Thứ Sáu, 03/11/2023 13:00

M&A ngành y: Khi những tay chơi quốc tế nhập cuộc

Từ đầu năm 2023, cuộc chơi M&A (mua bán và sáp nhập) ngành y tế - dược phẩm tại Việt Nam tỏ ra khá sôi động. Nhưng đáng chú ý hơn cả là sự xuất hiện của những cái tên lớn trên thế giới, với các thương vụ trị giá tới hàng trăm triệu USD.

Thị trường ngành y tại Việt Nam từng được đánh giá là một trong những nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, theo một báo cáo phân tích năm 2018 từ IMS Health – đơn vị hàng đầu Hoa Kỳ, chuyên cung cấp thông tin, dịch vụ, công nghệ cho ngành y. Đây có lẽ cũng là lý do vì sao thị trường M&A ngành y tế - dược phẩm tại Việt Nam những năm gần đây luôn tỏ ra rất sôi động, với các thương vụ mua bán đình đám, giá trị hàng ngàn tỷ đồng.

Năm 2023, cuộc chơi M&A ngành y vẫn chưa hết  nóng bỏng. Vào tháng 3, một phân tích từ Big 4 kiểm toán PwC cho thấy y dược và chăm sóc sức khoẻ sẽ nằm trong số ít các lĩnh vực dẫn đầu về M&A trong năm nay. Với những lợi thế  rõ ràng như sự tăng trưởng quy mô của tầng lớp trung lưu, áp lực già hoá dân số, những thách thức dành cho hệ thống dịch vụ công, và nhu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ, PwC cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của ngành là rất lớn, và đặc biệt thu hút sự quan tâm của những cái tên hàng đầu nước ngoài.

Thực tế cho thấy nhận định này đang trở thành sự thật, khi những cái tên đình đám quốc tế tiến vào thị trường màu mỡ và giàu tiềm năng này, mang theo những thương vụ trị giá hàng trăm triệu đô.

Gã khổng lồ Singapore và thương vụ kỷ lục gần 400 triệu USD

Thompson Medical Group là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chăm sóc cho phụ nữ và trẻ em ở Singapore, được ví như một “gã khổng lồ” trong ngành với sự chống lưng từ ông trùm doanh nhân Peter Lim. Và vào đầu tháng 06/2023, thị trường M&A ngành y dậy sóng trước thông tin gã khổng lồ ấy muốn đàm phán mua lại cổ phần tại Bệnh viện FV của Việt Nam.

Tỷ phú Peter Lim và Thomson Medical

Thương vụ đã ngã ngũ vào ngày 12/07, với việc Tập đoàn thông báo chấp thuận mua lại cổ phần kiểm soát tại Bệnh viện FV với giá 381.4 triệu USD. Theo đó, gã khổng lồ ở Singapore sẽ trả trước khoảng 359.6 triệu USD và trả thêm 21.8 triệu USD nếu Bệnh viện FV đáp ứng một vài tiêu chí về thành tích.

“Bệnh viện FV giúp chúng tôi có vị thế chiến lược ở Việt Nam. Đây cũng là cánh cổng dẫn tới tăng trưởng và tập trung vào các khoản đầu tư tương lai ở thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng này”, Kiat Lim, Phó Chủ tịch điều hành tại Thomson Medical, chia sẻ trong tuyên bố.

Quadria Capital, công ty vốn cổ phần tư nhân (PE) chuyên tập trung vào lĩnh vực y tế, là đơn vị chuyển nhượng số cổ phần này cho doanh nghiệp Singapore, tạo nên thương vụ M&A có giá cao kỷ lục trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam. Được biết, Quadria Capital đã mua cổ phần ở Bệnh viện FV trong năm 2017, nhưng giá trị của thương vụ không được tiết lộ. Tại thời điểm đó, Neuberger Berman Private Equity và DEG - tổ chức tài chính phát triển của Đức - cũng tham gia mua cổ phần ở Bệnh viện FV.

Bệnh viện FV được thành lập bởi ông Guillon và một nhóm bác sĩ người Pháp tại TPHCM cách đây hai thập kỷ, theo trang web của bệnh viện. Họ vận hành một bệnh viện gồm 220 giường bệnh với 950 nhân viên phục vụ và điều hành một phòng khám ngoại trú tại TPHCM. Ngoài người dân Việt Nam, FV cũng điều trị cho bệnh nhân từ các nước láng giềng như Campuchia, Lào và Myanmar.

Ông lớn Dongwha Pharm và cuộc thâu tóm Trung Sơn Pharma

Đầu tháng 8/2023, Dongwha Pharm – tập đoàn dược phẩm từ Hàn Quốc cũng khiến thị trường bùng rực cháy bằng thoả thuận mua lại 51% cổ phần tại Trung Sơn Pharma – một trong những chuỗi dược phẩm nổi tiếng tại Việt Nam, lớn nhất vùng Mekong.

Giá trị thương vụ rơi vào khoảng hơn 39 tỷ won (khoảng 30 triệu USD, tương đương hơn 710 tỷ đồng). Cuộc thâu tóm dự kiến hoàn tất vào 31/10/2023, với mục tiêu đa dạng các mảng vận hành của Dongwha thông qua đầu tư.

Dongwha Pharm và thương vụ thâu tóm Trung Sơn Pharma

Trên thực tế, từ lâu Dongwha đã không giấu giếm ý định thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam với nhiều sản phẩm do hãng phân phối. Chứng kiến nhu cầu ngày một gia tăng về các loại vitamin, hồng sâm và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp của Hàn Quốc tại Việt Nam, Dongwha có kế hoạch thúc đẩy doanh thu cho các sản phẩm này.

