Bloomberg: Các ông lớn Thái Lan và Hàn Quốc tranh nhau mua Home Credit Việt Nam, định giá 700 triệu USD
Các ngân hàng lớn của Thái Lan và Hàn Quốc đang tranh nhau mua mảng hoạt động tại Việt Nam của Home Credit, dựa trên nguồn tin thân cận.
Góp mặt vào vào cuộc đua này là Kasikornbank, SCB X Pcl (hai ngân hàng lớn nhất của Thái Lan) và KB Kookmin Bank (trực thuộc ông lớn Hàn Quốc KB Financial Group).
Thỏa thuận tiềm năng có thể định giá Home Credit Việt Nam ở mức 700 triệu USD, dựa trên nguồn tin thân cận.
Home Credit – công ty mẹ của Home Credit Việt Nam – muốn xác định người mua trước khi kết thúc năm nay, Bloomberg dẫn lại nguồn tin thân cận. Hiện các bên vẫn đang cân nhắc và có thể lựa chọn rút lui khỏi thương vụ, còn Home Credit cũng có khả năng giữ lại mảng này trong thời gian dài hơn.
Thương vụ thoái vốn khỏi Việt Nam là một phần trong nỗ lực của Home Credit nhằm tinh gọn hoạt động. Điều này diễn ra trong bối cảnh PPF Group NV – chủ sở hữu Home Credit và do gia đình tỷ phú Séc Petr Kellner điều hành – đang chuyển hướng đầu tư sang châu Âu. Công ty cũng đang đánh giá lại các mảng kinh doanh ở châu Á sau khi hủy bỏ kế hoạch IPO trị giá 1.5 tỷ USD ở Hồng Kông vào năm 2019.
Trước đó, Home Credit bán lại các mảng kinh doanh ở Indonesia và Philippines cho Bank of Ayudhya ở Thái Lan – công ty con của gã khổng lồ ngân hàng Nhật Bản Mitsubishi UFJ Financial Group. Trước đó, hồi tháng 8/2023, Reuters đưa tin KBAnk đang trong quá trình đàm phán mua lại Home Credit Việt Nam.
Ra đời vào năm 1997, Home Credit hoạt động ở các quốc gia châu Á, Trung Âu và Đông Âu cũng như các nước từng thuộc khối Liên Xô. PPF Group là một công ty holding với các khoản đầu tư vào nhiều lĩnh vực như tài chính, viễn thông, sản xuất, truyền thông và công nghệ sinh học.
Đại diện của KBank từ chối đưa ra bình luận. Người này cho biết ngân hàng tiếp tục tìm kiếm nhiều cơ hội tại Việt Nam và có thể hoặc không đi đến một thỏa thuận. Đại diện của PPF Group cũng từ chối đưa ra bình luận. Trong khi đó, đại diện từ KB Kookmin Bank và SCB X không phản hồi yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Home Credit Việt Nam đang kinh doanh ra sao?
Trong báo cáo lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nửa đầu năm nay, Công ty TNHH MTV Home Credit Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 211.5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 6,572 tỷ đồng tính đến 30/06/2023, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 3.22%.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 277% (tương đương giá trị nợ phải trả hơn 18.2 ngàn tỷ đồng), giảm so với con số 404% vào cuối năm 2022 (tương ứng nợ phải trả gần 21.4 ngàn tỷ đồng). Trong khi đó, hệ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giữ nguyên 0.17 lần.
Một số chỉ tiêu về khả năng chi trả cho thấy tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ dự trữ thanh khoản của Công ty là 8.4%, tăng so với cuối năm 2022. Tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày đối với đồng VNĐ là 90.4%; đối với đồng USD là 466.1%, trong khi vào cuối năm ngoài là âm 960.3%. Ngoài ra, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 13.4%, giảm so với con số 14.3% vào cuối năm ngoái.
Một số chỉ tiêu tài chính nửa đầu năm 2023 của Home Credit Việt Nam
|
Trước đó năm 2022, Home Credit Việt Nam có kết quả kinh doanh bùng nổ khi lợi nhuận đạt hơn 1,189 tỷ đồng, gấp gần 2.2 lần năm 2021. ROE đạt 18.64%, tăng đáng kể so với mức 10.6% của năm 2021.
Tuy nhiên tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày đối với đồng USD bị âm 960.25%, trong khi tỷ lệ này pháp luật yêu cầu tối thiểu 5%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tăng từ âm 7.03% vào cuối năm 2021 lên 14.29%.
Một số chỉ tiêu tài chính năm 2022 của Home Credit Việt Nam
|
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|