Tìm lối ra bền vững cho nông sản từ những phiên chợ mạng Sàn thương mại điện tử đang được xem là kênh tiêu thụ hiệu quả cho các hộ nông nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất OCOP (mỗi xã một sản phẩm) nơi vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vẫn không ít hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp còn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận và tận dụng kênh tiêu thụ mới này.
Đoàn thanh niên tỉnh Bắc Giang hỗ trợ người dân livestream để bán quả vải thiều. Ảnh: ĐVCC |
Sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Bắc Giang là một trong những điển hình thành công trong việc sử dụng sàn thương mại điện tử (TMĐT) để tiêu thụ nông sản. Gần chục năm trước, cứ đến mùa vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) là Hà Nội lại ngập sắc đỏ của những xe hàng rong chở vải thiều đi bán khắp các chợ và ngõ ngách.
Lúc đó, thị trường xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn chủ yếu là Trung Quốc. Khi nào giao thương gặp trục trặc là những xe vải được “quay đầu” từ biên giới về Hà Nội – thị trường đông dân và có sức tiêu thụ lớn nhất miền Bắc. Và khi đó, giá vải thiều rớt thê thảm, có khi còn chưa tới 10 ngàn đồng cho một ki-lô-gram.
Để mở rộng kênh tiêu thụ, tìm kiếm những kênh bán hàng mới, thị trường mới, tiếp cận những khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc – tỉnh Bắc Giang đã xúc tiến bán hàng qua các sàn TMĐT và có khách hàng ở nhiều nước trên thế giới. Chính vì thế, từ vài năm gần đây, vải thiều Lục Ngạn đã không còn phải bán theo diện nhờ người mua giải cứu với giá rẻ nữa.
Từ câu chuyện của vải thiều Lục Ngạn đã thúc đẩy nhiều tỉnh thành trên cả nước đưa nông sản lên sàn TMĐT để tiêu thụ, trong đó có các nông sản OCOP (OCOP là chương trình quốc gia, phát huy thế mạnh của sản phẩm đặc thù của địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn).
Hà Giang là một tỉnh miền núi phía bắc cũng thực hiện hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT. Tỉnh Hà Giang có hơn 700 hợp tác xã với 21 ngàn thành viên hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ. Hà Giang có rất nhiều nông sản đặc trưng như: mật ong bạc hà, dệt thổ cẩm, thịt bò vàng vùng cao, cam vàng, chè Shan tuyết cổ thụ…
Tuy nhiên, do các hợp tác xã thiếu kinh nghiệm quản lý và đều nằm ở các huyện vùng cao, cách xa các thị trường lớn trong nước nên việc tiêu thụ sản phẩm nông sản theo kênh bán hàng truyền thống gặp nhiều khó khăn. Do đó tỉnh Hà Giang đã quan tâm đến quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn TMĐT như Sendo.vn, Portmart.vn, Voso.vn…
Đến nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tại Hà Giang đã vận hành tốt gian hàng trực tuyến trên sàn TMĐT. Nhờ đó, đến nay, nhiều nông sản của Hà Giang được tiêu thụ hiệu quả trên kênh tiệu thụ này.
Từ năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng của Hà Giang đã hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại tỉnh này đưa 1.684 sản phẩm lên các sàn giao dịch TMĐT với hơn 2.550 đơn giao hàng thành công đến khách hàng trong và ngoài nước. Đến nay, tổng số hộ sản xuất nông nghiệp tại Hà Giang đã có tài khoản trên các sàn TMĐT là 120 ngàn hộ; 100% sản phẩm OCOP của Hà Giang đều được đưa lên sàn TMĐT…
Còn tại tỉnh miền núi Yên Bái, trong năm 2022, Sở Công Thương Yên Bái đã hỗ trợ cho 27 doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện hạ tầng TMĐT, đồng thời duy trì hoạt động của sàn TMĐT Yên Bái tại địa chỉ sctyenbai.com. Đến nay, có gần 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 600 lượt sản phẩm chào bán trên sàn.
