Doanh nghiệp 'tung chiêu' kích cầu mùa mua sắm Tết
Không ngồi im chờ khách, nhiều doanh nghiệp từ sản xuất mặt hàng tiêu dùng tới doanh nghiệp phân phối đã tự tìm cách để đưa sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng, “tung chiêu” kích cầu mùa mua sắm Tết.
Dù còn khoảng hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2024 nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) đã bước vào cao điểm sản xuất hàng Tết khi liên tục tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới, tiện dụng với giá cả phải chăng để phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời các nhà kinh doanh cũng tích cực thay đổi cách thức bán hàng, “tung chiêu” mới theo hướng trẻ trung và tiện lợi hơn.
Tung hàng mới, giá mềm
Trở lại với thị trường Tết 2024, Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An nhìn nhận các mặt hàng thiết yếu với giá tầm trung hoặc nhiều chương trình khuyến mãi sẽ tiếp tục là ưu tiên mua sắm hàng đầu của người dân trong mùa mua sắm Tết 2024. Chính vì thế, đơn vị này đã sớm tăng cường sản xuất, chủ động nguồn cung để bình ổn giá.
Bên cạnh đó, Tường An cũng nhanh chóng cải tiến bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm như Olita Plus, Vạn Thọ cao cấp, Dầu ăn Ngon Tường An phiên bản mới. Đồng thời công ty ra mắt sản phẩm Dầu thực vật tự nhiên Vạn Phúc đáp ứng đa dạng nhu cầu chiên rán, xào của người tiêu dùng.
Tương tự, với ngành hàng gia vị, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DH Foods, cho hay để chuẩn bị cho thị trường mua sắm cuối năm, công ty đã nhanh chóng cho ra mắt nhiều sản phẩm mới lạ, phù hợp cho người trẻ như sốt trứng muối, sốt phô mai… Đây cũng là những mặt hàng có sức mua tốt, thậm chí sản xuất không kịp nhu cầu.
Hãng hàng không cũng livestream bán hàng
Không chỉ DN sản xuất, cả các DN ngành hàng không cũng tìm cách gia tăng doanh thu thông qua việc livestream bán hàng, tư vấn khách hàng.
Đơn cử, vừa qua hãng bay Vietraval Airlines đã bất ngờ livestream để giao lưu giải đáp thắc mắc với người xem về thị trường ngành hàng không. Bên cạnh đó, hãng còn giới thiệu bán các sản phẩm như kem đánh răng. Trong tương lai, hãng cho biết sẽ còn phối hợp giới thiệu, bán các mặt hàng đặc sản vùng miền.
|
“Chúng tôi còn ra mắt thêm nhiều loại gói gia vị hoàn chỉnh cùng các gói quà Tết tiết kiệm với mức giá rẻ và tầm trung, chỉ 100.000-600.000 đồng nhưng chất lượng tăng lên. Với các gói quà Tết, chúng tôi đã cải tiến bao bì rẻ hơn như dùng carton, hộp gỗ in hoa văn đẹp mắt để giảm giá thành bao bì, vừa không kém phần sang trọng. Với những nỗ lực này, so với cuối năm của cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của chúng tôi tăng 30%-40% và dự kiến cả năm sẽ tăng khoảng 20%” - ông Dũng nói.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food), cũng thông tin để cải thiện tình hình kinh doanh và kích cầu sức mua nơi người tiêu dùng, ngoài việc giảm giá sản phẩm thì đơn vị này cũng sớm chuẩn bị các mặt hàng mới cho thị trường mua sắm Tết. Theo đó, đơn vị này đã tăng cường các sản phẩm mới như trứng chế biến, trứng ăn liền, trứng gà hồng dùng cho các món phở, ốp la. Hiện các sản phẩm này đang được thị trường đón nhận tích cực.
Thích ứng với xu hướng bán hàng mới
Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cao cấp, Kantar Việt Nam - đơn vị nghiên cứu thị trường dự báo mùa Tết năm nay người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên chọn những sản phẩm có tính ứng dụng cao như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh. Họ có thể không cắt chi tiêu cho mặt hàng thiết yếu và quà tặng Tết nhưng có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm ở phân khúc thấp hơn, nhiều khuyến mãi hơn.
Bên cạnh đó, sự tiện lợi trong mua sắm cũng sẽ chiếm ưu thế trong việc lựa chọn kênh mua sắm Tết. “Sàn thương mại điện tử hoặc những siêu thị có tính tiện lợi cao được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong dịp Tết 2024” - bà Nga nói.
Dưới góc độ kinh doanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An Bùi Thanh Tùng cũng nhìn nhận dưới sự bùng nổ của social marketing (quảng cáo qua mạng xã hội), sự phát triển của các nền tảng mua sắm online, xu hướng mua sắm trực tuyến sẽ được người tiêu dùng chú trọng lựa chọn.
“Chúng tôi sẽ tận dụng triệt để các dự báo xu hướng mua sắm mới trên hệ thống 450.000 điểm bán, cũng như tăng cường làm việc với các đối tác B2B (DN với DN), nền tảng thương mại điện tử, kênh mua sắm giải trí. Đặc biệt trong năm nay, chúng tôi sẽ tung các phiên livestream bán hàng kiểu mới lạ, nhiều ưu đãi cho người tiêu dùng trên cả nước trên nền tảng TikTok” - ông Tùng chia sẻ và kỳ vọng với những nỗ lực trên sẽ tạo ra được sự bùng nổ trong doanh thu.
Nhìn nhận kênh bán hàng online đang là xu thế và mang lại doanh thu hiệu quả, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Sông Hương Foods, cho biết công ty đang đẩy mạnh hơn việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, trong đó phát triển mạnh kênh TikTok. Chỉ riêng kênh bán hàng này đã giúp ông thu về 1 tỉ đồng mỗi tháng.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định để thích ứng và giữ vững thị phần, thị trường, các DN cần linh hoạt trong cạnh tranh về giá bán và chất lượng, cách thức thu hút khách hàng.
“DN cần xác định phân khúc khách hàng mục tiêu, phương án tiếp cận để có thể xây dựng một kịch bản kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, có một sự thay đổi trong kênh phân phối mà nhà kinh doanh có thể lưu ý, là sự vươn lên mạnh mẽ của hình thức livestream bán hàng trên các nền tảng kinh doanh online” - bà Hạnh nói.
|
THU HÀ
Pháp luật TPHCM
|