10 sự kiện kinh tế nổi bật Việt Nam 2023
Năm 2023, những “cơn gió ngược” đã làm chao đảo các động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Dù vậy, nhiều sự kiện mang tính lịch sử cũng được ghi dấu.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 619 tỷ USD, giảm 8.3% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 88.4% kế hoạch cả năm 2023 (trên 700 tỷ).
Trong đó, nhập khẩu ước đạt 296.7 tỷ USD, giảm 10.7%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 322.5 tỷ USD, giảm 5.9%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 25.83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10.3 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 20 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu hơn 45.8 tỷ USD.
Tính đến tháng 08/2023, theo Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, Việt Nam đã tham gia vào 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, FTA giữa Việt Nam và Israel (VIFTA), hoàn tất đàm phán tháng 4 và chính thức ký kết ngày 25/07/2023. Bên cạnh đó, còn ba FTA khác vẫn đang đàm phán là Việt Nam - EFTA (Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), ASEAN – Canada, và Việt Nam – UAE.
Năm 2023, lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ, cũng như Việt Nam – Nhật Bản sang trang mới.
Tháng 09/2023, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Mỹ tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Sự kiện này một lần nữa ghi dấu mốc quan trọng mới sau 28 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1995 – 2023) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013 - 2023) giữa hai nước.
Mỹ luôn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; chiều ngược lại, Việt Nam vươn lên thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Mỹ đạt 123 tỷ USD, gấp 4 lần năm 2013 và gấp 273 lần so với chỉ 450 triệu USD vào năm 1994.
Hơn hai tháng sau, cuối tháng 11/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida ra tuyến bố chung, thông báo Việt Nam - Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam nhiều năm trở lại đây. 11 tháng đầu năm nay, xuất siêu sang Nhật Bản đạt 1.5 tỷ USD, tăng 127% so với cùng kỳ năm trước.
Giữa tháng 04/2023, ông Trần Quí Thanh – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng hai con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích bị khởi tố. Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, cha con ông Thanh bị đề nghị truy tố tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tổng giá trị tài sản mà Chủ tịch Tân Hiệp Phát và các đồng phạm đã chiếm đoạt từ các bị hại lên đến 767 tỷ đồng.
Cuối tháng 6, một nhân vật có tiếng khác là Nguyễn Đỗ Lăng – Tổng Giám đốc tại CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), bị Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP. Hà Nội khởi tố và bắt tạm giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại APS, CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ). Cùng tội danh, 4 bị can khác cũng bị khởi tố và bắt tạm giam là Phạm Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT APS, Huỳnh Thị Mai Dung (vợ ông Lăng), Nguyễn Thị Thanh - Kế toán trưởng APS và Phạm Thị Đức Việt - Phó phòng dịch vụ khách hàng APS.
Với thủ đoạn đưa thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án và cam kết trả lãi suất “trong mơ” từ 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào Công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước, bà Vũ Thị Thúy – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam đã bị Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cơ quan điều tra, từ năm 2020 - 2022, Công ty Nhật Nam đã thu tổng số tiền khoảng hơn 8.9 ngàn tỷ đồng của khoảng 20 ngàn cá nhân, thông qua 45.5 ngàn Hợp đồng hợp tác kinh doanh (một cá nhân ký nhiều hợp đồng). Công ty chi trả tiền hoa hồng cho các cá nhân giới thiệu huy động vốn khoảng gần 2.3 ngàn tỷ đồng. Thúy chi sử dụng cá nhân khoảng hơn 635 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã làm rõ và ghi được lời khai của 111 bị hại, bước đầu xác định số tiền bị chiếm đoạt hơn 138 tỷ đồng.
“Chấn động”, “kinh khủng”, “chưa từng có trong lịch sử” là những từ ngữ dư luận dùng để mô tả con số 304 ngàn tỷ mà bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tại vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và một số đơn vị khác. Bà Lan bị đề nghị truy tố ba tội gồm đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản.
Liên quan đến bà Lan, ông Nguyễn Cao Trí – doanh nhân sinh năm 1970 được biết đến với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành... cũng bị bắt hồi đầu năm 2023 về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ông Trí bị cáo buộc chiếm đoạt 1 ngàn tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan.
Những ngày cuối cùng của tháng 11, ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, bắt tạm giam về tội Lừa dối khách hàng liên quan đến vụ 488 căn biệt thự, nhà liền kề (khu dân cư Tân Thịnh) tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Năm 2023, khi loạt ngân hàng trung ương trên thế giới như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed),… thắt chặt chính sách tiền tệ trong nỗ lực kéo lạm phát về mức mục tiêu. Trong đó, Fed có 4 lần tăng lãi suất quỹ liên bang (Fed funds rate) so với cuối năm 2022, lên biên độ từ 5.25 - 5.5%, cao nhất trong vòng 22 năm.
Ngược lại, Việt Nam thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 quyết định giảm lãi suất điều hành liên tiếp. Mức giảm từ 0.5 - 1.5 điểm phần trăm, vào các tháng 3, 4, 5 và 6; đưa lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống 4.5% và lãi suất tái chiết khấu từ 3.5% xuống 3%.
Chính sách nổi bậc nhất về thị trường trái phiếu doanh nghiệp là Nghị định 08/2023-NĐ-CP (ngày 05/03/2023 sửa đổi, bổ sung các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu), liên quan đến hoãn thực hiện một số quy định của Nghị định 65, cũng như cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành. Việc ban hành nghị Nghị định 08 được đánh giá là kịp thời, giúp lấy lại niềm tin, từ đó tạo tín hiệu tín cực hơn cho thị trường TPDN.
Sau đó, Thông tư 03/2023/TT-NHNN được ban hành ngưng hiệu lực khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, cho phép tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Việc vận hành sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ là cột mốc quan trọng khác trong năm 2023 của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trên cơ sở các điều kiện chuẩn bị đã hoàn tất, ngày 19/07/2023, Bộ Tài chính tổ chức lễ khai trương và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Sau hơn 22 ngày làm việc (từ 23/10 đến 29/11/2023), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua 7 luật và 9 nghị quyết.
7 luật quan trọng được thông qua gồm: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Đồng thời, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất, đảm bảo chất lượng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hiện nay.
Năm 2023, giá của một số hàng hóa chủ chốt biến động bất ngờ, nhiều mặt hàng tăng vọt, tiến lên các mốc kỷ lục.
Chịu tác động từ nhu cầu lớn của quốc tế, giá gạo xuất khẩu Việt Nam liên tục tăng mạnh, lập đỉnh mới 663 USD/tấn vào những ngày đầu tháng 12. Nếu bỏ qua năm 2008, giá gạo 5% tấm xuất khẩu có lúc đạt 1,000 USD/tấn (khi đó Chính phủ ngừng xuất khẩu nên gần như không có thương nhân nào bán được giá này), thì đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Giá gạo hạt dài xuất khẩu hàng tuần (FOB) trong 12 tháng gần nhất
Nguồn: Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA)
Giá đường thế giới liên tục neo cao trong vòng 12 năm do nguồn cung sụt giảm ở Ấn Độ và Thái Lan, hai quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu thế giới. Có thời điểm thị, thị trường đường thế giới biến động mạnh trước thông tin Chính phủ Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/24 để ổn định giá nội địa. Phiên 06/11, giá đường đã dừng ở 616.2 USD/tấn, cao nhất từ tháng 10/2011.
Trong biến động khó lường của kinh tế và địa chính trị, giá vàng thế giới tăng lên mức kỷ lục qua đó kéo giá mua - bán lẻ vàng miếng SJC trong nước lên cao nhất trong lịch sử, có thời điểm lên 73 – 74.2 triệu đồng/lượng.
Mặt hàng quan trọng khác là điện cũng được EVN điều chỉnh tăng giá 2 lần trong năm 2023. Lần tăng thứ nhất vào ngày 04/05, nâng 3% giá bán lẻ điện bình quân, 1.920,37 đồng/kWh, chưa gồm VAT; lần thứ hai, EVN tăng 4.5% giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 09/11, lên 2,006.79 đồng/kWh, chưa gồm VAT.
Song song đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày. Thay vì điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng thì với quy định mới, thời gian điều hành giá xăng dầu thực hiện vào Thứ 5 hàng tuần.
Ngày 15/05/2023, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), kỳ vọng mở ra chương mới cho ngành điện Việt Nam.
Điểm đáng chú ý là quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30.9 – 39.2% vào năm 2030, đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67.5 – 71.5%.
Cơ cấu nguồn điện sẽ có sự thay đổi lớn, thực hiện khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu. Đáng chú ý, điện khí dự kiến là nguồn điện mũi nhọn trong giai đoạn 2021 - 2030, phát triển các nguồn điện khí LNG với quy mô phù hợp; giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, dự kiến đến năm 2030. Tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành và các dự án đang xây dựng, khả năng sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 30,127 MW và định hướng năm 2050, không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn sang sinh khối/amoniac.
Mức phát thải CO2 của ngành điện năm 2030 dự kiến đạt 204 - 254 triệu tấn, 2035 đạt 226 - 254 triệu tấn và đến năm 2050 vào khoảng 27 - 31 triệu tấn (thấp hơn hạn mức 35 triệu tấn).
Nhờ sự ổn định, cởi mở và hội nhập sâu rộng, Việt Nam vẫn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn là điểm đến hấp dẫn trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị toàn cầu còn nhiều bất ổn.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng, Việt Nam đã thu hút thêm gần 29 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 14.8% so với cùng kỳ.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với vốn đầu tư đạt hơn 20.97 tỷ USD, chiếm gần 72.7% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 40.2% cùng kỳ. Xếp sau là kinh doanh bất động sản; các ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ xếp thứ ba và tư.
Có 56 tỉnh, thành phố trên cả nước được các nhà đầu tư rót vốn. Quảng Ninh vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3.11 tỷ USD, chiếm gần 10.8% và tăng 42.3% cùng kỳ. TPHCM xếp thứ hai với gần 3.1 tỷ USD, chiếm 10.7% và giảm 12.9%. Tiếp theo lần lượt là Hải Phòng (2.8 tỷ USD), Bắc Giang (2.7 tỷ USD), Hà Nội (2.6 tỷ USD).
Có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 3.3 tỷ USD, tiếp đến là Hồng Kông (Trung Quốc) 3.15 tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ ba với 3.06 tỷ USD.
VinFast “cắm cờ” trên đất Mỹ là sự kiện thu hút được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước. VinFast Auto Ltd. (VinFast) đã rung chuông ra mắt trên Nasdaq GlobalMarket với mã giao dịch VFS vào tối 15/08 (giờ Việt Nam), trở thành công ty niêm yết đại chúng có quy mô quốc tế, vốn hóa hơn 23 tỷ USD.
Sự kiện diễn ra ngay sau khi VinFast hoàn tất giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade Acquisition Co ngày 14/08/2023. Thông qua niêm yết ở Mỹ, hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thể hiện vai trò là lá cờ đầu tiến ra thị trường vốn quốc tế, đồng thời chứng minh rằng các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể đáp ứng các tiêu chí khắt khe của thị trường lớn bậc nhất thế giới.
Duy Khánh
Thiết kế: TM
FILI
|