Sở Công Thương Yên Bái cũng phối hợp với các doanh nghiệp đăng tải nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử www.voso.vn và www.postmart.vn. Trên cơ sở danh sách các hộ sản suất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân cung cấp, Bưu điện tỉnh Yên Bái đã tạo được trên 30.000 tài khoản mua, bán cho các hộ nông dân trên sàn TMĐT Postmart.vn, giới thiệu được 3.550 sản phẩm; trong đó, có 108 sản phẩm OCOP.
Cung cấp thông tin cho báo chí, bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên cho biết, từ năm 2022 miến đao Giới Phiên đã đưa sản phẩm sàn TMĐT Postmart.vn. Nhờ đó nhiều người biết đến sản phẩm miến đao Giới Phiên hơn, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, sản lượng tiêu thụ tăng lên gần gấp đôi.
Trong khi đó, theo thống kê của Sở Công Thương Thanh Hóa, tính đến hết tháng 8-2023, toàn tỉnh đã có trên 5.568 tài khoản hoạt động trên các sàn TMĐT; 500 sản phẩm nông sản của Thanh Hóa đã được đưa lên sàn TMĐT. Trong đó có hơn 50 sản phẩm OCOP được bán trên các sàn TMĐT.
Tại Bình Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia trên các sàn TMĐT. Đến nay, đã có hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn TMĐT.
Tại Sơn La có 110 sản phẩm OCOP và cũng được tỉnh này sử dụng TMĐT để bán các sản phẩm này.
Còn tại tỉnh Thái Nguyên, đến nay đã có 173 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được tiêu thụ trên các sàn TMĐT. Doanh thu bán hàng qua mạng và sàn TMĐT chiếm 30% tại tỉnh này.
Tại Kon Tum, Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) cũng là một trong những đơn vị khai thác, phát huy hiệu quả nền tảng số để quảng bá hình ảnh và tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại hợp tác xã này đang cung ứng ra thị trường nhiều dòng sản phẩm như cà phê bột, cà phê hòa tan… sản phẩm được bán trên sàn TMĐT như Tiki, Shopee, Sendo, Lazada, Postmart, Voso…
Được biết, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 40-50% doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, hộ kinh doanh có bán hàng qua các sàn TMĐT, 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số Lâm Đồng, chỉ tính riêng trong năm 2022, đã có 74.000 hộ với hơn 800 sản phẩm được các cơ quan hữu quan hỗ trợ đưa lên các sàn TMĐT. Nông sản của Lâm Đồng chủ yếu được phân phối qua sàn TMĐT là Shoppe và Lazada.
Tại hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng diễn ra tại TP Đà Lạt gần đây, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng TMĐT được xem là giải pháp trọng tâm để hình thành một nền nông nghiệp bền vững, có sức cạnh tranh cao và bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Theo kế hoạch, Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 250 sản phẩm OCOP. Tỉnh này sẽ hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên được đưa lên sàn TMĐT postmart.vn; voso.vn…
Câu chuyện đưa nông sản lên sàn TMĐT có lẽ đang diễn ra ở tất cả các địa phương trên cả nước. Các tỉnh đang nỗ lực mở rộng thị trường và nâng cao giá trị nông sản Việt.
Nâng cao giá trị nhờ bán hàng trên nền tảng công nghệ
Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) cũng là một đơn vị triển khai việc bán hàng qua TMĐT. Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Nguyễn Thế Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong, cho biết thông qua các sàn TMĐT, nhiều hợp đồng được ký kết và khách hàng được mở rộng. Có thời điểm, một số nơi do áp lực thời vụ, ổi chỉ được giá 10.000 đồng/kg nhưng sản phẩm này của hợp tác xã vẫn bán được tại hệ thống cửa hàng tiện ích và các sàn thương mại điện tử với giá 25.000 đồng/kg.
Còn bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), khi cung cấp thông tin cho báo chí cũng cho hay những năm gần đây, hợp tác xã này đã sử dụng các nền tảng TMĐT, mạng xã hội Zalo, Facebook làm kênh mua bán nông sản như: bưởi Diễn, rau hữu cơ, lúa gạo hữu cơ… Bán hàng qua TMĐT, hợp tác xã có thể có thêm nhiều khách hàng mới và nông sản được bán với giá tốt hơn.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, hầu hết doanh nghiệp đang dần ứng dụng tiếp thị thông qua các nền tảng số như Facebook, Youtube, Tiktok… 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về TMĐT. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng sàn TMĐT nhưng số khai thác tốt chưa nhiều.
