Sẽ có làn sóng khách Trung Quốc, Ấn Độ… tới TP HCM?
Du lịch TP HCM kỳ vọng sẽ đón lượng khách lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc trong năm 2024 sau giai đoạn đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá tới các thị trường này.
Sở Du lịch TP HCM vừa có báo cáo về tình hình phát triển du lịch năm 2023 và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch năm 2024.
Theo đó, dự kiến trong năm 2023, ngành du lịch TP HCM sẽ hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm là đón khách quốc tế khoảng 5 triệu lượt, khoảng 35 triệu lượt khách nội địa và tổng thu du lịch ước đạt 160.000 tỉ đồng.
Sở Du lịch thành phố cho biết trong năm nay công tác phát triển sản phẩm du lịch tiếp tục được triển khai với điểm nhấn là "mỗi quận, huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng"; thúc đẩy du lịch văn hóa lịch sử; du lịch đường thủy; du lịch y tế; du lịch MICE; nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực… góp phần gia tăng sức hấp dẫn điểm đến thành phố.
Du lịch TP HCM đang nỗ lực xây dựng sản phẩm hấp dẫn để đón khách
|
Sau COVID-19, khủng hoảng tài chính trên thế giới dự kiến nhu cầu đi du lịch, vui chơi giải trí của khách du lịch quốc tế sẽ suy giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch Việt Nam trong đó có TP HCM. Tuy nhiên, từ những kết quả trong năm nay cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch trong nước.
Đặc biệt, sau tín hiệu mở cửa của Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc…, TP HCM đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại những thị trường này, mở rộng hoạt động du lịch quốc tế.
"Từ năm 2024, tất cả hoạt động du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ có liên quan được khôi phục và ngành du lịch TP HCM kỳ vọng sẽ đón lượng khách lớn từ những thị trường trên, góp phần phát triển mạnh ngành du lịch", lãnh đạo Sở Du lịch thành phố nói.
Năm sau, dự kiến ngành du lịch thành phố sẽ đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế; 38 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ du lịch ước đạt khoảng 190.000 tỉ đồng. Để đạt mục tiêu này, liên quan xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng của thành phố, ngành du lịch sẽ tập trung hoàn thiện, nâng chất những sản phẩm hiện có như du lịch cộng đồng theo hướng hỗ trợ, quảng bá, xúc tiến điểm đến, sản phẩm cho người dân làm du lịch. Thiềng Liềng, Thạnh An và Cần Giờ sẽ được phát triển thành sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng, giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng…
Những sản phẩm du lịch phục vụ thị trường khách có khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn khách lớn, chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như du lịch MICE, golf, du lịch tàu biển… sẽ được chú trọng, bên cạnh hoàn thiện sản phẩm du lịch của 21 quận huyện và TP Thủ Đức.
Thái Phương, Ảnh: Hoàng Triều
Người lao động
|