tế khả năng sẽ nắm giữ 50% số tiền này.
Thị trường tài chính và ngân hàng đang "ảm đạm," nhưng không hẳn không có hứa hẹn. Về triển vọng tăng trưởng của các ngân hàng châu Âu, ông Campelli lạc quan cho rằng giống như chiếc lò xo, lực ấn xuống càng sâu thì lực hướng lên càng mạnh./.
Nguyễn Hằng
Vietnamplus
|