Cánh cửa nào để bước vào hành trình phát triển AI? Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 với mục tiêu đưa nó trở thành công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việc xác định Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI đã tạo lực đẩy cho nhiều doanh nghiệp rót vốn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tận dụng cơ hội mang lại từ AI.
Một giải pháp AI nội được cung cấp cho các doanh nghiệp Việt sử dụng. Ảnh minh họa: DNCC |
Chú trọng đầu tư cho R&D
Tại Việt Nam, AI đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả tuyển dụng nhân sự. Cung cấp thông tin tại sự kiện HR Tech Conference 2023 được tổ chức mới đây ông Trần Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty TopCV Việt Nam, cho hay nếu trước đây nói về việc ứng dụng AI trong tuyển dụng nhân sự rất khó để giải thích. Nhưng sau khi nền tảng ChatGPT được nhiều người Việt biết đến thì chỉ cần gõ từ khóa làm thế nào để viết được một bản mô tả công việc cho một vị trí nào đó thì ngay lập tức sẽ có một bản mô tả rất ổn mà không phải đi sao chép ở đâu.
Năm 2021, TopCV đã sử dụng nền tảng tuyển dụng thông minh ứng dụng sâu AI và marketing để tăng trưởng đột phá. Cùng với việc ứng dụng AI và dữ liệu lớn, 60% hiệu quả tạo ra trên nền tảng này có sự tác động của AI. Cứ một triệu hồ sơ ứng tuyển thì có khoảng 600.000 hồ sơ có sự tác động của AI. Sau khi ứng dụng nền tảng trên, khả năng kết nối của TopCV đã tăng lên hơn 500% so với trước đó.
Khi khách hàng nhiều lên sẽ tăng trưởng quy mô nhân sự, bên cạnh ngân sách, thì bài toán đặt ra cho AI và dữ liệu lớn là có giải quyết được vấn đề tối ưu về thời gian hay không… Để giải quyết vấn đề này, TopCV đã sử dụng công nghệ CV Parsing giúp giảm 90% thời gian nhập liệu cho nhân viên của doanh nghiệp.
Thông thường, một nhân viên có thể tốn mười đến mười lăm phút để nhập một hồ sơ xin việc CV lên hệ thống. Thì với sự hỗ trợ của AI, với sự hỗ trợ của CV Parsing, một phút hệ thống có thể nhập liệu được 10 đến 15 CV, thậm chí là nhiều hơn. Và nhập liệu với độ chính xác hơn 90%. Nhập liệu được cả CV tiếng Anh và tiếng Việt.
Được biết, TopCV đã sử dụng công nghệ AI do một doanh nghiệp Việt phát triển. Không chỉ được dùng trong nước, các giải pháp AI của Việt Nam còn được sử dụng ở nước ngoài. Như trợ lý AI cho bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, phát triển bởi VinBrain vừa được sử dụng tại Hệ thống Bệnh viện Nutex Health Inc ở Mỹ từ vài tháng nay.
Chính vì nhìn nhận AI sẽ ứng dụng rộng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, Tập đoàn VinGroup đã đầu tư rất nhiều tiền (các chuyên gia dự đoán hàng ngàn tỉ đồng) để nghiên cứu và phát triển AI trong vài năm qua. Công ty này đã chiêu mộ nhiều Việt kiều có tiếng đang làm việc cho các tập đoàn lớn tại Mỹ trong lĩnh vực này về làm việc. Năm ngoái VinAI đã nghiên cứu và ứng dụng thành công 2 sản phẩm hỗ trợ người lái xe, gồm hệ thống giám sát người lái và quan sát toàn cảnh 360 độ.
Theo kế hoạch vào cuối tháng 12 tới VinBigdata sẽ ra mắt sản phẩm ViGPT – “ChatGPT phiên bản Việt”, mở cho cộng đồng truy cập và thử nghiệm miễn phí. Với ViGPT, người dùng có thể hỏi đáp các thông tin mang tính đặc thù của Việt Nam (quy định, văn bản pháp luật…), hoặc các thông tin mang tính đặc trưng (lịch sử, địa lý, văn học…).
Trong khi đó, FPT cũng là một tập đoàn công nghệ đầu tư khá lớn cho phát triển các sản phẩm ứng dụng AI. Nói tại một sự kiện được tổ chức mới đây, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ của FPT cho biết từ năm 2022-2025 tập đoàn này sẽ đầu tư ít nhất 300 tỉ cho công nghệ này.