Việc ứng dụng công nghệ số trong cả sản xuất, kinh doanh nông sản còn hạn chế. Do đó, đào tạo, tập huấn là điều mà các doanh nghiệp, hợp tác xã cần quan tâm trong quá trình đưa nông sản lên sàn TMĐT.
Bên cạnh sự thay đổi của người nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cũng cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng.
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, khi cung cấp thông tin cho báo chí đã cho hay hằng năm, Liên minh này đều xây dựng kế hoạch hỗ trợ xúc tiến thương mại cho hợp tác xã với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội có 150 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, ông Thành cho hay Hà Nội cũng tăng cường tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của thành phố trên các sàn TMĐT.
Còn ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết đơn vị này đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội, các địa phương, đơn vị tổ chức tập huấn, đào tạo công nghệ số cho người sản xuất, kinh doanh; ký kết các chương trình phối hợp, liên kết với các sàn TMĐT lớn để nông sản Hà Nội thiết lập được kênh bán hàng đa dạng, bắt kịp xu thế số hiện nay.
Còn với Bắc Giang, để có được kết quả nêu trên, tỉnh này đã đào tạo và kết nối các nông hộ chuyên trồng vải thiều ở Lục Ngạn với các sàn TMĐT. Để cho nông sản tiêu thụ tốt hơn, giữa tháng 11 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã tổ chức lớp tập huấn “Kỹ năng bán hàng qua mạng” cho các học viên là các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang.
Thực tế, việc ứng dụng TMĐT đang góp phần đưa các sản phẩm đi xa hơn. Tại hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” được tổ chức vào ngày 18-11 vừa qua, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho hay tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của bà con vẫn còn hạn chế do địa bàn chia cắt, đi lại khó khăn…
Thời gian qua, nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada… đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên các sàn TMĐT.
Nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, hải đảo như mật ong bạc hà Hà Giang, vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan Tuyết, mận tam hoa Bắc Hà hay nước mắm Phan Thiết… đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.
Thực tế cho thấy, đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử là một trong những giải pháp kịp thời giúp mở rộng kênh tiêu thụ cho nông sản, nhất là khi các kênh tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp.
Tuy nhiên, do tiêu thụ hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử là một phương thức còn khá mới mẻ với người nông dân, đặc biệt là bà con ở các tỉnh miền núi nên cần có sự hỗ trợ nhiều hơn để họ quen với phương thức này.
Trên thực tế, trong vài năm gần đây, nhiều sàn thương mại điện tử đã hỗ trợ các nông dân, hợp tác xã đưa nông sản lên mạng để bán, như Sendo, Postmart, Vỏ sò… tuy nhiên các kênh trực tuyến vẫn chưa trở thành kênh xuất khẩu chính ngạch của nông sản Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh như trà và cà phê.
Theo báo cáo mới đây của Amazon Global Selling, giá trị xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam thông qua nền tảng này đã tăng 50% chỉ trong vòng một năm qua. Số lượng các doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon trong năm 2023 đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm 5 ngành hàng có doanh thu tốt nhất (Top 5) là nhà cửa, nhà bếp, chăm sóc sức khỏe, may mặc, làm đẹp, hoàn toàn vắng bóng các mặt hàng nông sản.
Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, trong phần trao đổi cùng báo giới, cho rằng nông sản Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu trực tuyến ra thị trường quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam có thể bán các mặt hàng như trà, cà phê, hạt điều trên Amazon.
Trên một sàn trực tuyến khác là Alibaba.com, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp đang bán hàng. Bình quân mỗi ngày, một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông thủy sản có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức hơn 450 người mua mới mỗi tháng. Những dữ liệu này đang trở thành lời gợi ý cho các nhà nông trong việc mở rộng cơ hội kết nối với khách hàng quốc tế, xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.
Vân Ly TBKTSG
|