Thứ Năm, 07/12/2023 13:48

Bước ngoặt tuổi 30 có giúp PGBank chuyển mình?

Năm 2023 chào đón PGBank bằng một loạt sự kiện lớn trong hành trình tái cấu trúc. Liệu rằng sau cột mốc tuổi 30, PGBank có thực sự “thịnh vượng” và “phát triển” như những gì ngân hàng này gửi gắm vào tên mới?

2023 đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của PGBank khi chia tay cổ đông lớn Petrolimex sau gần 2 thập niên gắn bó. Đi kèm với đó là hàng loạt các thay đổi nhằm định hình lại Ngân hàng như thay tên thương mại, dời hội sở và kế hoạch tăng vốn.

Trở về thời điểm mới thành lập, Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười ra đời năm 1993 với số vốn điều lệ 700 triệu đồng. Đến năm 2005, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tham gia góp vốn vào Ngân hàng, trở thành 2 cổ đông lớn với nhiều cam kết hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh.

Đến năm 2007, Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, gọi tắt là PG Bank và tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng.

Sau khi tăng vốn điều lệ lên 3,000 tỷ đồng vào năm 2012, PG Bank giữ nguyên mức vốn điều lệ cho đến nay. Cổ đông lớn duy nhất lúc bấy giờ là Petrolimex sở hữu 40% cổ phần, tương đương 120 triệu cp.

Nguồn: VietstockFinance

Được sự hậu thuẫn của Petrolimex nhưng kết quả kinh doanh của PG Bank luôn nằm ở top dưới, con số lợi nhuận trước thuế trồi sụt liên tục. Riêng năm 2022, lợi nhuận trước thuế của PG Bank đạt 506 tỷ đồng, tăng 56% so với năm trước, cũng là mức cao nhất trong 11 năm qua.

Nguồn: VietstockFinance

Trong 9 tháng đầu năm 2023, nguồn thu chính của PG Bank tăng 10% so với cùng kỳ, đạt hơn 959 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Tuy nhiên, các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm.

PG Bank dành ra 144 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng (-34%), do đó Ngân hàng chỉ thu được 360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 7% so với cùng kỳ. So với kế hoạch lãi trước thuế 530 tỷ đồng đặt ra cho năm 2023, PG Bank thực hiện được 68% mục tiêu sau 9 tháng.

Nguồn: VietstockFinance

Tương ứng kết quả kinh doanh, quy mô tăng trưởng tổng tài sản, dư nợ cho vay và huy động vốn của PG Bank chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng của cả 3 chỉ tiêu này ở mức 150- 200%. Tuy nhiên, từ năm 2011-2015, tốc độ tăng trưởng lao dốc, chỉ còn 8- 10%, thậm chí là tăng trưởng âm trong năm 2015. Mặc dù từ năm 2016 đến nay quy mô Ngân hàng có cải thiện nhưng cũng chỉ ở mức bình quân 10-11%.

Tính đến 30/09/2023, tổng tài sản của Ngân hàng thu hẹp 2% so với đầu năm, còn 47,832 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Dù kết quả kinh doanh không nổi bật, giá cổ phiếu PG Bank ở thời điểm hiện tại (04/12/2023) nằm trong top 6 toàn ngành.

Diễn biến giá cổ phiếu PGB từ khi lên sàn UPCoM đến nay

Trước năm 2023, cơ cấu cổ đông của PG Bank khá cô đặc khi Petrolimex là cổ đông lớn duy nhất. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quang Định là đại diện được ủy quyền để quản lý phần vốn của Petrolimex tại PG Bank. Thành viên HĐQT PG Bank - ông Trần Ngọc Năm – cũng là đại diện được ủy quyền và phụ trách nhóm đại diện vốn của Petrolimex tại PG Bank.

Những ngày cuối tháng 3/2023, Petrolimex tổ chức hội thảo công bố quyết định thoái vốn khỏi PG Bank để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Câu chuyện thoái vốn của Petrolimex khỏi PG Bank có lẽ phải bắt nguồn từ chính câu chuyện sáp nhập của nhà băng này. Thương vụ kéo dài và liên tục thất bại khiến Petrolimex tỏ ra sốt ruột vì doanh nghiệp này đang chịu áp lực phải thoái phần vốn góp tại PG Bank do vượt quá tỷ lệ theo quy định, cũng như các mốc lộ trình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tại các NHTM đã trôi qua và kéo dài.

Cụ thể, hàng loạt kế hoạch sáp nhập trước đó kéo dài từ năm 2015 với VietinBank, sau đó là với HDBank năm 2018 và thậm chí là tin đồn về với MSB vào năm 2023 đều không thành sự thật.

Cho đến cuộc đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vào ngày 07/04/2023, Petrolimex mới chính thức thoái vốn khỏi PG Bank.

Nguồn: VietstockFinance

Trong số 16 nhà đầu tư đăng ký đấu giá, có 3 nhà đầu tư tổ chức và 1 nhà đầu tư cá nhân đã đấu giá thành công. Giá trúng bình quân là 21,400 đồng/cp, cao hơn một chút so với mức giá khởi điểm 21,300 đồng/cp.

Danh tính 3 tổ chức mua cổ phiếu PG Bank đã được công bố là CTCP Quốc tế Cường Phát mua hơn 40.6 triệu cp, tương đương 13.54%; CTCP Thương mại Vũ Anh Đức mua hơn 40 triệu cp PGB, tương đương 13.36% vốn; còn Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh mua hơn 39.2 triệu cp PGB, tương đương 13.1% vốn.

Trong suốt quá trình chuyển giao, hàng loạt nhân sự cấp cao tại PG Bank cũng được thay đổi để phù hợp khi Petrolimex thoái vốn.

