Trở lại danh sách giám sát tiền tệ, Việt Nam cần cải thiện xuất nhập khẩu
Đa phần các chuyên gia đều cho rằng việc bị đưa vào chính sách giám sát tiền tệ chưa có tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam và có thể đưa ra một số chính sách để thoát khỏi danh sách này.
* Việt Nam vào danh sách giám sát tiền tệ của Mỹ
Báo cáo tiền tệ bán niên của Bộ Tài chính Mỹ cho giai đoạn 4 quý kết thúc vào tháng 6/2023 cho thấy Việt Nam, Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, và Đài Loan nằm trong danh sách giám sát tiền tệ của Mỹ.
Các quốc gia này đã vượt 2 trong 3 tiêu chí: Thặng dư thương mại với Mỹ trên 15 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu vượt 3% GDP và mua ròng ngoại hối kéo dài và vượt 2% GDP trong giai đoạn 1 năm.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết Việt Nam trở lại danh sách giám sát vì thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu tăng lên 4.7% GDP trong giai đoạn giám sát. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong vài năm gần đây khi các công ty chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Trước tình trạng này, đa phần các chuyên gia đều cho rằng chưa có tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam và có thể đưa ra một số chính sách để thoát khỏi danh sách này.
Cải thiện xuất nhập khẩu là vấn đề quan trọng nhất
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế đánh giá, việc Mỹ đưa Việt nam vào danh sách giám sát tiền tệ, sẽ tạo ra một số vấn đề khó khăn hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng như cho việc điều hành chính sách tiền tệ.
Về phía Mỹ, phải xem xét nhiều yếu tố, mới đưa một quốc gia vào danh sách giám sát hay thao túng tiền tệ. Nếu một quốc gia có thặng dư cán cân thương mại với Mỹ lớn thì họ sẽ xem xét, và dĩ nhiên còn nhiều yếu tố nữa để đưa ra quyết định.
Rõ ràng, khi bị đưa vào danh sách giám sát tiền tệ sẽ gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Mỹ sẽ xem xét kỹ hơn các điều kiện xuất khẩu. Việc ký kết hợp tác toàn diện với Mỹ sẽ có tác động tốt đến xuất khẩu. Tuy nhiên, nhập khẩu lại tăng ít, vì thế cho nên thặng dư thương mại lớn dần dần và Mỹ đã có cơ chế chính sách, khi thặng dư thương mại đến mức nào đó, sẽ đưa vào kiểm tra giám sát kỹ hơn. Đây là điều mà Việt Nam cần phải cải thiện trong cán cân thương mại.
Còn đối với thao túng tiền tệ, trước đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có giải thích với các đối tác. Về cơ bản, Việt Nam đang giữ ổn định, chứ không phải phá giá VND, tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Để cải thiện và đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát tiền tệ, vấn đề quan trọng là xuất nhập khẩu. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ rất mạnh, nhưng nhập khẩu lại ít. Vì thế, cho nên cán cân thương mại của Việt Nam quá lớn, do đó cần xem xét các mặt hàng nhập khẩu nào của Mỹ phù hợp với lợi ích kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng công nghệ cao, vì Mỹ là quốc gia có công nghệ nguồn trong máy móc thiết bị.
Tác động phần nào đến tâm lý nhà đầu tư FDI
TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) cho rằng thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đang rất cao. Nguyên tắc của Mỹ là phải cân bằng cán cân thương mại và các quốc gia khác, những quốc gia xuất siêu sang Mỹ thì sẽ cân nhắc đưa vào diện theo dõi hoặc thao túng tiền tệ.
Khi bị đưa vào giám sát tiền tệ, thực tế cũng chưa ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, nhưng cũng ảnh hưởng một phần đến yếu tố tâm lý của các nhà đầu tư FDI. Những nhà đầu tư này cũng sẽ dè dặt nếu như sau này Việt Nam bị coi là thao túng tiền tệ thì Mỹ sẽ đưa ra một số biện pháp trừng phạt. Trong đó, sẽ có biện pháp hạn chế thương mại và hạn chế dòng vốn FDI như áp thuế chống bán phá giá, hoặc rào cản đối với Việt Nam nhằm kéo giảm thặng dư thương mại của Việt Nam xuống so với Mỹ…
Những điều này sẽ có tác động không tốt đến xuất khẩu cũng như thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần phải ưu tiên một số mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, thay vì phải giảm xuất khẩu, thì cần ưu tiên tăng nhập khẩu hàng Mỹ để đảm bảo cán cân thương mại cân bằng.
Thêm nữa, cần cho phép tỷ giá hối đoái linh động hơn so với việc đang neo tỷ giá hối đoái so với USD như hiện nay. Biên độ dao động của tỷ giá có thể nâng lên theo dao động của thị trường, còn hiện nay tỷ giá đang được can thiệp để đảm bảo bình ổn tỷ giá VND/USD. Theo nguyên tắc, tỷ giá này phải thả nổi.
Thúc đẩy tổng cầu sẽ có tác động kép với Việt Nam
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính - Học viện tài chính cho rằng thực ra trước đây Việt Nam đã vào danh sách giám sát và sau đó được đưa ra khỏi danh sách. Vừa qua, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng khá lớn. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ là tạm thời, vì hiện nay sức cầu trong nước tương đối yếu, nhập khẩu giảm mạnh, cho nên thặng dư thương mại tổng thể khá lớn.
Khi kinh tế phục hồi, thặng dư thương mại sẽ giảm xuống và Mỹ sẽ đưa Việt nam ra khỏi danh sách giám sát.
Việc cân bằng cán cân thương mại rất khó, còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới, nếu đẩy mạnh tổng cầu, có thể giúp cho nhập khẩu nhiều hơn về máy móc, thiết bị… sẽ giúp cho thặng dư giảm xuống.
Việc thúc đẩy tổng cầu sẽ giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao hơn và đồng thời được đưa ra khỏi danh sách giám sát tiền tệ.
Cát Lam
FILI
|