Mở rộng sân bay sẽ tạo cú huých dành cho ngành du lịch và chuỗi cung ứng?
Trên khắp thế giới, du khách đến làm thủ tục tại các ki-ốt ở sân bay, gửi hành lý và đi qua cổng lên máy bay. Trong quá trình này, họ không cần đến sự hỗ trợ của nhân viên sân bay, bà Đỗ Diệu Huyền chia sẻ, đồng thời đặt câu hỏi tại sao thói quen tự phục vụ này lại không có ở Việt Nam.
Bà Huyền đang góp phần làm thay đổi thực trạng này trong vai trò là một chuyên gia vận hành tại Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV). Nâng cấp công nghệ chỉ là một phần trong kế hoạch quốc gia nhằm xây dựng và nâng cấp các sân bay trên cả nước. Thông qua việc mở rộng và nâng cấp mạng lưới sân bay, Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo cú huých về du lịch và dòng chảy thương mại.
Trong quy hoạch tổng thể về phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, Việt Nam muốn sở hữu 30 sân bay vào năm 2030, tăng từ mức 23 sân bay tại thời điểm này. Những người ủng hộ kế hoạch này cho rằng việc xây dựng và nâng cấp sân bay phải bắt kịp với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và lĩnh vực sản xuất.
“Điều này tạo lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời góp phần vào chuỗi cung cứng và cơ sở hạ tầng xuất khẩu”, bà Huyền chia sẻ.
Hiện tại các sân bay của Việt Nam thường xuyên trong tình trạng quá tải. Tại sân bay Tân Sơn Nhất ở Tp.HCM (sân bay lớn nhất nước), hành khách thường xuyên phải đi xe buýt ra máy bay do thiếu cổng. Khách du lịch mất hàng giờ để kiểm tra an ninh và hộ chiếu.
Đó là do các sân bay đều đang hoạt động vượt công suất. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chính sự thiếu hiệu quả ở các sân bay đang kìm hãm nền kinh tế.
Tình trạng hoãn chuyến làm tốn nhiên liệu và thời gian, đồng thời gây cản trở việc vận chuyển hàng hóa. Đây là một thách thức lớn khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua đường hàng hóa của Việt Nam được dự báo gấp 2.7 lần mức hiện nay, Cục Thương mại Quốc tế Mỹ cho biết.
Bà Huyền cho biết sắp tới ACV sẽ xây dựng một nhà ga hàng hóa ở Hải Phòng – nơi có nhà máy của các nhà cung ứng cho Apple và cả hãng xe điện VinFast, cũng như một cảng biển lớn phục vụ cho hoạt động thương mại với Trung Quốc và các đối tác khác.
Quy hoạch tổng thể hàng không của Việt Nam nhằm vào hai lĩnh vực: Chuỗi cung ứng chuyển dịch đến Việt Nam và ngành du lịch.
Ngành du lịch Việt Nam vẫn đang phục hồi sau COVID-19. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều du khách đến đất nước hình chữ S, giới chức Việt Nam cũng không muốn du khách thấy cảnh quá tải và chật ních người ở các sân bay.
Theo quy hoạch tổng thể, Việt Nam sẽ mở rộng sân bay ở Hà Nội, xây dựng nhà ga thứ ba tại Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành. Tờ Nikkei dẫn lại nguồn tin thân cận cho biết thách thức lớn nhất của sân bay này là việc kết nối hiệu quả với Tp.HCM – nơi cách sân bay Long Thành khoảng 40 km – và nhờ đó, các hãng hàng không sẽ không từ chối bay tới đó. Nguồn tin này cũng cho biết hầu hết các sân bay của Việt Nam đều đang quá tải.
Tuy vậy, nhiều người tỏ ra lo ngại lượng khí thải từ các máy bay sẽ tác động tiêu cực tới mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Science, lượng khí thải carbon từ các chuyến bay gấp 100 lần so với lượng khí thải từ tàu hỏa, xe buýt hoặc ô tô.
Giảng viên Đại học Giao thông Vận tải Nguyễn Minh Hiếu nói với Nikkei: “Khi các sân bay liên tục được xây dựng ở các tỉnh, thành lân cận, vận tải hàng không giữa các tỉnh này sẽ làm tăng lượng khí thải”.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|