Thứ Năm, 09/11/2023 11:00

ĐBQH: Đề nghị Chính phủ cân nhắc nâng tỉ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia dự án PPP lên 80%

Đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị cần nâng cao tỉ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia dự án PPP lên 80% vì đây là tỉ lệ tối đa phần vốn Nhà nước có thể tham gia, dư địa để cho các địa phương đàm phán các nhà đầu tư. 

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 09/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Đề nghị Chính phủ cân nhắc nâng tỉ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia dự án PPP lên 80%

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề cập vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP. Hiện nay Chính phủ đang đệ trình tỉ lệ vốn Nhà nước cao hơn so với tỉ lệ quy định trong Luật PPP là 70%.

Cơ sở quan trọng nhất, mấu chốt nhất để xác định “như thế nào là hợp lý”, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng cần không làm mất đi tính chất hợp tác công tư và cần cân bằng tính khả thi của tỉ lệ này. Nếu cơ chế đưa ra không khả thi thì sẽ không có công trình, không có dự án và không có lợi ích khác.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên cân nhắc kỹ lưỡng nâng tỉ lệ góp vốn của Nhà nước khi tham gia dự án PPP lên 80% để giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu nhận thấy, Chính phủ có thể tham chiếu Nghị quyết thí điểm của TP.HCM với tỉ lệ góp vốn 70% là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên không nhất thiết lấy đúng tỉ lệ này của TPHCM. Vì đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, bối cảnh các công trình, dự án của TPHCM rất khác, bài toán về hiệu quả kinh tế, bài toán về các nhà đầu tư cũng khác, tham chiếu nhưng không nhất thiết áp dụng tỉ lệ vốn góp 70%.

Do đó, đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị cần nâng cao tỉ lệ này lên 80% vì đây là tỉ lệ tối đa phần vốn Nhà nước có thể tham gia, dư địa để cho các địa phương đàm phán các nhà đầu tư. Mỗi địa phương tùy từng hoàn cảnh có những phương án riêng và tỉ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước có thể dưới tỉ lệ tối đa cho phép.

Vì vậy, đại biểu mong muốn Chính phủ nên cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng tăng tỉ lệ  cho phép phần vốn Nhà nước thực hiện các dự án PPP lên 80%.

Nhà nước cần tăng biên độ hỗ trợ tài chính cho các dự án

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Nhấn mạnh tốc độ phát triển kinh tế luôn gắn liền với hạ tầng giao thông, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh bày tỏ tán thành với nội dung dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, để góp phần hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông quan trọng.

Đại biểu cho biết, thực tiễn trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư PPP trong thời gian qua, theo báo cáo của Chính phủ còn nhiều khó khăn vướng mắc, cần cấu trúc tài chính phù hợp trong mô hình hợp tác PPP do đặc thù rủi ro cao của các dự án hạ tầng giao thông. Nhà nước cần mở rộng biên độ hỗ trợ về tài chính, nhằm tăng khả năng về tài chính của dự án, giúp nhà đầu tư mau hoàn vốn, nhất là với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.

Đại biểu thống nhất với phương án tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án, điều này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho các loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn, tạo động lực thu hút, huy động đầu tư tư nhân trong xây dựng các dự án đường bộ, tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần xây dựng tiêu chí cho phép các dự án đường bộ được áp dụng mức trần nhà nước trên 50% vốn đầu tư. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan thẩm định tính khả thi của dự án trước khi kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia, qua đó xác định được mức độ hấp dẫn của dự án đối với nhà đầu tư tư nhân, kiểm soát được quá trình triển khai, đo lường được mức độ ảnh hưởng của dự án tới người dân.

Nhất trí quy định tăng tỉ lệ vốn của Nhà nước trong dự án PPP

Đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Cũng về vấn đề nâng tỉ lệ góp vốn của Nhà nước vào các dự án PPP, đại biểu Lại Văn Hoàn ghi nhận thời gian qua Chính phủ đã tập trung quyết liệt và có những kết quả quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ, đưa các công trình hạ tầng thiết yếu, một số tuyến cao tốc vào khai thác sử dụng.

Đại biểu Lại Văn Hoàn thống nhất về sự cần thiết ban hành 5 nhóm cơ chế chính sách áp dụng thí điểm nhằm để tiếp tục giải quyết những vướng mắc tồn tại hiện nay, tháo gỡ những nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kế cấu hạ tầng, đặc biệt là giải quyết ách tắc về giao thông để tăng kích cầu phát triển kinh tế.

Theo đó, đại biểu đồng tình với các chính sách: thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường Quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương; về các dự án giao thông đường bộ đi qua nhiều địa phương; cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022.

Đồng tình việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, đại biểu Lại Văn Hoàn lý giải qua xem xét lại một số loại hình giao thông mang tầm chiến lược, tổng mức đầu tư rất lớn gồm nhiều hợp phần khác nhau đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư cơ bản về hạ tầng; đồng thời kêu gọi đầu tư vận hành và khai thác theo hình thức PPP. Vì vậy nguồn lực Nhà nước sẽ phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng mức đầu tư. Một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác khó đảm bảo phương án tài chính…cũng cần được quan tâm bố trí tỷ lệ nguồn lực nhà nước cao hơn.

Ngoài ra, một số dự án hạ tầng kết nối liên vùng dầu tư theo hình thức PPP được phê duyệt và triển khai trước khi luật PPP ban hành (năm 2020) có hiệu lực, trong đó nguồn lực Nhà nước chiếm tỷ trọng cao theo quy định của Luật và của Nghị định 63/2018/NĐCP về đầu tư theo phương thức PPP vẫn được tiếp tục triển khai thực hiện và cần được phân bổ đủ nguồn.

Dẫn chứng từ thực tiễn triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình, đây là tuyến đường quan trọng giúp kết nối các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thành phố Hải Phòng và các tỉnh ven biển, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh có tuyến đường đi qua. Dự án này được thực hiện trước khi Luật PPP ban hành, vì vậy tại thời điểm đó chưa có các quy định pháp luật ràng buộc về tỷ lệ phần vốn của Nhà nước tham gia dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án do ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như COVID-19, xung đột, khan hiếm nguyên vật liệu, giá cả tăng cao, chi phí nhân công, chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn dẫn đến chi phí thực hiện dự án tăng cao, chủ yếu tăng vào phần khối lượng do phần vốn Nhà nước đảm nhận, tăng lên 80% so với tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Như vậy nếu theo Tờ trình của Chính phủ, chỉ tăng phần vốn Nhà nước lên 70% thì cũng không tháo gỡ tồn tại, vướng mắc của dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình. Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội mà ngay từ khi thảo luận dự thảo đã thấy rõ không khả thi để tổ chức thực hiện thì cần phải được cân nhắc, thận trọng, vì dự án đang được triển khai với phần vốn Nhà nước là 66.7% và thực tế chi phí phần vốn Nhà nước đã tăng đến 80%, đại biểu chỉ rõ.

Từ những phân tích trên, đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị các đại biểu ủng hộ phương án đề xuất theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án thí điểm lên 80% tổng mức đầu tư, riêng đối với dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình đề nghị chấp thuận điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn nhà nước 80% tổng mức đầu tư của dự án, hoặc cho phép tiếp tục tăng phần vốn Nhà nước so với chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu gần 11 tỷ USD, doanh nghiệp gỗ tăng ca, tuyển lao động (09/11/2023)

>   Sửa đổi Nghị định 132: Chờ cuộc ‘đại phẫu’ cứu sống doanh nghiệp (09/11/2023)

>   Chính phủ sẽ họp với các địa phương về giải pháp gỡ ''thẻ vàng'' của EU với thủy sản Việt Nam (09/11/2023)

>   Tập đoàn Intel tiếp tục đầu tư vào Việt Nam (08/11/2023)

>   Việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất có ý kiến cho là quá cao? (08/11/2023)

>   Nợ thuế hơn 100 tỷ đồng, Bamboo Airways bị phong tỏa 3 tài khoản ngân hàng (08/11/2023)

>   "Nếu kinh tế tăng trưởng 7% thì bài toán về phát triển nguồn điện gặp khó khăn kinh khủng" (08/11/2023)

>   PGS.TS. Bùi Xuân Hồi: Ngành điện còn nhiều bất cập (07/11/2023)

>   PGS.TS. Bùi Xuân Hồi: Ngành điện còn nhiều bất cập (07/11/2023)

>   Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Thiếu điện tháng 5, tháng 6 mang lại bài học lớn (07/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật