Doanh nghiệp Việt vẫn dè dặt trong kinh doanh
Doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều thách thức do kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, chiến tranh thương mại căng thẳng, giá năng lượng thất thường…
Dù kinh tế đã có chuyển biến tích cực nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn rất cẩn trọng cho chiến lược kinh doanh trong năm 2024.
Vẫn còn nhiều thách thức
Vượt qua giai đoạn khó khăn của năm 2023 khi vẫn có đủ đơn hàng sản xuất, giữ chân được người lao động và kinh doanh có lời trong bối cảnh kinh tế suy yếu nhưng ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty Agrex Saigon, chuyên về xuất khẩu thực phẩm đông lạnh đánh giá bước sang năm 2024 vẫn có nhiều rào cản, thách thức.
“Chính phủ đã rất nỗ lực hỗ trợ cho DN kinh doanh với chi phí hợp lý và gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường thông qua kiểm soát tốt lạm phát, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), ổn định tỉ giá cũng như đảm bảo lãi suất vay hợp lý. Tuy nhiên, về thị trường quốc tế, công ty chỉ mới nhận được đơn hàng xuất khẩu trong hai tháng đầu năm 2024, điều chưa từng có trước đây. Vì thông thường vào cuối năm đã nhận đơn hàng sản xuất đủ cho cả năm mới” - ông Long cho biết.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Long là do các đối tác vẫn còn hàng tồn kho. Mặt khác, kinh tế các nước vẫn đang chịu áp lực về lạm phát cao nên người tiêu dùng tiết kiệm trong việc chi tiêu. Đặc biệt, dù Công ty Agrex Saigon có những đối tác ở thị trường châu Âu (EU) nhưng do kinh tế khu vực này còn yếu, người tiêu dùng ưu tiên mua hàng hóa thiết yếu và giảm chi tiêu đối với các loại hàng hóa khác.
Tương tự, một ông lớn trong ngành may mặc là Công ty Thành Thành Công cho biết xuất khẩu dệt may Việt Nam sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc, Anh có xu hướng phục hồi trong những tháng gần đây. Tuy vậy, đơn hàng vẫn ít so với những năm trước đây do tình hình kinh tế phục hồi chậm.
“Chúng tôi vẫn chưa nhận đủ đơn hàng cho cuối năm nên hoạt động chưa hết công suất. Hiện công ty chỉ mới nhận khoảng 75% đơn hàng cho quý cuối cùng của năm nay và đã nhận đơn hàng cho quý I năm sau” - đại diện Công ty Thành Thành Công cho hay.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba), dù tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều thuận lợi hơn nhưng nhiều công ty thuộc một số ngành nghề vẫn có những khó khăn nhất định trong kinh doanh. Khó khăn lớn nhất của DN hiện nay vẫn là đơn hàng sụt giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn đã góp phần làm tăng tồn kho ngoài dự kiến, ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra, sự kết hợp giữa lực cầu suy yếu, lạm phát cao và gánh nặng nợ đã tạo nên khó khăn thực sự cho không ít công ty.
Chẳng hạn, các DN trong một số ngành như vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, gỗ vẫn trong tình trạng khan hiếm đơn hàng. DN thương mại khó khăn do nhu cầu thị trường yếu. Sự đóng băng của thị trường bất động sản khiến cho các DN xây dựng không có đơn hàng, kinh doanh đình đốn.
Triển vọng kinh doanh cho năm mới
TS Nguyễn Xuân Thành, ĐH Fulbright Việt Nam, cho biết nếu nhìn về nửa đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam sẽ có các tác động tích cực dựa trên động lực xuất khẩu. Lĩnh vực này không chỉ phục hồi mà còn tăng trưởng dương.
Cụ thể tháng 10 năm nay, xuất khẩu đang dương 5,9% so với cùng kỳ. Tồn kho của Mỹ đã bắt đầu giảm so với thời kỳ đầu năm nên các đơn hàng xuất hiện trở lại. Do đó, thời gian còn lại của năm 2023, xuất khẩu sẽ tích cực. Bước sang năm sau, xuất khẩu sẽ tăng trưởng 5%-7%.
“Động lực thứ hai cho nền kinh tế chính là giải ngân đầu tư công đã có sự hiệu quả, điều này sẽ tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành nghề kinh doanh từ đây cho đến cả năm sau. Ngoài ra, nếu Quốc hội bấm nút quyết định giảm 2% thuế VAT cho sáu tháng đầu năm 2024 theo đề xuất của Chính phủ cũng được xem là cú hích cho kinh tế trong năm mới. Vì việc miễn, giảm thuế VAT sẽ đi vào cuộc sống nhanh, vừa giúp tăng chi tiêu của người dân, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vì giảm chi phí kinh doanh và tăng lợi nhuận cho DN” - ông Thành nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải đánh giá năm 2024 vẫn còn nhiều áp lực cho kinh doanh nhưng những gì xấu nhất đã đi qua. Chẳng hạn, lạm phát ở nhiều nước vốn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang dần hạ nhiệt khiến người tiêu dùng tự tin hơn trong chi tiêu, qua đó mua hàng hóa nhiều hơn. DN có đầu ra sẽ tăng sản xuất, tuyển dụng nhiều hơn, thu nhập của người lao động cao hơn và tác động trở lại tiêu dùng.
“Mỹ cũng đã bắt đầu tính toán cắt giảm lãi suất, qua đó giúp tỉ giá của Việt Nam không còn căng thẳng như trước. Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Các yếu tố này sẽ giúp sản xuất, xuất khẩu phục hồi và qua đó DN kinh doanh thuận lợi hơn và lợi nhuận” - ông Hải nói.
Còn ông Đỗ Hòa, Giám đốc điều hành Công ty Tinh Hoa Quản Trị, lưu ý để tiếp tục đạt động lực tăng trưởng trong năm mới, DN Việt cần chú ý đến xu hướng xanh, các sản phẩm mang tính hữu cơ; các hoạt động kinh doanh phải áp dụng công nghệ số, cũng như cần chú ý các rào cản kỹ thuật các nước đặt ra để có phương pháp phù hợp khắc phục.
Hỗ trợ tạo dòng tiền cho nhà kinh doanh
Trước tình hình khó khăn của các DN, mới đây Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ DN sớm phục hồi.
Theo đó, trước mắt cần tập trung vào hỗ trợ dòng tiền thông qua hỗ trợ tiếp cận vốn và giãn, giảm chi phí cho DN. Cụ thể Chính phủ có thể tập trung trọng tâm thực hiện các chính sách giúp DN tiếp cận vốn hiệu quả; giãn, giảm chi phí, tạo dòng tiền ngắn hạn ít nhất trong nửa cuối năm nay hoặc nửa đầu năm sau tùy độ trễ của chính sách theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Cùng với đó giảm lãi suất cho vay, nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho các DN; ưu tiên lãi suất thấp hơn cho các nhà xuất khẩu, các DN vừa và nhỏ. Các ngành có nhiều rủi ro cần chấp nhận lãi suất cao hơn.
Ban IV cũng đề xuất xem xét đẩy mạnh đầu tư công, tập trung vào các cơ sở hạ tầng lớn, vừa để hỗ trợ các DN ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, vừa nâng cao năng lực của quốc gia; chú trọng phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu thực của người lao động và hỗ trợ các DN bất động sản; tháo gỡ vướng mắc trong hoàn thuế giá trị gia tăng cho các DN, đặc biệt là trong các ngành gỗ, sắn, cao su... để DN có thể quay vòng vốn, duy trì xuất khẩu.
|
PHƯƠNG MINH
Pháp luật TPHCM
|