Trước đây, FPT cũng đã đầu tư khá lớn cho nghiên cứu và phát triển AI. Từ năm 2013, ngay khi AI còn là khái niệm rất mới ở Việt Nam, FPT đã đầu tư nghiên cứu, phát triển nó. Hiện hệ sinh thái AI của FPT có hơn 20 giải pháp đang phục vụ hơn 20 triệu người dùng cuối và 600 triệu lượt sử dụng/năm.
FPT cũng đã ứng dụng AI vào nghiên cứu phát triển công nghệ thông minh cho xe hơi. Bộ sản phẩm NextDrive ứng dụng AI là trợ lái đắc lực đồng hành và cảnh báo các nguy hiểm, hỗ trợ, giảm thiểu nguy cơ, đảm bảo an toàn trong khi lái xe. Hệ thống linh động tích hợp với nhiều loại phương tiện từ xe hơi, xe tải đến xe xây dựng và đã được nhiều hãng xe tích hợp vào sản phẩm của mình.
Ngoài VinGroup, FPT, hiện VNPT, Viettel, VNG và nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ khác cũng đang đầu tư mạnh mẽ để nghiên cứu phát triển sản phẩm dựa trên AI.
Cơ hội và thách thức
Tại một buổi họp báo của Bộ Khoa học và Công nghệ được tổ chức mới đây, ông Bùi Thế Duy, thứ trưởng Bộ này cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển AI. Tuy nhiên, số lượng chuyên gia của Việt Nam trong lĩnh vực này không nhiều. Chúng ta cũng không có hạ tầng siêu tính toán mạnh như ở các quốc gia phát triển. Vấn đề cơ sở dữ liệu cho phát triển AI cũng là một rào cản… Đây là những lý do dẫn đến Việt Nam còn có khoảng cách nhất định so với các quốc gia khác trên thế giới về phát triển, nghiên cứu và ứng dụng AI.
Cũng nói về nội dung này khi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Kim Anh, Giám đốc sản phẩm của VinBigdata, cho rằng việc triển khai AI tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức như hạn chế về nguồn lực, cơ sở hạ tầng, nhân lực chuyên môn…
Dẫn số liệu báo cáo về chỉ số sẵn sàng AI năm 2022 cho biết, Việt Nam được xếp hạng 55 toàn cầu. Trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Ông Kim Anh cho rằng kết quả này cho thấy Việt Nam vẫn cần quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng AI.
Theo ông Kim Anh, Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong đi tắt đón đầu trong “cuộc đua” AI bởi sở hữu đội ngũ nhân lực trẻ với nền tảng toán học và kỹ thuật tốt. Cùng với sự hỗ trợ và chung tay từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng nắm bắt được tiềm năng phát triển ngành công nghiệp AI.
Cung cấp thông tin cho báo chí tại FPT Techday 2023 được tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud, cho rằng Việt Nam không bị lạc hậu ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo mà chỉ đi sau một chút so với các quốc gia khác. Nếu so sánh khoảng cách về sự phát triển kinh tế với lĩnh vực AI thì khoảng cách ở lĩnh vực AI được đánh giá là ngắn hơn rất nhiều.
Ông Việt cho rằng Việt Nam có thuận lợi khi phát triển AI là nhận thức của người dùng, họ sẵn sàng chấp nhận, tò mò và thích thú sản phẩm công nghệ AI cung cấp. Doanh nghiệp cũng nhận thức được việc ứng dụng AI sẽ tốt cho họ… từ đó tạo ra nhu cầu.
Nhưng khó khăn lớn nhất, theo ông Việt là công nghệ AI không thể đứng một mình – phải tích hợp vào một ứng dụng nào đó nhằm triển khai dịch vụ. Điều này đòi hỏi phải có sự trưởng thành nhất định về hệ thống thông tin của doanh nghiệp. Về mặt này, Việt Nam chưa được tốt nhưng mọi thứ đang thay đổi khá nhanh. Việt Nam cũng chưa có những cơ sở hạ tầng tính toán mạnh. Dữ liệu còn phân mảnh và chưa có được nguồn dữ liệu chất lượng để AI học một cách chính xác hơn.
