Chính sách ngân hàng năm 2023 (Kỳ 3): Các vấn đề đảm bảo an toàn rủi ro
Các vấn đề an toàn rủi ro trong hoạt động thanh toán, giao dịch ngân hàng cũng được chú trọng trong năm 2023.
Bổ sung trường hợp TCTD không phải đáp ứng tỷ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ
Đây là điểm mới tại Thông tư 18/2022/TT-NHNN, sửa đổi Thông tư 09/2015/TT-NHNN, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư này không áp dụng đối với hoạt động mua, bán nợ xấu giữa TCTD và Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC); hoạt động mua, bán nợ phát sinh từ hợp đồng vay, cho vay giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư sửa đổi và bổ sung quy định TCTD được NHNN xem xét chấp thuận hoạt động mua nợ phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất. TCTD bán nợ thì không phải xin phép NHNN.
TCTD chỉ được mua nợ khi được NHNN chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất, trừ các trường hợp ngoại lệ được quy định.
Trước khi thực hiện mua, bán nợ, TCTD phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ.
Bên bán nợ không mua lại khoản nợ đã bán, trừ các trường hợp TCTD mua lại khoản nợ đã bán cho TCTD được kiểm soát đặc biệt.
TCTD hỗ trợ mua lại khoản nợ đã bán cho TCTD được kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định. TCTD nhận chuyển giao bắt buộc mua lại khoản nợ đã bán cho ngân hàng được chuyển giao bắt buộc.
TCTD thực hiện mua lại khoản nợ đã bán theo nội dung đã cam kết mua lại khoản nợ tại phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp sau: Khoản nợ mua lại đang được TCTD được kiểm soát đặc biệt sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt tại NHNN nhưng không còn được phân loại là nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của NHNN và bán thay thế bằng khoản nợ đủ tiêu chuẩn khác. Đến hạn trả nợ vay đặc biệt, TCTD được kiểm soát đặc biệt chưa có đủ tiền để hoàn trả nợ vay đặc biệt cho NHNN theo kế hoạch trả nợ vay đặc biệt.
TCTD không được bán nợ cho công ty con, trừ các trường hợp: Bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản theo phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt; TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán nợ đủ tiêu chuẩn cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ thuộc sở hữu của chính TCTD.
TCTD không phải đáp ứng tỷ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ trong các trường hợp sau: TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định; TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn của TCTD hỗ trợ theo phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt; ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc mua nợ đủ tiêu chuẩn của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thông tư quy định, các bên có thể thỏa thuận trả chậm tiền mua nợ, nhưng phải đảm bảo 100% bằng các loại tài sản có tính thanh khoản cao như tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ do TCTD phát hành; vàng miếng; trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng mức AA- trở lên (theo Standard & Poor’s hoặc Fitch Ratings) hoặc từ mức Aa3 trở lên (theo Moody’s) và được niêm yết trên thị trường chứng khoán; cổ phiếu niêm yết trên HNX, HOSE, trừ các cổ phiếu bị cảnh cáo, kiểm soát, bị tạm ngừng, đình chỉ hoặc hạn chế giao dịch và các cổ phiếu có khối lượng giao dịch dưới 300,000 cp/ngày, tính trong 10 ngày giao dịch liền kề trước ngày ký hợp đồng bảo đảm.
Ngoài ra, Thông tư còn sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động mua bán nợ; đấu giá; hội đồng mua, bán nợ; định giá khoản nợ; phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro; xử lý tài chính, hạch toán kế toán…
Thông tư có hiệu lực từ ngày 09/02/2023.
Bổ sung quy định bảo lãnh ngân hàng điện tử
Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về hoạt động bảo lãnh ngân hàng điện tử như sau:
- TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (hoạt động bảo lãnh điện tử).
Việc thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền, giao dịch điện tử, hướng dẫn của NHNN về quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
- TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình bảo lãnh, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:
+ Có giải pháp, công nghệ kỹ thuật đảm bảo tính chính xác, bảo mật, an toàn trong quá trình thu thập, sử dụng, kiểm tra thông tin, dữ liệu;
+ Có biện pháp kiểm tra, đối chiếu, cập nhật, xác minh thông tin, dữ liệu; có biện pháp ngăn chặn các hành vi giả mạo, can thiệp, chỉnh sửa làm sai lệch thông tin, dữ liệu;
+ Có biện pháp đánh giá, quản lý, kiểm soát rủi ro; phân công trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận, cá nhân có liên quan trong hoạt động bảo lãnh điện tử và trong việc quản lý, giám sát rủi ro.
Thông tư có hiệu lực từ 01/04/2023.
Giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo cáo NHNN
Quyết định 11/2023, thay thế Quyết định 20/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 01/12/2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN.
Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022. Danh sách này bao gồm:
Tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động: Nhận tiền gửi; cho vay; cho thuê tài chính; dịch vụ thanh toán; dịch vụ trung gian thanh toán; phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính.
Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; đổi tiền.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động: Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược.
Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; kinh doanh kim khí quý, đá quý; kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.
* Chính sách ngân hàng năm 2023 (Kỳ 2): Lãi suất, vàng và ngoại hối
* Chính sách ngân hàng năm 2023 (Kỳ 1): Tín dụng làm trọng tâm
Cát Lam
FILI
|