Khoa học thần kinh – cách mạng hay mới chỉ là bước đầu? Cảm xúc, ý thức liệu có phải chỉ đơn giản là một trong những chức năng của não bộ? Từ nhiều thế kỷ nay, các nhà khoa học và cả triết gia không ngừng tìm hiểu về mối quan hệ giữa cơ thể và tinh thần, giữa vật chất và ý thức, hay giữa não bộ và suy nghĩ. Tuy nhiên, chỉ từ những năm 1980-1990 trở đi, khi những tiến bộ công nghệ cho phép chụp ảnh cắt lớp não, các nhà khoa học mới có thêm hy vọng giải mã được những bí ẩn trong não bộ con người.
Những hình ảnh chụp được dường như cho phép chúng ta nhận thấy trong thời gian thực não bộ của một người khỏe mạnh vận hành thế nào. Các chuyên gia tâm lý thần kinh thậm chí yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số thao tác cụ thể để nghiên cứu những phản ứng điện hóa học trong não. Cuộc cách mạng kỹ thuật này được cải thiện thêm với những tiến bộ công nghệ máy tính. Những dữ liệu do các nhà toán học, nhà thống kê học và kỹ sư máy tính thu thập ngày càng được sử dụng để giúp các chuyên gia tâm lý thần kinh phân tích não bộ con người.
Những năm 1990 được gọi là “thập kỷ của não bộ”, theo lời của tổng thống Mỹ thời đó George W. Bush. Nghiên cứu khoa học tiếp tục đem lại những khám phá mới về sự linh hoạt của não bộ hay những yếu tố thần kinh của các bệnh thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như bệnh Huntington.
Kỳ vọng về một cuộc cách mạng
Đặc biệt, từ nhiều năm trở lại đây, ngành khoa học thần kinh đang nổi lên như một ngành khoa học vô cùng hứa hẹn, thu hút sự chú ý của giới khoa học và chính trị. Ngành khoa học này tập trung vào nghiên cứu hoạt động và các hình thức thể hiện của hệ thống thần kinh, ví dụ như phần nào của não bộ chỉ huy những hoạt động nhận thức cụ thể (như ghi nhớ, lập luận, nói, cảm nhận…) hay vai trò của những yếu tố sinh học đối với trạng thái tâm thần cá nhân.
Nhờ vào những tiến bộ kỹ thuật chụp cắt lớp sọ não, các nhà khoa học hiểu rõ hơn cơ chế vận hành của não bộ, tạo ra những tiến bộ đáng kể trong việc nghiên cứu nhận thức hay trí nhớ con người, cũng như phát hiện ra những nền tảng tự nhiên của năng lực xã hội như sự gắn bó, lòng cảm thông hay lòng tin. Không chỉ thế, khoa học thần kinh cũng đang giúp tìm ra cách điều trị những căn bệnh tâm thần.
Ngành khoa học này cũng không còn xa lạ với công chúng, khi tin tức về các kết quả nghiên cứu khoa học thần kinh đầy ấn tượng không phải là hiếm, như hoạt động và cấu trúc não bộ có thể cho phép hiểu tại sao người ta bầu cho ứng cử viên tổng thống này mà không phải người khác, hay tại sao chúng ta thích nhận tiền hơn là nhận quà.
Cho dù thu hút được sự chú ý đặc biệt thì ngành thần kinh học hiện nay vẫn có những hạn chế như chưa thể giải thích tại sao não bộ đón nhận môi trường xung quanh, phản ứng với những kích thích, cũng như các trạng thái thần kinh như cảm xúc, tình cảm hay ước muốn. |
Khoa học thần kinh giúp hiểu rõ hơn não bộ con người, cơ chế nhận thức, cảm xúc hay các mối quan hệ liên cá nhân…
Ngành này được nhiều quốc gia phát triển chú trọng, với mục tiêu cách mạng hóa hiểu biết của con người đối với não bộ. Năm 2013, tổng thống Mỹ đương thời Barack Obama đã quyết định khởi động dự án Brain Initiative (tạm dịch Sáng kiến Não bộ), một dự án táo bạo tập trung vào phát triển và ứng dụng công nghệ mới cho phép hiểu rõ hơn bộ não con người, đặc biệt để giúp tìm phương pháp điều trị cho các loại bệnh về thần kinh, như Alzheimer, Parkinson, trầm cảm hay chấn thương tinh thần. Từ khi công bố dự án này tới nay, hàng chục công ty, viện nghiên cứu hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực khoa học não bộ đã tham gia hợp tác nghiên cứu trong khuôn khổ dự án kéo dài 12 năm này.
Liên minh châu Âu cũng phát triển một dự án tương tự có tên The Human Brain Project (tạm dịch Dự án Não bộ con người), khởi động cách đây 10 năm. Dự án này được coi là đầu tàu về nghiên cứu khoa học thần kinh số hóa (nghiên cứu não bộ con người dựa trên sự phối hợp đa lĩnh vực và với công nghệ máy tính hàng đầu).
Từ 2013-2023, với số tiền đầu tư là 607 triệu euro, 155 viện nghiên cứu từ 19 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đã cùng làm việc hợp tác để xuất bản hơn 3.000 bài báo nghiên cứu, tạo ra hơn 160 công cụ số hóa và ứng dụng y tế, cũng như xây dựng nên một cơ sở hạ tầng nghiên cứu dạng mở mang tên EBRAINS.
Ở Pháp, Trung tâm phân tích chiến lược (Centre d’analyse stratégique) của Chính phủ Pháp cũng phát triển từ năm 2009 đến nay một chương trình có tên là “Khoa học thần kinh và chính sách công”, nhằm sử dụng kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này để áp dụng vào những chương trình hành động của chính phủ như chiến dịch phòng chống béo phì, chống chứng nghiện thuốc lá, chương trình nâng cao hiệu quả công lý…
Liệu có mong chờ quá mức?
Khoa học thần kinh đang là chủ đề nóng của giới khoa học, đến mức gần đây nổi lên khái niệm neuroculture (tạm dịch Văn hóa thần kinh), có nghĩa là sự tương tác giữa ngành khoa học thần kinh với các lĩnh vực khác của tri thức con người, để khẳng định rằng não bộ chính là bản sắc của con người – nói cách khác, chúng ta chính là những bộ não.
Nhà xã hội học người Anh Nikolas Rose còn cho rằng con người là những cá thể hóa học – thần kinh, mà những rối loạn tâm thần là kết quả của sự… mất cân bằng hóa học trong não bộ. Một số bộ môn mới xuất hiện như triết học tinh thần (nghiên cứu mối quan hệ giữa cơ thể và tinh thần) hay tâm lý thần kinh.
Một mặt, các ngành khoa học xã hội và nhân văn tìm thấy trong ngành khoa học thần kinh những cách giải thích cho phép mở rộng hiểu biết của chúng ta về bản chất con người, ví dụ như tìm hiểu về giả thiết “bộ não xã hội” – mối liên hệ giữa kích cỡ não của loài linh trưởng Hominid và mức độ phức tạp của tổ chức xã hội của loài này. Mặt khác, một số nhà nghiên cứu lại chỉ trích ngành khoa học thần kinh là có cái nhìn hạn chế, coi các hành động xã hội như kết quả của các yếu tố sinh lý học thần kinh.
Một số chuyên gia khoa học thần kinh cũng không tán thành việc sử dụng những khái niệm sinh học một cách tùy tiện hay khuynh hướng đơn giản hóa một số hiện tượng xã hội, coi đây chỉ là những yếu tố văn hóa, xã hội thuần túy.
Cho dù thu hút được sự chú ý đặc biệt thì ngành thần kinh học hiện nay vẫn có những hạn chế như chưa thể giải thích tại sao não bộ đón nhận môi trường xung quanh, phản ứng với những kích thích, cũng như các trạng thái thần kinh như cảm xúc, tình cảm hay ước muốn. Đây chính là thứ mà triết gia người Úc David Chalmers gọi là “những vấn đề khó của ý thức”. Không chỉ thế, càng ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang chờ đợi ở ngành khoa học thần kinh những điều không tưởng.
Một số chuyên gia cho rằng những chương trình nghiên cứu quốc gia về não bộ đặt ra những mục tiêu bất hợp lý, vì “chúng ta còn chưa hiểu não của một con ruồi”, theo lời nhà báo David Wagner. Một số gợi ý khác được đặt ra, như thay vì vẽ “bản đồ não bộ” con người, khoa học nên tập trung vào những câu hỏi hẹp và căn bản hơn, như làm thế nào để hiểu ngôn ngữ của não, tổ chức của mạng lưới dây thần kinh, cách não phát triển và học…
Thiên Kim TBKTSG
|