Chủ Nhật, 19/11/2023 21:00

Trương Mỹ Lan cùng các lãnh đạo Tường Việt rút của SCB gần 1.8 ngàn tỷ đồng như thế nào?

Qua lời khai, Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Tường Việt cho biết đã cùng bà Trương Mỹ Lan lập kế hoạch để rút của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) số tiền 1,746.5 tỷ đồng.

Bị can Dương Tấn Trước, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Tường Việt khai đã quen biết Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTPGroup) từ cuối năm 2020, quá trình tiếp xúc Trương Mỹ Lan biết Dương Tấn Trước là người am hiểu về việc triển khai các dự án bất động sản nên muốn chuyển nhượng lại cho ông Trước và Công ty Tường Việt dự án Thanh Yến với giá 2,500 tỷ đồng, tuy nhiên ông Trước không phải thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB để nhận nợ, nhưng bà Lan yêu cầu sổ tiền nhận nợ sẽ là 3,500 tỷ đồng trong đó 2,500 tỷ đồng là tiền nhận chuyển nhượng dự án, 1,000 tỷ đồng bà Lan sử dụng và có trách nhiệm trả SCB.

Sau khi trao đổi với Trương Mỹ Lan và Trương Khánh Hoàng, Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB nội dung như trên, ông Trước đã nói lại với Cao Việt Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Tường Việt và được Dũng đồng ý. Để thực hiện hồ sơ vay vốn, Dương Tấn Trước giao cho nhân viên của Công ty Tường Việt liên hệ với ông Hoàng và Trần Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB để phối hợp nhân viên Ngân hàng SCB thực hiện với phương án sử dụng hai Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh lập khống hồ sơ 2 khoản vay 3,500 tỷ tại Ngân hàng SCB.

Ngày 19/05/2022, Ngân hàng SCB giải ngân số tiền 3,500 tỷ đồng, Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh ký nhận nợ, số tiền 3,500 tỷ đồng, sau khi giải ngân tiền được chuyển lòng vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân, Công ty thuộc nhóm Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau của bà Lan.

Dương Tấn Trước khai, sau khi thực hiện 2 khoản vay nêu trên, Trương Mỹ Lan chỉ đạo bà Dung làm hồ sơ cho Tường Việt vay 1,500 tỷ đồng (tiền gốc, lãi Trương Mỹ Lan là người chịu trách nhiệm trả), một phần đưa Dương Tấn Trước, một phần khoản vay Trương Mỹ Lan sử dụng vào các công việc khác. Bà Dung đã truyền đạt/chỉ đạo CBNV Ngân hàng SCB tiếp nhận, thẩm định, duyệt vay, quyết định cho Công ty Tường Việt vay trong khi Công ty này không có tài sản đảm bảo.

Để thực hiện khoản vay trên, ông Trước báo cáo ông Dũng về việc chuyển sang làm hạn mức để vay vốn tại Ngân hàng SCB để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù thời điểm này Công ty Tường Việt không có phương án kinh doanh, chưa có nhu cầu vay tiền, không có tài sản để đảm bảo cho khoản vay, nhưng nghe ông Trước báo cáo thì ông Dũng đồng ý. Sau đó với tư cách là Chủ tịch HĐTV, Người đại diện pháp luật, ông Dũng đã ký Biên bản họp HĐTV Công ty Tường Việt đồng ý việc vay vốn tại Ngân hàng SCB để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong khi thực sự chưa có nhu cầu vay vốn, không có phương án kinh doanh. Sau đó, ông Dũng còn ký Thỏa thuận cấp hạn mức tín dụng đề ngày 10/06/2021 với hạn mức 1,000 tỷ đồng, thỏa thuận này sau đó được ông Dũng ký lại với hạn mức 1,500 tỷ đồng, thay thế hạn mức 1,000 tỷ đồng nhưng vẫn đề lùi ngày 10/06/2021. Do thỏa thuận Trương Mỹ Lan đưa cho Dương Tấn Trước 1,500 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm 06/07/2022, ông Trước mới nhận được 1,498 tỷ đồng, trong số tiền này Dương Tấn Trước thực nhận 1,258 tỷ đồng còn 240 tỷ đồng sau khi giải ngân Trương Mỹ Lan sử dụng. Để đảm bảo thỏa thuận đưa đủ cho ông Trước 1,500 tỷ đồng, bà Lan chỉ đạo Trần Thị Mỹ Dung lập khoản vay hạn mức 250 tỷ đồng cho Công ty Việt Đức (thuộc nhóm Tường Việt) để rút tiền cho Trước.

Để thực hiện khoản vay trên, ông Trước chỉ đạo các nhân viên công ty lập khống các hợp đồng mua bán giữa các công ty trong nhóm Tường Việt để hợp thức phương án vay. Ngày 18/08/2022, Ngân hàng SCB Chi nhánh Chợ Lớn ký Thỏa thuận cho Công ty Việt Đức vay 248.5 tỷ đồng.

Như vậy, thông qua hai khoản vay, Công ty Tường Việt và Công ty Việt Đức, đã rút của Ngân hàng SCB số tiền 1,746.5 tỷ đồng, số tiền rút ra Trương Mỹ Lan và Dương Tấn Trước cùng sử dụng (Trương Mỹ Lan sử dụng 240 tỷ đồng, Dương Tấn Trước sử dụng 1,368.5 tỷ đồng, Công ty Tường Việt dùng cho hoạt động 138 tỷ đồng).

Sau khi vụ án được khởi tố vào ngày 17/10/2022, Dương Tấn Trước và Công ty Tường Việt đã trả một phần gốc, lãi của khoản vay để khắc phục hậu quả, đến nay còn dư nợ 2 khoản vay 901 tỷ đồng (gồm dư nợ gốc của là 788.7 tỷ đồng và dư nợ lãi 112.3 tỷ đồng); trong đó có số tiền 240 tỷ đồng Trương Mỹ Lan sử dụng.

Ngoài ra, Dương Tấn Trước còn nhận của Trương Mỹ Lan 2,697 tỷ đồng, trong số này ông Trước đã đưa lại Trương Mỹ Lan 492.5 tỷ đồng (thông qua Trương Huệ Vân), đến nay còn 2,205 tỷ đồng, Dương Tấn Trước xin tự nguyện trả lại toàn bộ số tiền này cho Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả của vụ án. Ông Trước nhận thức được sai phạm của mình, mong muốn được cùng gia đình sử dụng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả vụ án.

Chủ tịch Cao Việt Dũng nói gì?

Còn về phía ông Cao Việt Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Tường Việt khai vào khoảng tháng 3, 4/2021, ông Trước có báo cáo Cao Việt Dũng về việc chuyển sang làm hạn mức để vay vốn tại Ngân hàng SCB để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù thời điểm này Công ty Tường Việt không có phương án kinh doanh, chưa có nhu cầu vay tiền, không có tài sản để đảm bảo cho khoản vay, nhưng nghe Dương Tấn Trước báo cáo thì Cao Việt Dũng đồng ý.

Sau đó là các tình tiết liên quan về khoản vay theo lời khai của ông Trước ở trên. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết là đã nhận của Trương Mỹ Lan 36.5 triệu cổ phần của Ngân hàng SCB (tương đương 365 tỷ đồng theo mệnh giá), ký hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần nhưng chưa thanh toán tiền. Cao Việt Dũng xin tự nguyện trả lại toàn bộ số cổ phần này cho Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả của vụ án.

Hà Lễ

FILI

Các tin tức khác

>   TP Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh logistics (18/11/2023)

>   Công an TP HCM cảnh báo chiêu lừa mới (17/11/2023)

>   88% doanh nghiệp xuất khẩu chưa biết về Thoả thuận Xanh EU (17/11/2023)

>   Cần Thơ: Nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư FDI ngành công nghiệp (17/11/2023)

>   Đề nghị kỷ luật Bí thư Quảng Nam Phan Việt Cường (16/11/2023)

>   Khởi tố, truy nã Chủ tịch HĐQT Công ty mua bán nợ DSP (16/11/2023)

>   Đất hiếm là “con át chủ bài” để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (16/11/2023)

>   Việt Nam là quốc gia nằm trong chiến lược kinh doanh đặc biệt của Apple (16/11/2023)

>   Công an khám xét ngôi nhà liên quan đến ông Lưu Bình Nhưỡng ở Thái Bình (16/11/2023)

>   Khi thương mại mạng xã hội lên ngôi (16/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật