Các hãng tàu đồng loạt đổi tuyến, 35 tỷ USD hàng hóa chuyển hướng khỏi Biển Đỏ
Đến nay, các hãng tàu đã chuyển hướng khoảng 35 tỷ USD hàng hóa khỏi Biển Đỏ trong bối cảnh nhóm vũ trang Houthi đe dọa tấn công ở Yemen.
Các hãng tàu đã đổi tuyến vận tải sau khi xảy ra 15 cuộc tấn công của nhóm Houthi ở vùng biển Trung Đông kể từ khi cuộc chiến Israel-Hamas nổ ra vào tháng 10. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố thành lập lực lượng đặc nhiệm quốc tế để giải quyết các vấn đề an ninh.
Dan Mueller, Chuyên viên phân tích phụ trách khu vực Trung Đông tại công ty an ninh hàng hải Ambrey, cho biết họ tiếp tục khuyến nghị khách hàng đánh giá rủi ro quá cảnh của tàu, chuẩn bị cho thủy thủ đoàn trong các trường hợp khẩn cấp và biện pháp an toàn khác.
Theo ông Paolo Montrone, Phó Chủ tịch cấp cao và là người phụ trách logistics thương mại đường biển tại Kuehne+Nagel, hiện tại, có 57 tàu container đi đường dài vòng qua châu Phi thay vì đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez.
“Con số này sẽ tiếp tục tăng khi có thêm nhiều hãng tàu thay đổi tuyến vận tải. Tổng sức chứa container của 57 tàu này là 700,000 TEU”, ông cho biết.
Tổng giá trị ước tính của các container này khoảng 50,000 USD, Antonella Teodoro, Cố vấn cấp cao tại MDS Transmodal, chia sẻ. Như vậy, tổng cộng 35 tỷ USD hàng hóa đã được chuyển hướng khỏi Biển Đỏ.
Các hãng vận chuyển bằng đường biển đang phải lý giải cho các chủ hàng về tình trạng chậm trễ giao hàng sau nhiều đợt tấn công của nhóm vũ trang Houthi.
Các hãng tàu có thể phải triển khai thêm tàu để đáp ứng thời gian vận chuyển vì đội tàu của họ đã tăng thêm 20% trong 12 tháng qua, ông Teodoro chia sẻ.
“Nhu cầu dự kiến không thay đổi nên các hãng tàu vẫn còn đủ năng lực để đáp ứng thời gian giao hàng”, ông Teodoro chia sẻ.
“Các hãng vận tải biển có thể điều chỉnh lại mạng lưới của họ bên cạnh việc định lại tuyến”, ông Teodoro chia sẻ. “Tuy vậy, việc chuyển hướng và điều chỉnh sẽ cần thời gian và sẽ tốn thêm chi phí. Đây là điều dễ hiểu. Chỉ hy vọng là chúng ta sẽ không chứng kiến giá cước vận tải biển tăng mạnh như thời gian trước”.
Ông Teodoro cho rằng sự gián đoạn ở cả hai kênh đào Suez và Panama nêu bật tầm quan trọng của cơ quan quốc tế trong việc giám sát hoạt động vận tải nếu muốn có một chuỗi cung ứng vững chắc. Kênh đào Panama ở Trung Mỹ đã phải vật lộn với mực nước thấp trong nhiều tháng.
“Tình hình hiện còn rất bất ổn và việc điều chỉnh lại mạng lưới vận tải rất phức tạp. Do đó, có thể xảy ra gián đoạn ở mức độ nào đó”, ông Montrone chia sẻ. “Ở châu Á, việc thiếu container sẽ trở thành rủi ro tiềm ẩn khi việc chuyển các container rỗng tới nơi có nhu cầu phải tốn thêm 10-20 ngày so với trước đây”.
Maersk, một trong những chủ hàng đã tạm dừng hoạt động ở Biển Đỏ, dự kiến sẽ bị chậm trễ từ 2 đến 4 tuần.
Theo CEO Maersk Vincent Clerc, châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào kênh đào Suez và tình trạng chậm trễ sẽ nghiêm trọng hơn ở khu vực này.
Với các chủ hàng Mỹ, có nhiều cách để vận chuyển hàng hóa, từ châu Á tới các cảng Bờ Tây hoặc đi qua kênh đào Panama tới các cảng ở vùng Vịnh và Bờ Đông. Tình trạng chậm trễ ở kênh đào Panama trước đó đã buộc các chủ hàng chọn các hãng tàu vận chuyển qua kênh đào Suez.
SEKO Logistics đang thông báo cho các khách hàng Mỹ rằng hàng hóa sẽ cập bến trễ khoảng 10-14 ngày đối với hàng hóa ở Bờ Đông, thậm chí sẽ kéo dài thêm nếu có nhiều tàu cập bến cùng lúc.
Việc đi vòng qua Mũi Hảo Vọng sẽ tăng đoạn đường vận chuyển thêm khoảng 3,400 hải lý, tương đương thêm 14 ngày, tùy thuộc vào tốc độ của tàu, theo Matthew Burgess, Phó Chủ tịch phụ trách dịch vụ biển toàn cầu tại C.H. Robinson, chia sẻ.
“Hãy nhớ rằng, việc tạm dừng và kéo dài thời gian vận chuyển có thể gây căng thẳng cho năng lực vận chuyển trên toàn cầu, không chỉ ở Biển Đỏ. Sau đó, các hãng vận tải có thể tăng cước phí và tính thêm phụ phí rủi ro chiến tranh”, Burgess cho biết.
“Đội ngũ của chúng tôi thường xuyên trao đổi với các hãng vận tải biển và khách hàng bị tác động bởi tình trạng này. Điều quan trọng là phải có kế hoạch dự phòng trong những loại gián đoạn này. Chúng tôi không chỉ nghĩ đến việc vận chuyển hàng hóa đường biển bị thay đổi hoặc bị trì hoãn mà còn đang đánh giá tác động tới nhu cầu vận chuyển nội địa, hàng tồn kho và sản xuất”.
Trong khi đó, ITS Logistics thông báo với các khách hàng Mỹ rằng tình hình ở Biển Đỏ và Kênh đào Suez đang căng thẳng và có thể mất vài tuần, nếu không phải vài tháng để giải quyết, Paul Brashier, Phó Chủ tịch phụ trách vận chuyển và vận chuyển đa phương thức tại ITS Logistics, chia sẻ.
Theo ông Brashier, ITS Logistics đã khuyến nghị khách hàng cân nhắc đặt tuyến xuyên Thái Bình Dương tới Bờ Tây nước Mỹ.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|