Khi thương mại mạng xã hội lên ngôi
Trong 3 ngày (từ 19 đến 21/10), lần đầu tiên, tại Cần Giờ, TP.HCM đã diễn ra ngày hội “Ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng OCOP của TP.HCM thông qua hình thức thương mại điện tử (TMĐT) - trên nền tảng mạng xã hội”. Ngày hội đã tiếp cận 16 triệu người với hơn 350,000 người xem phiên live bán hàng, thu về gần 1 tỷ đồng.
Cũng là lần đầu tiên, những đặc sản từ dân giã như bánh tráng Củ Chi đến đắt giá như yến đảo Cần Giờ đã được các tiktoker, KOLs… đăng đàn livestream bán hàng. Bình quân cho mỗi lần lên sóng là 5 tiếng đồng hồ đã đạt doanh thu cao gấp 10 lần so với ngày thường và cao hơn nhiều so với… người thường (chứ không phải người có ảnh hưởng trên các nền tảng số).
Thực tế sống động này đã mở ra “tia sáng” cho bức tranh kinh doanh xám màu, dù đã về gần cuối năm, chuẩn bị vào mùa vụ lễ Tết. Mặc cho những biến động, khó khăn của hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng yếu thì tại Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, TMĐT vẫn giữ tăng trưởng ổn định với 22.66% trong 3 quý đầu 2023.
Điều đáng nói là ngay trong thị trường có sức tăng trưởng mạnh mẽ ấy đã diễn ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt, dẫn tới số lượng shop có lượng hàng hoá bán được trên các sàn TMĐT đã giảm trong khi số lượng shop trên nền tảng Tiktok lại tăng. Và rõ ràng, đó là chỉ dấu cho thấy dù ra đời muộn hơn nhưng Tiktok Shop đã vượt mặt Lazada để trở thành sàn TMĐT lớn thứ 2 Việt Nam với 16% thị phần, doanh thu hàng hóa đạt khoảng 10,000 tỷ đồng với 90,000 shop tham gia.
Đặc biệt, Tiktok Shop đã khởi tạo một khái niệm mới là Social Commerce (thương mại mạng xã hội), với hình thức livestream bán hàng, thu hút và giữ chân khách hàng, người tiêu dùng một cách ngoạn mục. Chưa kể cộng thêm xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment) đã và đang “lên ngôi” thị trường.
Một nghệ sĩ có tên tuổi nói với chúng tôi, mỗi phiên livestream cô được trả 12-15 triệu, rao mấy câu đơn giản theo yêu cầu của chủ shop cộng với ca hát vài bài, vài câu, tạo tương tác với khách hàng. Công việc không nhọc lắm, lại đem đến thu nhập khá cao so với mặt bằng cát sê hiện nay, lại quá ít suất hát nên đây là nguồn thu nhập chính của cô.
Với tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Nền tảng số liệu thị trường Metric vừa phát hành báo cáo thị trường TMĐT quý 3/2023, theo đó 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu trên các sàn TMĐT đạt 163,000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 cao hơn năm 2022 là 7%, tương đương hơn 10,000 tỷ đồng.
Nắm bắt xu hướng thương mại mới này, UBND TP HCM đã sớm ban hành Kế hoạch số 2450/KH-UBND về phát triển TMĐT trên địa bàn thành phố. Động thái này cho thấy sự chuyển động của nền kinh tế số, trong đó chính quyền thành phố hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp, người tiêu dùng tham gia giao dịch TMĐT, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá, phân phối…
Sau cú “lên sóng” thành công ngoài mong đợi ở Cần Giờ, huyện đảo này đã chọn Bình Khánh - xã gần trung tâm TP.HCM nhất làm “xã thương mại điện tử”. Ngoài 18 sản phẩm OCOP đã lên sàn, sắp tới huyện sẽ có thêm 22 sản phẩm chuẩn bị chào bán trên “sóng” TMĐT. Lãnh đạo Cần Giờ mạnh mẽ cam kết “không thể nào đứng ngoài chuyển đổi số và TMĐT”!
Hoặc, thành phố cũng đang tính toán hỗ trợ tiểu thương chợ Bến Thành áp dụng hình thức livestream bán hàng nhằm tiếp cận nhanh, nhiều hơn nữa các tệp khách hàng ở nhiều địa phương lẫn khu vực, quốc tế. Sở Công thương TP.HCM mới đây đã cho hay, từ nay đến cuối năm sở sẽ tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo, hỗ trợ tiểu thương các chợ truyền thống tiếp cận với phương thức kinh doanh mới trên chợ online cũng như đa dạng kênh tiếp cận với khách hàng. Trong đó, ưu tiên áp dụng mạnh chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh để phù hợp với thị hiếu và xu hướng mua sắm mới.
Thậm chí gần đây nhất, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã đề xuất mỗi quận, huyện trên địa bàn thành phố nên lập một chợ online để hỗ trợ doanh nghiệp, tiểu thương vượt qua khó khăn. “Thay vì Nhà nước đầu tư xây dựng các chợ truyền thống để tiểu thương bán hàng thì nay có thể mở chợ online để các doanh nghiệp, tiểu thương tham gia. Điều này phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử hiện nay” - đại diện Hiệp hội nêu quan điểm.
Tất nhiên, từ ý tưởng, đề xuất đến thực tế vận hành là không đơn giản bởi ngoài nền tảng công nghệ, kỹ thuật lẫn kỹ năng bán hàng thì còn cả một “rào cản” đến từ vấn đề kho bãi (chứa, cất, bảo quản hàng hóa), thiết lập lưu thông để làm sao đạt được tính năng nhanh nhất, rẻ nhất và đảm bảo chất lượng hàng hóa khi “ship” đến cho khách hàng.
Nhưng dù sao cũng ghi nhận một nhu cầu thị trường đang đòi hỏi và những nỗ lực nhằm đáp ứng, cạnh tranh của chính quyền lẫn doanh nghiệp.
Quốc Học
FILI
|