Thứ Ba, 05/12/2023 09:56

Giải pháp nào để khơi thông nguồn vốn Tín dụng Xanh?

Để Tín dụng Xanh phát triển, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết cần có hướng dẫn về Danh mục Xanh và tiêu chí xác định Dự án Xanh, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định.

Quang cảnh tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với khoảng 564.000 tỷ đồng Tín dụng Xanh được các ngân hàng cung cấp đến nay, Nguồn vốn Xanh đầy tiềm năng vẫn chưa hoàn toàn được khơi thông, còn đó những nguồn lực lớn chực chờ cho các cơ hội mở ra từ quá trình Xanh hóa.

Để Tín dụng Xanh phát triển, các đại biểu tham dự hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng Xanh” do Báo Đầu tư và Agribank tổ chức ngày 4/12 khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về Tài chính Xanh phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tương thích với thông lệ, chuẩn mực quốc tế để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch.

Dư nợ tín dụng Xanh đạt 564.000 tỷ đồng

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã nêu bật được nhu cầu về vốn Tín dụng Xanh, khả năng giải ngân vào các dự án cụ thể của doanh nghiệp cũng như các vấn đề cần quan tâm trong mở rộng Tín dụng Xanh nói riêng và Tài chính Xanh nói chung.

Trên thực tế, trong những năm qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai nguồn vốn Tín dụng Xanh cho các dự án đạt tiêu chuẩn.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến ngày 30/9, dư nợ cấp tín dụng Xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

“Trong số 12 lĩnh vực Xanh được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm gần 45% và Nông nghiệp Xanh, hơn 30%. Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế,” bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết.

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết từ nguồn vốn tài trợ của Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành trên khắp mọi vùng, miền của đất nước, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La)… tạo được sự đồng thuận cao giữa doanh nghiệp và người dân.

“Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 30.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt 2.000 tỷ đồng với hơn 300 khách hàng, trong đó hơn 98% khách hàng là cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác,” bà Phùng Thị Bình cho biết.

Agribank cũng đang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 27/11/2023 nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo.

Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng theo bà Bình, Agribank cực tham gia nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính tài trợ như nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp cácbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.

Cần thêm những dòng vốn lớn

Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên HSBC Việt Nam chia sẻ HSBC đã là cầu nối dẫn vốn Xanh vào thị trường Việt Nam với quy mô lên tới 2 tỷ USD. Trong quá trình làm việc cùng các khách hàng, HSBC nhận thấy nhu cầu vốn Tín dụng Xanh rất lớn, vừa là xu hướng vừa là vấn đề sống còn, nhiều doanh nghiệp, nhất là nhóm xuất khẩu đang chuyển đổi để phù hợp với thị trường quốc tế.

“Tuy nhiên, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn Xanh thì còn nhiều yếu tố cần cải thiện, nhất là việc đáp ứng các quy chuẩn của thị trường tín dụng quốc tế,” lãnh đạo HSBC chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng nhu cầu với nguồn vốn Tín dụng Xanh của Việt Nam là rất rõ ràng, nhưng cũng phải nói thêm là mức cầu này cũng phụ thuộc vào độ hấp dẫn của tín dụng Xanh.

"Là một quốc gia đang phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng đồng thời phải đối mặt với những áp lực lớn từ thiên tai, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, Việt Nam cần lượng vốn lớn đầu tư vào các lĩnh vực Xanh như năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, xử lý chất thải… Ước tính gần đây của IFC cho rằng đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nguồn vốn tín dụng Xanh từ các tổ chức quốc tế đóng vai trò tạo đà cho phát triển thị trường,” ông Hùng nói.

Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP/năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần có hướng dẫn về Danh mục Xanh và tiêu chí xác định Dự án Xanh phù hợp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh các kết quả đạt được, để Tín dụng Xanh phát triển, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý. Theo đó, cần có hướng dẫn về Danh mục Xanh và tiêu chí xác định Dự án Xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp Tín dụng Xanh.

“Tiếp đến, cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Ngoài ra cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường Trái phiếu Xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các Dự án Xanh,” bà Phạm Thị Thanh Tùng nêu rõ./.

Tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021, Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong quãng thời gian 2 năm từ COP26 đến COP28 diễn ra tại Dubai tháng 11/2023, Việt Nam đã lên kế hoạch để thực hiện các cam kết và một trong những nhiệm vụ quan trọng là huy động nguồn lực tài chính cho quá trình chuyển đổi.

Thúy Hà

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   Kết nối thanh toán bán lẻ song phương mã QR Code giữa Việt Nam và Campuchia (04/12/2023)

>   The Banker vinh danh MSB là Ngân hàng của năm (04/12/2023)

>   Thao túng ngân hàng (04/12/2023)

>   Bước ngoặt tuổi 30 có giúp PGBank chuyển mình? (07/12/2023)

>   Cổ phiếu vua “thức tỉnh” trong tháng 11 (04/12/2023)

>   Hiệu quả của chính sách tiền tệ có đang suy giảm?  (05/12/2023)

>   Giá USD tiếp tục giảm (03/12/2023)

>   Ông Đoàn Văn Thắng được giao phụ trách điều hành hoạt động Hội đồng thành viên VAMC (02/12/2023)

>   Sacombank tăng nguồn vốn và giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng dịp cuối năm (02/12/2023)

>   Yêu cầu thanh tra Ngân hàng Nhà nước về công tác điều hành tăng trưởng tín dụng (01/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật