Thứ Sáu, 22/12/2023 09:02

Giá bất động sản sẽ tự giảm khi giải quyết dứt điểm bài toán này

Vấn đề giảm giá bất động sản đang được Chính phủ quan tâm, giao cho bộ ngành hướng dẫn doanh nghiệp. Cả doanh nghiệp và chuyên gia đều chỉ ra điểm mấu chốt của câu chuyện giá bất động sản là ở vấn đề nguồn cung.

Cách đây hơn một năm, trong một buổi làm việc với UBND TP HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc đến câu chuyện giảm giá bất động sản.

Khi ấy, Thủ tướng cho rằng: Giá bất động sản vẫn “neo” như bình thường sẽ không tốt cho thị trường, nên giảm giá tương đối một chút, quản lý nhà nước chặt chẽ thêm một chút, người dân thấy giảm giá thì đưa tiền vào bất động sản.

Tại hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô” ngày 7/12 vừa qua, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo, các doanh nghiệp bất động sản phải cơ cấu lại phân khúc và giảm giá bán sản phẩm. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản về việc này.

Từ góc độ doanh nghiệp, chuyên gia, họ đều cho rằng, giá bất động sản là quy luật kinh tế cung – cầu; điểm mấu chốt của câu chuyện giảm giá bất động sản chính là ở vấn đề nguồn cung.

Cả doanh nghiệp và chuyên gia đều chỉ ra điểm mấu chốt của câu chuyện giá bất động sản là ở vấn đề nguồn cung. (Ảnh: Hoàng Hà)

Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, nhìn nhận giá bất động sản gần đây bị tăng cao, kể cả trong bối cảnh thị trường đang “đóng băng”, nhất là chung cư tại TP Hà Nội và Sài Gòn chỉ có giữ và tăng giá, không giảm.

“Việc tăng giá chung cư sẽ làm cho người dân khó khăn trong việc mua nhà, cả thị trường các phân khúc khác cũng tăng giá theo”, ông Quyết đánh giá.

Nói về nguyên nhân của câu chuyện giá bất động sản cao, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc chỉ rõ, quỹ đất hiện ít, khó khăn nên các chủ đầu tư tập trung vào phân khúc cao cấp, lợi nhuận sẽ tốt hơn. 

“Giá đầu vào cao, chi phí cao, việc giải phóng đền bù để có quỹ đất hiện cũng cao hơn trước, buộc chủ đầu tư phải bán giá cao mới có lời, không thể bán giá thấp”, ông Quyết nói.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Đất Xanh Miền Bắc, do thủ tục pháp lý mấy năm nay quá chậm, dẫn tới nguồn cung ít. 

“Khi nguồn cung ít, nhu cầu lớn, đương nhiên giá sẽ phải cao. Ở đây vẫn là quy luật kinh tế cung - cầu. Giải quyết dứt điểm vấn đề nguồn cung ắt sẽ ổn định được giá thị trường. Ngoài mặt giá thành, đâu đó đang có tính chất “độc quyền” về nguồn cung. Các dự án khi ra hàng sẽ biết nguồn cung không có nhiều nên họ sẽ quyết định giá. 

Chính vì vậy, để giảm giá bất động sản phải giải quyết được vấn đề nguồn cung. Khi nguồn cung có nhiều, đương nhiên các chủ đầu tư không dám bán đắt”, ông Quyết phân tích.

Ông Quyết cho rằng, để giải quyết được câu chuyện nguồn cung, gốc rễ phải giải quyết vấn đề cơ chế, chính sách. 

“Rất nhều dự án bị đọng, vướng chính sách không triển khai, ra hàng được. Lý do không ra được dự án nên chi phí vốn đầu tư bị “đội” lên. Để dự án bất động sản giảm giá được thì việc giải phóng đền bù, hay vấn đề thuế đất cũng cần thông thoáng hơn”, ông nói.

Từ góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng giá cả bất động sản do thị trường tự quyết định chứ không thể dùng biện pháp nào. Tuy nhiên, sau một thời gian tăng giá mạnh của thị trường, lực cầu giảm đi, muốn bán được hàng thì buộc các chủ đầu sẽ phải giảm giá xuống.

“Thế nhưng, hiện nguồn cung ở các thành phố lớn như Hà Nội cực ít, do đó cung ít – cầu cao, thì đương nhiên tăng giá. Cung nhiều hơn cầu, đương nhiên giá sẽ phải giảm để cạnh tranh bán. 

Các dự án bất động sản hiện đang nằm “đắp chiếu” khá nhiều, nếu đồng loạt được tháo gỡ sẽ bung ra thị trường một nguồn cung khá lớn, chắc chắn nhiều hơn cầu. Khi đó, sự cạnh tranh bán hàng sẽ diễn ra, đồng loạt mặt bằng giá sẽ đi xuống”, ông Đính cho hay.

Chính vì vậy, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, biện pháp để hạ giá bất động sản hiện nay đó là cần nhanh chóng tháo gỡ ách tắc cho các dự án, cho các chủ đầu tư để sớm có nhiều dự án ra hàng, tăng nguồn cung trên thị trường.

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, giá chung cư cuối năm 2023 đang ở mức rất cao. Tại Hà Nội, trên thị trường sơ cấp, mức giá bán trung bình của các căn hộ mở bán mới đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2. Mức giá này tăng gần 7% theo quý (khoảng 3,6 triệu đồng/m2), 14% theo năm (khoảng 7 triệu đồng/m2). Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt khoảng 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% (khoảng 800.000 đồng/m2) theo quý và 0,8% (250.000 đồng/m2) theo năm.

Tại TP.HCM, giá bán thứ cấp quý III/2023 đạt 45 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý trước. Mức tăng chủ yếu nằm ở phân khúc trung và cao cấp, nhất là các dự án kề cận trung tâm như quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức. Còn giá bán sơ cấp căn hộ chung cư đã đạt hơn 60 triệu đồng/m2. Bộ Xây dựng cho biết, đây là quý thứ 19, giá bán chung cư sơ cấp tăng liên tiếp.

Nguyễn Lê

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Dồn lực vào bất động sản để tăng trưởng kinh tế? (21/12/2023)

>   Ninh Thuận: Khởi tố 5 bị can liên quan sai phạm về quản lý đất đai (20/12/2023)

>   Nhìn lại các đại án làm rúng động thị trường bất động sản 2023 (21/12/2023)

>   Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hướng dẫn doanh nghiệp hạ giá bất động sản (20/12/2023)

>   Vì sao giá nhà không giảm như thời kỳ khủng hoảng 2008-2009? (20/12/2023)

>   Nhiễu loạn thông tin báo cáo thị trường bất động sản, hướng giải quyết nào? (19/12/2023)

>   Giá đất Hòa Lạc: Nơi giảm giá vẫn ế, chỗ tăng mạnh lại đắt hàng (18/12/2023)

>   Giảm giá nhà bằng cách nào? (16/12/2023)

>   HoREA đề nghị các doanh nghiệp bất động sản giảm giá nhà (15/12/2023)

>   Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng sẽ giải quyết nút thắt cản trở sự phát triển của bất động sản (14/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật