Giá vé máy bay nội địa Việt Nam thấp hơn các nước
Cục Hàng không khẳng định, dù người dân phản ánh giá vé máy bay nội đại cả dịp cao điểm Tết và thấp điểm đều cao, nhưng thực tế cho thấy tất cả đều đúng quy định về khung giá vé hiện hành, thậm chí thấp hơn các nước trong khu vực. Thực tế, dịp cao điểm Tết Nguyên đán năm 2024 sắp tới, tỷ lệ lấp đầy chỗ các chuyến bay mới đạt từ 40-50% lượng vé cung ứng.
Cục Hàng không Việt Nam vừa thông tin chính thức về tình hình vé máy bay dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cũng như việc giá vé máy bay nội địa quá cao.
Theo báo cáo từ các hãng hàng không, tới nay, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TPHCM đi phía Bắc giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đạt từ 40-50% số vé bán ra, trong khi chiều bay ngược lại vé đặt chỉ đạt khoảng 10% tổng cung ứng.
Cục Hàng không khẳng định giá vé máy bay Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực.
|
Về giá vé, Cục Hàng không khẳng định, giá vé máy bay Tết Âm lịch năm nay tương đương cùng kỳ dịp Tết năm trước, dù các hãng đối mặt khó khăn do giá nhiên liệu tăng, tỷ giá biến động.
Để giá vé máy bay ở mức hợp lý, phù hợp với nhu cầu của nhân dân, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán tới, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, cơ quan này đã triển khai nhiều giải pháp, như: Tăng chuyến bay để tăng nguồn cung vé; theo dõi việc đặt chỗ của hành khách để kịp thời bổ sung bay tăng cường; hỗ trợ và khuyến khích các hãng hàng không đảm bảo nguồn lực máy bay, nhân sự như thuê thêm máy bay, kéo dài thời gian thuê, tăng cường bay đêm…
Cục Hàng không cũng vừa tăng slot (giờ cất/hạ cánh) dịp Tết cho sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Nội Bài (Hà Nội), áp dụng trong 1 tháng Tết. Giải pháp này sẽ cho phép các hãng tăng thêm chuyến bay được khai thác đi/đến 2 sân bay lớn nhất cả nước này. Các hãng hàng không cũng được yêu cầu sẵn sàng nguồn lực về máy bay, nhân sự để sẵn sàng tăng thêm chuyến bay phục vụ người dân, đặc biệt là chuyến bay đêm.
Về giá vé máy bay dịp Tết sắp tới neo mức cao, ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam - cho rằng, giá vé máy bay thường theo cung - cầu thị trường. Dịp Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, dồn trong vài ngày, đặc biệt các chuyến bay có giờ thuận lợi vào ban ngày. Do đó, những ngày cận Tết, các chuyến bay ban ngày thường hết chỗ sớm, giá vé còn chủ yếu mức giá cao, nên “đương nhiên giá vé sẽ cao hơn”.
Theo ông Sơn, các chuyến bay dịp Tết thường mang tính “lệch đầu”, đông một chiều, như từ Nam ra Bắc trước Tết và ngược lại sau Tết nên các chuyến bay chiều nhu cầu thấp thường rất ít người đi, thậm chí có chuyến bay trống (không có khách).
“Bởi vậy, giá vé áp dụng vào thời điểm này cũng phần nào giúp các hãng hàng không lấy chi phí thu một chiều bù đắp cho cả hai chiều bay, nhưng giá vé không cao hơn giá trần quy định”, ông Sơn nói.
Về giá vé máy bay nội địa năm vừa qua được cho là quá cao, dẫn tới ít người đi, các điểm du lịch vắng khách, lãnh đạo Cục Hàng không thông tin, hiện giá vé máy bay áp dụng linh hoạt, căn cứ theo thị trường, thời điểm chuyến bay khởi hành, thời điểm đặt vé… Với các đường bay nội địa, để đảm bảo quyền lợi người dân, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành khung giá trần vé máy bay nội địa. Các hãng xây dựng khung giá vé linh hoạt từ thấp tới cao, nhưng không được vượt giá trần theo quy định.
Cục Hàng không so sánh giá vé máy bay các hãng của Việt Nam với các nước cho thấy, giá vé máy bay nội địa của Việt Nam còn thấp hơn các nước trong khu vực. Điển hình, “đường bay vàng” Hà Nội - TPHCM nếu tính giá vé bình quân theo kilômét (km) chỉ 0,11 USD/km, trong khi đường bay Bangkok - Chiangmai (Thái Lan) có giá 0,22 USD/km; chặng Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc) bình quân 0,27 USD/km; chặng Pusan - Jeju (Hàn Quốc) bình quân 0,32 USD/km...
Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, với việc tăng tần suất khai thác, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng thêm bình quân 84 slot/ngày, tương ứng các hãng có thể tăng chuyến bay để bổ sung thêm hơn 16.800 vé/ngày. Tương tự, sân bay Nội Bài tăng thêm 54 slot/ngày, tương đương hơn 10.800 vé/ngày được bổ sung.
Lê Hữu Việt
Tiền phong
|