"Nếu kinh tế tăng trưởng 7% thì bài toán về phát triển nguồn điện gặp khó khăn kinh khủng"
Đó là ý kiến của Tiến sĩ (TS.) Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra trong buổi tọa đàm “Cung ứng điện cho năm 2024 – Những vấn đề cấp bách đặt ra” ngày 07/11, khi nói về các đề xuất liên quan đến tính giá điện minh bạch, đảm bảo đúng, đủ.
Tiến sĩ nhận định, bài toán về giá điện là bài toán kinh tế sinh hoạt, cho nên phải đáp ứng được cả các nhu cầu kinh tế và cả các yêu cầu về kỹ thuật. Nhưng kỹ thuật chi phối kinh tế nên đòi hỏi những kiến thức kỹ thuật rất sâu, ông cho rằng một trong những trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công Thương là phải truyền thông rộng rãi việc đó.
TS. Nguyễn Đức Kiên đề xuất vấn đề tính giá điện tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
“Một trong những kiến nghị đầu tiên là trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, chúng ta phải đảm bảo truyền thông về giá điện một cách khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực trạng của ngành điện Việt Nam.
Ở đây chúng ta đang có một sự nhầm lẫn là đánh đồng EVN với ngành điện nên tất tần tật chúng ta đều tập trung vào EVN. Đấy cũng là một trong những cái chúng ta phải làm rõ. Trước đây 20 năm ngành điện là chủ EVN, nhưng sau 20 năm chúng ta thực hiện đổi mới, ngành điện và EVN đã tách ra”, trích lời TS. Kiên.
Thứ 2, vị chuyên gia cho rằng cần làm rõ được giữa phân phối hay tập trung hóa, hay là phi tập trung hóa nguồn điện sản xuất.
“Hiện nay chúng ta đang tập trung hóa một số vùng, ví dụ như năng lượng mặt trời, chúng ta quá tập trung ở miền Trung, năng lượng than và thủy điện thì tập trung ở phía bắc, còn ở phía nam là hỗn hợp vừa khí, vừa than, vừa thủy điện. Thế nên phải giải được bài toán giữa tập trung và phân tán của ngành điện, vì nếu phân tán thì chúng ta sẽ giảm được phí truyền tải, giảm được rất nhiều chi phí đầu tư cho lưới. Nhưng nếu tập trung như bây giờ thì sẽ phải tính thêm phí đầu tư truyền tải vào giá thành của 1 kW điện”.
Kiến nghị thứ 3 là phải hạch toán đúng.
“Hạch toán đúng ở đây là phải hạch toán đúng phần hỗ trợ vào sản lượng điện và thực hiện an sinh xã hội. Chúng ta phải tính đầu tiên bán được 1 kW điện là phải thu về được 2,200 đồng, trong đó Nhà nước thực hiện hỗ trợ EVN 1,000 đồng vì EVN là doanh nghiệp nhà nước; hạch toán trên sổ của EVN vẫn có khoản thu đó, nhưng không tính được. Lúc đó, chúng ta mới đảm bảo tính được đầy đủ hạch toán của giá điện.
Hạch toán phải ban hành được giá FiT theo vùng, miền và theo loại hình sản xuất, sử dụng năng lượng, sử dụng nhiên liệu, để tránh tình trạng hiện nay là chúng ta quá yêu bảo vệ môi trường, quá yêu việc thực hiện phát thải bằng 0, nên tỉnh nào cũng đề nghị không xây dựng nhà máy nhiệt điện than. Không có nguồn điện nền thì lấy đâu ra năng lượng tái tạo trong khi chúng ta đã bỏ nhiệt điện nguyên tử một thời gian sau sự cố Fukushima”.
Điểm thứ 4 ông Kiên đưa ra là phải tính truyền tải vào trong chi phí và tổng mức đầu tư như là tổng sơ đồ điện 8 (QHĐ8) dự kiến, vì tổng mức đầu tư của đường truyền tải, đặc biệt đường 500 KV vô cùng lớn.
“Nếu chúng ta không tính vào và có cơ chế để thực hiện thì không thể thu hút được các nhà đầu tư. Tôi có may mắn được tham gia xây dựng từ QHĐ 6 đến bây giờ. Trước đây chúng tôi tính hệ số co giãn, cứ 1% tăng trưởng GDP thì phải có tăng trưởng điện cỡ khoảng 2%. Đến bây giờ do khoa học công nghệ phát triển, 1% tăng trưởng GDP, tăng trưởng điện cỡ 1.4-1.5%.
Bốn năm vừa qua đủ điện là vì dịch bệnh kéo dài, không ai sản xuất, tăng trưởng kinh tế chỉ có 3-4%, nên chúng ta mới đủ điện. Nếu chúng ta tăng trưởng 7% thì bài toán về phát triển nguồn gặp khó khăn kinh khủng. Trong chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đã báo cáo rất rõ những vấn đề này, hy vọng Chính phủ và Thủ tướng sẽ có quyết định sớm về chỉ đạo điều hành điện trong 2024”.
Châu An
FILI
|