Mua bán dễ dàng, hàng giả tràn lan trên chợ online Việc tổ chức mua bán quá dễ dàng tại nhiều sàn thương mại điện tử đang tạo kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ len lỏi, trà trộn, gây nhiều hệ luỵ tiêu cực. Ngày 15-11, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo về nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam. Hàng giả, hàng lậu nhan nhản trên chợ online Tại hội thảo, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), cho biết, hiện nay xu hướng mua hàng của người dân đang chuyển mạnh từ truyền thống sang mua hàng online. Người dân chỉ cần đặt hàng online và 2-3 ngày được giao tận tay. Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ tại hội thảo sáng 15-11. | Các sàn giao dịch TMĐT đang là nơi mua sắm phổ biến của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện thì việc mua bán trên sàn TMĐT cũng đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Ông Trần Hữu Linh dẫn chứng, cách đây hai tuần, lực lượng QLTT đã triệt phá một kho hàng ở Gia lai giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Quá trình theo dõi, QLTT chứng kiến các đối tượng này livestream bán hàng trên Facebook với lượng theo dõi lên đến hàng chục ngàn người. Khi lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng của các đối tượng cho thấy 100% sản phẩm hàng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng. "Đây chỉ là một trong số nhiều vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên nền tảng TMĐT mà lực lượng QLTT đã triệt phá thời gian qua. Dường như các sàn TMĐT tổ chức việc mua bán quá dễ dàng, hàng giả, hàng nhái tràn lan” - ông Linh chia sẻ. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đánh giá, hiện nay thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi, từ phương thức mua sắm trực tiếp, truyền thống sang mua sắm online. Ước tính mỗi người chi tiêu cho mua sắm online vào khoảng 251 USD/năm. Nhiều phương thức bán hàng mới đã xuất hiện gắn liền với nền tảng TMĐT, online. Từ đó các hành vi vi phạm mới gắn liền với TMĐT cũng xuất hiện. Đưa thương mại điện tử vào 'tầm ngắm' để ngăn hàng gian, hàng giả Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, vấn đề gặp khó với lực lượng QLTT là xác minh, điều tra, phát hiện, xử lý trên không gian mạng. "Với thương mại truyền thống, việc xác minh địa điểm mua bán, kho chứa hàng, giao kết hợp đồng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với bán hàng online, lực lượng chức năng khó xác định địa điểm mua bán, người bán, kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng và chứng cứ cũng dễ dàng bị thay đổi…. Chưa kể, quá trình vận chuyển cũng do bên thứ ba đảm nhận..."- ông Linh nêu thực tế. Lần theo các bài livestream bán hàng trên mạng xã hội, lực lượng QLTT đã triệt phá một kho hàng giả mạo nhãn hiệu với số lượng lớn tại Gia Lai. Ảnh: QLTT | Ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số cho rằng, khó khăn lớn nhất là các đối tượng chỉ bán online qua mạng xã hội, không địa chỉ, phân tán hàng hoá nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ, bán hàng qua hệ thống cộng tác viên trung gian, sử dụng KOLs livestream. “Các đối tượng xoá dấu vết rất nhanh. Website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát” - ông Tuấn chia sẻ. Cạnh đó, để xác định đó là hàng giả cũng gặp nhiều khó khăn, bởi hình ảnh và thông tin của hàng thật nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả…” – ông Tuấn nói. Từ thực tế như trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định TMĐT sẽ là mặt trận đấu tranh chủ yếu trong ba năm tới. TMĐT tăng trưởng rất nhanh, nếu không đấu tranh mạnh mẽ, đây sẽ là nơi hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ phát triển tràn lan, khó kiểm soát”. AN HIỀN Pháp luật TPHCM
|