Tuy nhiên, “ghế nóng” của PG Bank cũng gặp sóng gió khi trong vòng 6 tháng đã thay 3 Chủ tịch HĐQT. Nhân sự cấp cao tại Ngân hàng này chỉ tạm ổn định khi ĐHĐCĐ bất thường được tổ chức vào ngày 23/10/2023 vừa qua. HĐQT PG Bank có 6 thành viên gồm Chủ tịch HĐQT Phạm Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch - ông Đào Phong Trúc Đại, 3 thành viên HĐQT (bà Đinh Thị Huyền Thanh, ông Đinh Thành Nghiệp, ông Vương Phúc Chính) và 1 thành viên độc lập (ông Nguyễn Thành Lâm).

PG Bank cũng có quyết định bổ nhiệm bà Đinh Thị Huyền Thanh giữ chức vụ Tổng Giám đốc kể từ ngày 17/11/2023 với thời hạn 5 năm.

Mặc dù tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch lúc bấy giờ là ông Nguyễn Quang Định từng khẳng định, trong 3 tổ chức mua cổ phần của Petrolimex không có Thành Công Group. Nhưng nhìn vào danh sách HĐQT mới và tên của 3 thành viên cổ đông lớn cũng có thể thấy bóng dáng Thành Công Group tại PG Bank thông qua cái tên Phó Chủ tịch Đào Phong Trúc Đại.

Trước đó, ông Đào Phong Trúc Đại được biết đến với vai trò Thành viên HĐQT độc lập của Eximbank, đại diện cho nhóm Thành Công.

ĐHĐCĐ bất thường vừa qua của PG Bank cũng đã thông qua việc tăng vốn điều lệ thêm 2,000 tỷ đồng, lên 5,000 tỷ đồng, thông qua 2 phương án.

Trong đó, PGBank dự kiến phát hành tối đa 120 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 10:4, từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tính đến 30/06/2023.

Phương án còn lại là chào bán 80 triệu cp cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện 15:4, mức giá sẽ được HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn mệnh giá.

Ngoài ra, việc đổi tên thương mại cũng đã được công bố vào ngày 21/11/2023. Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex được đổi thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển. Tên viết bằng tiếng nước ngoài đổi thành “Prosperity And Growth Commercial Joint Stock Bank”. Tên viết tắt PG Bank được đổi thành PGBank.

Nêu lý do đổi tên, Ngân hàng cho biết, tên thương mại và logo của PG Bank đang sử dụng được gắn với cổ đông lớn trước đây là Petrolimex. Tuy nhiên, hiện nay, Petrolimex đã thoái vốn và Petrolimex yêu cầu Ngân hàng chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023.

Do đó, việc thay đổi tên thương mại và bộ nhận diện thương hiệu mới của PGBank là việc cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại và định hướng tái cấu trúc của Ngân hàng.

PGBank cũng dự kiến thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính về tòa nhà HEAC số 14 - 16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Một vấn đề quan trọng trong quá trình tái cấu trúc của PGBank là xử lý nợ xấu. PGBank đã hoàn thiện dự thảo phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng giai đoạn 2021-2025 và đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước tại văn bản ngày 12/09/2023.

Định hướng cơ cấu lại của PGBank giai đoạn 2021-2025 gồm các mục tiêu: Hoàn thiện cơ cấu quản trị, điều hạnh, quản lý rủi ro đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; xử lý dứt điểm các tồn tại, vi phạm, rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; kiểm soát và xử lý đối với nợ xấu, nợ tiềm ẩn nợ xấu, nợ bán cho VAMC. Ngân hàng phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của PGBank, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3%.

Nguồn: VietstockFinance

BCTC quý 3 lại cho thấy chất lượng nợ vay của PGBank không mấy cải thiện khi tổng nợ xấu tại thời điểm 30/09/2023 là 796 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2.56% đầu năm lên 2.61%.

Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành ghi nhận tại thời điểm cuối quý 3 là 1,074 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm, dự phòng trái phiếu đặc biệt là 321 tỷ đồng. Số trái phiếu đặc biệt này có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 0%.

Có thể thấy, các kế hoạch được đưa ra nhằm tái cấu trúc sau khi Petrolimex thoái vốn thể hiện mong muốn lột xác hoàn toàn của Ngân hàng. Nhưng với những tồn đọng hiện tại, liệu rằng sau cột mốc tuổi 30, PGBank có thực sự “thịnh vượng” và “phát triển” như những gì ngân hàng này gửi gắm vào tên mới?

Cát Lam

Design: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu vua “thức tỉnh” trong tháng 11 (04/12/2023)

>   Hiệu quả của chính sách tiền tệ có đang suy giảm?  (05/12/2023)

>   Giá USD tiếp tục giảm (03/12/2023)

>   Ông Đoàn Văn Thắng được giao phụ trách điều hành hoạt động Hội đồng thành viên VAMC (02/12/2023)

>   Sacombank tăng nguồn vốn và giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng dịp cuối năm (02/12/2023)

>   Yêu cầu thanh tra Ngân hàng Nhà nước về công tác điều hành tăng trưởng tín dụng (01/12/2023)

>   Những chính sách về lĩnh vực ngân hàng có hiệu lực trong tháng 12/2023 (01/12/2023)

>   BVBank thay đổi logo, nhận diện thương hiệu (01/12/2023)

>   Để tăng trưởng tín dụng đạt 14.5% thì trong tháng cuối năm phải giải ngân hết 735 ngàn tỷ đồng (01/12/2023)

>   Công ty mua bán nợ Việt Nam lên tiếng về thông tin liên quan Vạn Thịnh Phát (30/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật