Đưa Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành kinh đô du lịch mạo hiểm của châu Á Tỉnh Quảng Bình đang phấn đấu xây dựng Phong Nha - Kẻ Bàng đạt thương hiệu trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế vào năm 2030, là kinh đô du lịch mạo hiểm của châu Á. Tỉnh có hơn 400 hang động Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha-Kẻ Bàng nằm trong vùng sinh thái ở phần Bắc dãy núi Trường Sơn, thuộc địa phận huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003 và 2015 dựa trên hai tiêu chí: Địa chất-địa mạo và Hệ sinh thái-đa dạng sinh học, Phong Nha-Kẻ Bàng được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu. Theo thống kê, tại đây có hơn 400 hang động đã được các chuyên gia, đoàn thám hiểm tiến hành khảo sát và đo vẽ với tổng chiều dài hơn 220 km. Nổi bật là hang Sơn Đoòng (hang động lớn nhất thế giới), hang Én (hang động lớn thứ 3 thế giới), hang Thung, động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường,… Quảng Bình phấn đấu xây dựng Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành kinh đô du lịch mạo hiểm của châu Á. Ảnh: Oxalis | Song song với công tác bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị của Di sản Thiên nhiên Thế giới VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, trong công văn mới đây, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng Phong Nha-Kẻ Bàng đạt tiêu chuẩn khu du lịch quốc gia. Đạt được thương hiệu trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế vào năm 2030, là kinh đô du lịch mạo hiểm của châu Á. Nỗ lực biến mục tiêu sớm thành hiện thực Là một trong những đơn vị đầu tiên ở Quảng Bình chuyên tổ chức các tour du lịch mạo hiểm khám phá hang động, Công ty Oxalis Adventure đánh giá cao những tiềm năng và thuận lợi trong việc hướng đến mục tiêu đưa Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành kinh đô du lịch mạo hiểm của châu Á. Du khách chinh phục các mỏm đá trên chặng đường trekking. Ảnh: Oxalis | Đặc biệt, tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát huy giá trị Di sản thế giới VQG Phong Nha-Kẻ Bàng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững” diễn ra vào tháng 6 vừa qua, lãnh đạo công ty này cũng đã có bài tham luận chi tiết về những giải pháp để sớm đưa Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm hàng đầu của châu Á. “Phong Nha - Kẻ Bàng hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm hàng đầu khu vực châu Á trong tương lai. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm để biến điều này trở thành hiện thực trong 5-10 năm tới”, ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Oxalis Adventure cho biết. Du khách trải nghiệm tour du lịch mạo hiểm tại VQG Phong Nha-Kẻ Bàng. Ảnh: Jungle Boss | Theo đó, mô hình du lịch mạo hiểm khám phá hang động được Oxalis Adventure giới thiệu và đưa vào khai thác tuyến Hang Én vào năm 2011. Năm 2013, công ty này tiếp tục đưa vào khai thác hệ thống hang Động Tú Làn, Hang Sơn Đoòng. Kể từ đó loại hình du lịch mạo hiểm khám phá hang động tại VQG Phong Nha-Kẻ Bàng cũng dần trở nên phổ biến và được nhân rộng bởi nhiều công ty như: Phong Nha Discovery, Jungle Boss, Phong Nha Heritage, Netin Travel… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Châu Á, để Phong Nha-Kẻ Bàng thực sự trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực thì vẫn cần những giải pháp cụ thể. Trong đó, cần phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng trong và xung quanh vườn quốc gia để tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho khách du lịch, gồm: nâng cấp đường giao thông, sân bay, bến thủy nội địa, cảng biển quốc tế và hệ thống giao thông công cộng kết nối để đảm bảo việc đi lại thuận tiện đến vườn quốc gia. Cung cấp đa dạng các sản phẩm du lịch mạo hiểm để đáp ứng sở thích khác nhau của du khách trong nước và quốc tế bao gồm: thám hiểm hang động, đi bộ đường dài, zipline, chèo thuyền kayak, leo núi, đạp xe leo núi… Du khách trải nghiệm tour du lịch mạo hiểm trong hang Én. Ảnh: Oxalis | Ngoài ra, cần thành lập các trung tâm đào tạo du lịch mạo hiểm bao gồm các khóa học về kỹ thuật thám hiểm hang động, leo núi đá, kỹ năng sinh tồn và thực hành du lịch sinh thái. Đồng thời, thực hiện các hoạt động du lịch bền vững để bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên và tính toàn vẹn sinh thái của vườn quốc gia. Thực hiện các quy chế, chính sách thực thi liên quan đến việc giới hạn số lượng du khách, hệ thống quản lý chất thải và giáo dục khách du lịch về tầm quan trọng của việc bảo tồn. “Ngoài những giải pháp nói trên, để xây dựng Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành điểm đến mạo hiểm hàng đầu khu vực châu Á cũng cần sự thúc đẩy quan hệ đối tác với các công ty và nhà điều hành du lịch mạo hiểm với các hình thức đa dạng như liên kết, hợp tác, đối tác công - tư để quảng bá, tiếp thị. Đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương để tạo ra các chính sách thuận lợi cho sự phát triển của du lịch mạo hiểm trong khu vực cũng như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc phát triển” ông Á chia sẻ thêm. BẢO THIÊN Pháp luật TPHCM
|