Thứ Sáu, 10/11/2023 13:30

Nợ xấu nhiều ngân hàng vượt ngưỡng, sẽ còn tăng vào cuối năm?

Tính đến cuối quý 3, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ của tất cả ngân hàng trong hệ thống đều tăng so với đầu năm. Đáng chú ý, số lượng ngân hàng có tỷ lệ vượt ngưỡng lại tiếp tục tăng.

Nợ xấu tăng 52%

Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, tổng dư nợ cho vay tại 28 ngân hàng đã công bố BCTC là gần 9.34 triệu tỷ đồng, tăng 9.3% so với đầu năm.

Ngoại trừ ABBank (ABB, -0.5%), các ngân hàng còn lại đều tăng trưởng tín dụng dương. Tăng trưởng tín dụng mạnh nhất là VPBank (VPB, +19%). Xếp ngay sau đó là MSB (+17.1%) và MB (MBB, +16.44%). BaoVietBank và Techcombank (TCB) tăng lần lượt 16.4% và 12.6%.

Trong khi đó, tổng nợ xấu tại 28 ngân hàng tính đến 30/09/2023 là gần 210,238 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Điều đáng chú ý là nợ xấu tại tất cả ngân hàng trong hệ thống đều “phình to” so với đầu năm, nhiều ngân hàng tăng bằng lần.

Xét về cơ cấu nợ xấu, tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ (nhóm 4) với tỷ lệ 119%, kế đến là nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 69% và nợ có khả năng mất vốn tăng thấp nhất với 12%.

Ở nợ nhóm 5, VIB là ngân hàng sụt giảm mạnh nhất (-46%), còn 1,309 tỷ đồng; kế đến là ABBank giảm 40% nợ nhóm 5, chỉ còn 842 tỷ đồng và KLB giảm 36%, còn 413 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, nợ nhóm 4 tại một số ngân hàng tăng bằng lần như Vietcombank (VCB, 7.4 lần), BAB (3.8 lần), Eximbank, (EIB, 3.2 lần)…

Chất lượng nợ vay của các ngân hàng tính đến 30/09/2023 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Tỷ lệ nợ xấu tất cả ngân hàng đều tăng

Tính đến 30/09/2023, có đến 9/28 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vượt ngưỡng 3%. Đáng chú ý, có ngân hàng nâng tỷ lệ này vượt mức 26%.

Tất cả ngân hàng trong hệ thống đều có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng so với đầu năm.

Nguồn: VietstockFinance

Nợ xấu vẫn chưa đạt đỉnh?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế đánh giá, nợ xấu hiện nay tương đối cao so với chỉ tiêu đề ra, cũng như so với thời gian trước đây. Mục tiêu tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, nhưng hiện tại đã có nhiều ngân hàng vượt ngưỡng.

Nợ xấu từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục tăng cao. Nguyên nhân đầu tiên là do trong năm 2023, một số doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh bị thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh không tốt, nên việc vay nợ, trả nợ gặp khó khăn.

Thứ hai, trong thực tế, 4 năm vừa qua, kể từ năm 2020, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được giãn, hoãn nợ, khoanh nợ, không nâng nhóm nợ xấu cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Rõ ràng, các doanh nghiệp không trả được nợ, phải khoanh nợ trong tương lai gần như đều sẽ trở thành nợ xấu.

Chính vì lẽ đó, đến giờ, khi các khoản nợ hết thời hạn được hoãn, giãn nợ đều chuyển thành nợ xấu, đẩy nợ xấu tăng lên. Nợ xấu trong nửa cuối năm 2023 tăng lên rất nhanh là vì những lý do này.

Ông Thịnh cho rằng, từ nay đến cuối năm, nợ xấu sẽ tiếp tục tăng, vì những doanh nghiệp đến hạn trả nợ mà không trả được thì sẽ bị nâng nhóm nợ.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) cũng dự báo nợ xấu sẽ tiếp tục tăng, đỉnh nợ xấu có thể vào cuối quý 4 hoặc sang đầu năm 2024.

Nợ xấu ngân hàng cuối quý 3 dù tăng cao nhưng vẫn chưa đạt đỉnh và nợ xấu thực tế lại cao hơn nợ xấu công bố. Theo Thông tư 06, cho phép giãn, hoãn nợ thì các khoản nợ xấu thực tế sẽ cao hơn mức các ngân hàng công bố.

Nguyên nhân chính khiến nợ xấu thời gian tới sẽ còn tăng chủ yếu do tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, nợ xấu chủ yếu tập trung ở nhóm bất động sản.

Tăng trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận ngân hàng sụt giảm

Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng chi phí dự phòng của 28 ngân hàng là 90,569 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm trước. Có 12/28 ngân hàng giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Mặc dù vậy, tín dụng tăng trưởng thấp, các ngân hàng cũng không có kết quả kinh doanh tươi sáng khi có đến 16/28 ngân hàng sụt giảm lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Kết quả, có 14 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế sụt giảm so với cùng kỳ và 1 ngân hàng thậm chí còn báo lỗ.

Sacombank là ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 9 tháng cao nhất hệ thống, với tỷ lệ 54% khi thu được 6,840 tỷ đồng. Kế đến là OCB tăng trưởng 48%, với 3,915 tỷ đồng lãi trước thuế. Xếp thứ ba là KLB, tăng 25% lãi trước thuế, lên 639 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 của các ngân hàng (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   'Choáng' với lãi suất thả nổi (10/11/2023)

>   SHB tiếp tục giảm lãi suất cho vay tới 2%/năm hỗ trợ khách hàng (10/11/2023)

>   Liên bộ họp với 14 ngân hàng, các doanh nghiệp bất động sản lớn để tiếp tục gỡ khó cho thị trường (10/11/2023)

>   SeABank và AEON Financial ký kết hợp đồng chuyển nhượng Công ty tài chính PTF, trị giá 4,300 tỷ đồng (10/11/2023)

>   Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại dịp cuối năm (09/11/2023)

>   VPBank tặng bảo hiểm trợ cấp mất việc làm cho khách hàng sử dụng dịch vụ chi trả lương (09/11/2023)

>   Bộ Công an truy nã 7 bị can vụ Vạn Thịnh Phát và SCB, kêu gọi đầu thú (08/11/2023)

>   Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ (08/11/2023)

>   Trở lại danh sách giám sát tiền tệ, Việt Nam cần cải thiện xuất nhập khẩu (08/11/2023)

>   HDBank hướng đến đạt kế hoạch kinh doanh 2023 (08/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật