Chính sách ngân hàng năm 2023 (Kỳ 2): Lãi suất, vàng và ngoại hối
Đi kèm với những chính sách về tín dụng, ngân hàng trong năm 2023 còn được chú ý với các chính sách về lãi suất, vàng và hoạt động kinh doanh ngoại hối.
* Chính sách ngân hàng năm 2023 (Kỳ 1): Tín dụng làm trọng tâm
Tăng lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở năm 2023 từ 4.8%/năm lên 5%/năm
Một trong những chính sách có hiệu lực từ đầu năm 2023 liên quan đến lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở là Quyết định 2081/QĐ-NHNN (thay thế Quyết định 1956/QĐ-NHNN) áp dụng đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN, 32/2014/TT-NHNN và 25/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành.
Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở là 5%/năm.
Trong năm 2022 và 2021, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở là 4.8%/năm. Mức lãi suất này đã giảm 0.2% so với năm 2019 và năm 2020.
Liên quan đến lãi suất cho vay trong gói 120,000 tỷ đồng, ngày 03/04/2023, NHNN có văn gửi các ngân hàng hướng dẫn một số nội dung và yêu cầu triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ, với quy mô khoảng 120,000 tỷ đồng.
Đối tượng vay vốn là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội; nhà ở công nhân; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố.
Người vay phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.
Mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này 1 lần để mua 1 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định. Mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này 1 lần.
Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120,000 tỷ đồng, nhưng không quá ngày 31/12/2030.
Thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư là 3 năm và đối người mua nhà là 5 năm kể từ ngày giải ngân, nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.
Lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/06/2023 là 8.7%/năm đối với chủ đầu tư và 8.2%/năm đối với người mua nhà. Kể từ ngày 01/07/2023, định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình.
Khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay do ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được xác định rõ hoặc nêu rõ cách xác định tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.
Quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài
Thông tư 20/2022/TT-NHNN của NHNN hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân.
Thông tư quy định, các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ của tổ chức bao gồm:
a) Mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài. Nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;
b) Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;
c) Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế. Nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ các trường hợp mua, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của tổ chức để phục vụ mục đích khác.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.
Quy định mới về mua bán vàng miếng
Thông tư 12/2023/TT-NHNN được ban hành ngày 12/10/2023, sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-NHNN, hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước. Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 14, quy định về thông báo kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng.
Cụ thể, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước thông báo bằng văn bản cho Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Tài chính - Kế toán, Sở Giao dịch và Cục Phát hành và Kho quỹ về kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng với từng tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp sau khi ký xác nhận giao dịch.
Bên cạnh đó, Thông tư quy định về trách nhiệm của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước, đó là làm đầu mối phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối trình Thống đốc NHNN xem xét, quyết định tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định; thông báo cho TCTD, doanh nghiệp quyết định của NHNN về việc tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng.
Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước làm đầu mối, phối hợp với Sở Giao dịch thực hiện nghiệp vụ thanh toán mua, bán vàng miếng. Thông báo bằng văn bản cho các TCTD, doanh nghiệp về việc không hoàn trả tiền đặt cọc.
Thông báo và cập nhật cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Quản lý ngoại hối về danh sách TCTD, doanh nghiệp thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với NHNN.
Phối hợp với Vụ Quản lý Ngoại hối và Vụ Chính sách tiền tệ xây dựng phương án mua, bán vàng miếng của NHNN.
Phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối xác định giá mua, giá bán vàng miếng (đối với trường hợp mua bán trực tiếp và đấu thầu theo khối lượng), giá sàn, giá trần (đối với trường hợp đấu thầu theo giá) theo phương án mua bán đã được phê duyệt.
Thông tư này có hiệu lực từ 27/11/2023.
Đón đọc kỳ 3: Các vấn đề đảm bảo an toàn rủi ro
Cát Lam
FILI
|