“Thương vụ thâu tóm Trung Sơn là một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường thuốc và chăm sóc sắc đẹp tại Đông Nam Á” – Kedglobal trích nguồn tin từ Dongwha.

* Thị trường dược phẩm “rực cháy”: Tập đoàn Hàn Quốc chi hơn 700 tỷ mua chuỗi Trung Sơn Pharma

Về Trung Sơn Pharma, thương hiệu được thành lập từ năm 1997 bởi vợ chồng bác sĩ Trương Thanh Sơn – và dược sĩ Trương Hoàng Thanh Trúc, hiện đang quản lý trên 140 chuỗi cửa hàng tại miền Nam Việt Nam. Năm 2022, Doanh nghiệp có 13.5 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng trung bình 46% mỗi năm kể từ 2019. Doanh nghiệp cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng, từ thuốc kê đơn, không kê đơn (OTC), thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm, thiết bị y tế, cho đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.

Tập đoàn của tỷ phú Singapore nắm quyền kiểm soát AIH

Đầu tháng 10/2023, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) thông báo đã đạt được thoả thuận hợp tác cùng Tập đoàn Raffles Medical Group (RMG) – nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tư nhân của tỷ phú Loo Choon Yong. Theo đó, RMG mua lại cổ phần kiểm soát tại AIH, đồng thời tham gia vào các hoạt động quản trị, quản lý vận hành. Giá trị của thương vụ không được tiết lộ. 

“Việc mở rộng quy mô sẽ tạo sự thúc đẩy cho các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của chúng tôi, giúp mở rộng thị trường và đa dạng hóa nguồn doanh thu”, trích thông báo của RMG.

Tỷ phú Loo Choon Yong thành lập RMG từ năm 1976, bắt nguồn từ 2 phòng khám ở Singapore. Tính đến hết năm 2022, RMG có hơn 100 phòng khám tại châu Á, trong đó có bệnh viện Raffles nổi tiếng ở Singapore.

Theo danh sách công bố vào đầu tháng 9 của Forbes, tỷ phú Loo Choon Yong xếp thứ 44 trong số 50 người giàu nhất Singapore, với khối tài sản trị giá 1 tỷ USD.

Adamed Pharma thâu tóm toàn bộ DaviPharm

Vốn đã là công ty mẹ của DaviPharm (CTCP Dược phẩm Đạt Vi Phú) sau khi mua tới 70% cổ phần tại đây vào cuối năm 2017, Adamed Pharma tiếp tục gây chú ý khi công bố mua lại nốt toàn bộ số cổ phần của Davipharm vào cuối tháng 4/2023, qua đó chính thức thâu tóm 100% và trở thành cổ đông duy nhất của Doanh nghiệp.

Giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng Adamed Pharma cho biết đây là một trong những thương vụ đầu tư trực tiếp lớn nhất họ từng thực hiện, mang theo kỳ vọng đưa DaviPharm thành một trong những nhà sản xuất thuốc lớn nhất Việt Nam.

“Tôi tin DaviPharm sẽ trở thành một trong những nhà sản xuất thuốc lớn nhất Việt Nam, cung cấp thuốc chất lượng cao với giá cả phải chăng cho bệnh nhân”, trích lời Tiến sĩ, Bác sĩ Małgorzata Adamkiewicz, Chủ tịch BKS của Adamed Pharma.

Trên thị trường, Adamed Pharma là cái tên có tiếng trong ngành y dược. Thành lập vào năm 1986 tại Ba Lan, Adamed Pharma hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học. Tính đến cuối năm 2022, Tập đoàn có hơn 2,500 nhân viên, sở hữu 2 nhà máy sản xuất ở Ba Lan và 1 ở Việt Nam, với trên 200 bằng sáng chế ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Về Davipharm, Doanh nghiệp hiện sản xuất hơn 300 sản phẩm thuốc cho bệnh nhân ở Việt Nam, Campuchia, Philippines và Myanmar; sở hữu nhà máy công suất tới 1.2 tỷ viên nén/năm tại Bình Dương.

Châu An

FILI

Các tin tức khác

>   EVF: Thông báo công văn của UBCKNN về tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu ESOP của EVF (01/11/2023)

>   Vừa có lãi trở lại, Sametel muốn chào bán riêng lẻ hơn 12 triệu cp, giá 10,000 đồng/cp (01/11/2023)

>   Bóng dáng VietBank và Tập đoàn Hoa Lâm trong vụ Chứng khoán Kenanga đổi chủ (01/11/2023)

>   Phú Tài chi 50 tỷ lập công ty con hoạt động ngành nghề mới sau 5 quý liên tiếp lợi nhuận tăng trưởng âm (01/11/2023)

>   APG chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu, giá 11,000 đồng/cp (01/11/2023)

>   TDG: Thông báo giao dịch cổ phiếu ESOP của Người nội bộ Võ Anh Thái, Dương Đình Chiến, Lê Minh Hiếu, Lương Hải Yến, Trình Đình Cơ, Trần Thị Thu Hương (26/10/2023)

>   Tập đoàn BGI (VC7) chốt ngày chào bán hơn 48 triệu cp, rót toàn bộ vốn thu được để đầu tư dự án 1,800 tỷ tại Huế (25/10/2023)

>   VIC121003: Triển khai phương án ESOP và Bộ hồ sơ ESOP (25/10/2023)

>   VIC121004: Triển khai phương án phát hành ESOP và hồ sơ ESOP (25/10/2023)

>   VIC121005: Triển khai phương án phát hành ESOP và Hồ sơ ESOP (25/10/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật