VN-Index giảm sâu tạo cơ hội tích lũy cổ phiếu cho trung và dài hạn Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận tuần giao dịch từ 23 đến 27-10-2023 không mấy khả quan. Áp lực bán gia tăng trong hai phiên cuối tuần, đè nặng lên nhóm cổ phiếu trụ khiến VN-Index giảm điểm tiêu cực, thậm chí có thời điểm còn lùi về dưới khu vực 1.040 điểm.
Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn có tác động trực tiếp đến chỉ số khi giảm sàn đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư. Kết thúc tuần, VN-Index giảm 4,26% so với tuần trước đó, về mức 1.060 điểm.
Kết thúc tuần qua (23 đến 27-10-2023), VN-Index giảm 4,26% so với tuần trước đó, về mức 1.060 điểm – Ảnh minh họa: TL |
Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh, khối ngoại trở lại bán ròng mạnh với giá trị hơn 1.300 tỉ đồng. VIC và MWG bị bán ra mạnh nhất, lần lượt là 271 tỉ đồng và 267 tỉ đồng. Tuần qua chứng khiến đà giảm sâu của VIC (giảm hơn 4%) trong khi MWG kéo dài chuỗi hở “room” ngoại, tỷ lệ về sát mốc 47%.
Ở chiều ngược lại, VHM và DGC được khối ngoại mua ròng lần lượt 572 tỉ đồng và 232 tỉ đồng. Trong đó, khối ngoại bơm tiền vào VHM qua một loạt giao dịch thỏa thuận khủng ngay phiên đầu tuần với tổng khối lượng lên đến hơn 26 triệu đơn vị (giá 43.600 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên, đà mua bị thu hẹp đáng kể khi đây lại là cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại, thị giá của VHM cũng giảm gần 12%.
Tâm điểm trong tuần qua là việc Vingroup cho biết đã hoàn thành giao dịch chào bán 250 triệu đô la Mỹ trái phiếu quốc tế vào tối ngày 25-10. Trái phiếu này có thể hoán đổi thành cổ phiếu VHM của Vinhomes do Vingroup sở hữu, đáo hạn vào năm 2028.
Ngay sau đó, đại diện Vingroup đã lên tiếng giải thích trong phiên sáng ngày 26-10 lệnh bán sàn cổ phiếu VHM là do việc bán “hedging” giữa các nhà đầu tư với một số lượng hạn chế và Vinhomes không phát hành thêm cổ phần mới nên không có hiện tượng pha loãng.
Thêm vào đó, nhà đầu tư trái phiếu hoán đổi cũng đã tìm được người mua cho đa số khối lượng cổ phiếu cần bán, nên ảnh hưởng đến thị trường được đánh giá sẽ ngắn hạn và không đáng kể.
Trên thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (27-10), khi nhà đầu tư lo ngại khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái. Trong khi đó, giá dầu thô tăng khoảng 3% vì căng thẳng ở dải Gaza tiếp tục đặt ra rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông. Đóng cửa tuần, chỉ số S&P 500 giảm 2,5% – rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction); Dow Jones giảm 2,1%; và Nasdaq giảm 2,6% so với tuần trước đó.
Về mặt thông tin, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy GDP của nước này đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm (annualized) ở mức 4,9% trong quí 3-2023, cao hơn dự báo của giới phân tích. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng với môi trường lãi suất cao như hiện nay, kinh tế Mỹ tất yếu sẽ giảm tốc trong thời gian tới.
Tiếp đến, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng – cho thấy PCE lõi tháng 9 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với dự báo.
Dù vậy, chi tiêu dùng cá nhân của người Mỹ tăng 0,7% trong tháng 9, vượt mức dự báo tăng 0,5%, một dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát còn duy trì trong thời gian tới và Fed có thể phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2% một cách bền vững. Phản ánh mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thời điểm lại vượt mốc nhạy cảm 5% trong tuần này, trước khi kết thúc tuần ở mức 4,85%.
Về xu hướng thị trường, diễn biến nhóm cổ phiếu họ Vin sẽ vẫn là yếu tố nhà đầu tư quan tâm và theo dõi sát trong các phiên đầu tuần này. Tuy nhiên, sự phân hóa nhiều khả năng sẽ sớm diễn ra khi lực cầu được đẩy mạnh vào nhóm cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực với mức giá đã giảm về vùng hấp dẫn.
Tuần này cũng là một tuần tràn ngập các thông tin quan trọng như: kết quả cuộc họp chính sách tháng 11 của Fed, báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 của Việt Nam, các thông tin xoay quanh kỳ họp Quốc hội và mùa báo cáo kết quả kinh doanh vẫn tiếp diễn.
Trên cơ sở đó, nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên mục tiêu quản trị rủi ro danh mục ngắn hạn, còn đối với các vị thế trung và dài hạn, đây được coi là cơ hội hấp dẫn để tích lũy cổ phiếu.
Thanh Thủy TBKTSG
|