Sở hữu nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, GS Nguyễn Tiến Dũng – CEO Torus AI, nhìn nhận điểm mạnh lớn nhất của Việt Nam hiện nay là có một đội ngũ nghiên cứu trẻ về AI được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Việt Nam cũng đứng thứ hai Đông Nam Á về số lượng bằng sáng chế AI.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng đầu tư cho AI tại Việt Nam còn đối mặt với một số thách thức như hạ tầng dữ liệu và tính toán mới đang ở mức sơ khởi. Dữ liệu dù có rất nhiều nhưng lại rải rác ở khắp nơi và nếu có dữ liệu thì chủ yếu chỉ ở dạng thô, chưa được xử lý và chuẩn hóa. Ông cho rằng Việt Nam phải tăng cường đầu tư vào hệ sinh thái AI như: điện toán đám mây, dữ liệu, thuật toán học máy, hệ thống luật lệ, chính sách…
Cũng chia sẻ tại FPT Techday, tiến sĩ Andrew Ng, nhà khoa học nằm trong top 100 chuyên gia về AI của thế giới cho biết ông lạc quan về tương lai của AI tại Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư AI rất tiềm năng. Do vậy, Landing AI – công ty do ông sáng lập tại Mỹ có nhiều tiềm năng hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo với các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Vị tiến sĩ trên còn cho rằng, thị trường AI có đủ cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp từ tên tuổi cho đến cả các doanh nghiệp mới. Các ứng dụng AI chắc chắn sẽ còn thành công và phổ biến hơn nữa, đem đến nhiều nguồn thu hơn cho các doanh nghiệp trong tương lai. Tương lai của sự phát triển AI tại Việt Nam sẽ rộng mở.
Cùng chung quan điểm trên, cung cấp thông tin cho báo chí, ông Cao Xuân Hoài Vương, Chủ tịch AI Next Global, cho rằng AI đang thay đổi cuộc đua giữa các doanh nghiệp. Cơ hội không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn mà dành cho ai nhanh chân hơn. Những doanh nghiệp ứng dụng AI muộn sẽ bị tụt lại trong việc phát triển và thu hút nhân tài, bởi những doanh nghiệp đi trước đã nắm bắt được các cơ hội.
Ông Nguyễn An Nguyên, giám đốc điều hành của Trusting Social thì tin rằng, AI thậm chí có thể tạo ra một “nền kinh tế” mới tại Việt Nam và thay đổi hầu hết các ngành.
Các chuyên gia công nghệ cho rằng, AI là “trái tim” và “bộ não” của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, AI cũng sẽ là trung tâm của lĩnh vực kinh tế số.
Chính vì xác định AI là quan trọng, nên từ tháng 1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Chiến lược này được đưa ra với mục tiêu đưa công nghệ mới này trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI.
Bên cạnh đó, tháng 1-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chiến lược phát triển AI đến năm 2030 – xác định tầm nhìn đến năm 2030 AI ứng dụng được áp dụng rộng rãi trong kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Hình thành lực lượng lãnh đạo, người lao động có tư duy AI và kỹ năng trong việc sử dụng công nghệ này.
Tại hội nghị quốc tế “Dữ liệu mở và trí tuệ nhân tạo – Động lực tăng trưởng kinh tế” tổ chức gần đây, ông Nguyễn Huy Dũng, thứ trưởng của Bộ này đã cho biết Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số mạnh mẽ. Chúng ta có 98,5 triệu dân, trong đó 85% dân số có điện thoại thông minh và gần 80% dân số có kết nối Internet. Cơ cấu dân số trẻ, tuổi sẽ tạo ra ra một thế hệ công dân số.
“Việt Nam sẽ chọn cách đi bằng dữ liệu mở và trí tuệ nhân tạo để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cùng tham gia sáng tạo giá trị mới. Quá trình này sẽ giải quyết các bài toán mà trước đây không thể thực hiện được, đưa ra các giải pháp để tạo nên lợi thế cạnh tranh mới cho đất nước. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên việc thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho nó,” ông Dũng nói.
Trong khi trả lời phỏng vấn truyền hình nước ngoài vào đầu tháng 11, ông Ranjan Sharma, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn cổ phần TMT ASEAN tại Ngân hàng JPMorgan đánh giá cao sự đầu tư và phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực AI so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ông cho rằng Việt Nam có tầm nhìn dài hạn hơn về AI so với Malaysia và Philippines.
Theo báo cáo của Oxford Insights công bố vào tháng 2-2023, chỉ số sẵn sàng cho công nghệ AI của Việt Nam đã đạt mức gần 52/100, tăng 14 bậc so với trước và vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72.
Vân Ly TBKTSG
|