Nghề nghêu Tiền Giang đứng trước cơ hội xuất khẩu qua những thị trường khó tính Ngày 15-11, tại Tiền Giang đã diễn ra lễ trao chứng nhận ASC cho nghêu Tiền Giang. Việc đạt chứng nhận ASC sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu nghêu tiếp cận những thị trường khó tính trong thời gian tới và qua đó cũng nâng cao được thương hiệu nghêu Việt Nam.
Một số hộ dân ở Tiền Giang nhận chứng nhận ASC cho nghêu. Ảnh: ICAFIS. |
Theo thông cáo của Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững, Hội Thuỷ sản Việt Nam (ICAFIS), đối với mặt hàng nhuyễn thể xuất khẩu thì nghêu là một trong những sản phẩm có lượng xuất khẩu nhiều nhất và tăng liên tục theo các năm. Cụ thể, năm 2010 lượng nghêu xuất khẩu của Việt Nam là hơn 109.000 tấn thì đến 2021, con số này đã đạt gần 236.500 tấn.
ASC là một chứng nhận nuôi thuỷ sản bền vững không những thị trường châu Âu mà cả những thị trường khó tính như châu Mỹ, Nhật Bản… ưa chuộng. Vì vậy, OXFAM, ICAFIS đồng ý hỗ trợ nghề nghêu tỉnh Tiền Giang áp dụng chứng nhận ASC để tạo cơ hội cho người sản xuất quy mô nhỏ có điều kiện tham gia và tăng thu nhập.
Lý do chọn hỗ trợ người dân nuôi nghêu ở Tiền Giang, theo ICAFIS, nghêu là một trong bốn đối tượng thủy sản chủ lực của Việt Nam cùng với tôm, cá tra, cá rô phi. Tiền Giang là một trong những tỉnh có nghề nghêu phát triển tại Việt Nam, nghề nghêu tại Gò Công Đông, Tiền Giang đã xuất hiện từ trước năm 1975, đến năm 1990 nhận thấy tiềm năng của nghề nghêu, UBND tỉnh Tiền Giang đã phân lô và giao khoán cho các hộ dân và Ban quản lý cồn bãi huyện Gò Công Đông để bảo vệ và phát triển nuôi.
Hiện tại, nghề nuôi nghêu ở vùng ven biển Gò Công tỉnh Tiền Giang phát triển khá mạnh, theo kết quả điều tra năm 2022 toàn tỉnh có 530 hộ được nhà nước cho thuê đất để nuôi nghêu với tổng diện tích trên 2.000ha, góp phần giải quyết nhiều vấn đề kinh tế – xã hội của địa phương, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
ASC là chữ viết tắt của Aquaculture Stewardship Council (Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản). Đây là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 2010 bởi Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức sáng kiến Thương mại bền vững Hà Lan (IDH) nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm. Bộ tiêu chuẩn ASC được xây dựng dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.
|
Nam Nguyên TBKTSG
|