Cam kết hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 rất áp lực, cần sự đồng lòng của doanh nghiệp và toàn xã hội. Chuyên gia cho rằng biến thách thức thành cơ hội, mục tiêu Net Zero sẽ khả thi.
Xu hướng xanh là tất yếu
Cách tiếp cận xanh đối với phục hồi kinh tế, hướng tới mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều quốc gia. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Đó là nhận định của PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình”.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bên cạnh đó, để hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững, trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần, lựa chọn phục hồi xanh là tất yếu.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, cần biến thách thức thành cơ hội thì mới thành công. |
Ông Thiên cho hay, Việt Nam đã ban hành hai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Giai đoạn 2011-2020 đã qua, chúng ta đang triển khai giai đoạn mới với tầm nhìn rõ ràng cụ thể.
“Để cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch triển khai với 17 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ và 143 nhiệm vụ cụ thể; đồng thời, xây dựng tích hợp chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp. Đây là chỉ tiêu vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, nguồn lực phải thay đổi rất nhiều. Có thể chúng ta cần tới 200-300 tỷ USD vào năm 2030”, ông Thiên nói.
Cho rằng cam kết hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 rất áp lực, thách thức, nhưng ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, cần biến thách thức thành cơ hội thì mới thành công.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), thông tin, công trình xanh ở Việt Nam đến nay đã phát triển trên dưới 15 năm.
Theo số liệu, tính đến hết quý III/2023, số lượng công trình xanh ở Việt Nam là 305 công trình, với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu m2. Tuy nhiên, so với trên 100 triệu m2 sàn cho diện ích nhà ở và văn phòng hàng năm, con số này quá nhỏ. Tiềm năng phát triển công trình xanh còn rất lớn.
Ông Thịnh nhấn mạnh, lĩnh vực xây dựng công trình có liên quan chặt chẽ tới nhiều khâu. Công trình được thiết kế, xây dựng, vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh sẽ thúc đẩy các chuỗi cung ứng vật liệu, thiết bị cũng như nguồn nhân lực tư vấn quy hoạch, thiết kế, xây dựng theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.
Mạch nguồn hướng tới phát triển bền vững
Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng giám đốc Sun Hospitality Group, cho rằng, du lịch phát triển đúng hướng sẽ giúp nền kinh tế từng bước dịch chuyển từ “nâu” sang “xanh”. Để tiếp tục phát triển dự án xanh, thời gian tới, tập đoàn tiếp tục đưa vào vận hành những dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng đạt được tiêu chí cao nhất về chất lượng dịch vụ và tiêu chí xanh.
Doanh nghiệp đồng lòng, nền kinh tế xanh, bền vững sớm hiện thực hóa Net Zero. |
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc GSM, cho hay, giao thông xanh là phương thức để phát triển bền vững, góp phần định hướng phát thải ròng về 0.
Vị này dẫn ra con số đáng chú ý khi phát triển giao thông xanh, đó là trung bình doanh thu của một xe taxi và xe máy điện của GSM đang bằng một xe xăng, còn chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng chỉ bằng 1/3 xe xăng. Trong khi, doanh thu từ thị trường taxi điện ước tính khoảng 600 triệu USD và xe ôm là 2,5 tỷ USD/năm.
Với lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã tiên phong không sử dụng bao bì nilon hoặc dùng nilong tự phân huỷ. Một số doanh nghiệp, như Nhựa tái chế Duy Tân, đã đầu tư khoản kinh phí khổng lồ để xây dựng nhà máy sản xuất nhựa tái chế công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm nhựa tái chế thân thiện với môi trường, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đi 12 nước trên thế giới.
Mục tiêu Net zero thách thức lớn nhưng khả thi
Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đánh giá, Net Zero là thách thức rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế.
Theo kịch bản thông thường, tổng phát thải của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến là 932 triệu tấn, trong đó ngành năng lượng chiếm 680 triệu tấn. Do đó, để đạt được mục tiêu Net Zero là thách thức rất lớn. Theo Quy hoạch điện 8 vừa được công bố, lượng phát thải đến năm 2030 có thể là 250 triệu tấn.
Song hành với thách thức, ông Hùng cho rằng vẫn có cơ hội. Bởi, trong quá trình chuyển đổi, có hai cách chuyển dịch cơ cấu tăng cường năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên liệu sạch hơn, thay thế dần các nguyên liệu cho tầm nhìn 2025. Tầm nhìn năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo cao, điều này vừa là thách thức và cơ hội.
Lĩnh vực điện gió, mặt trời có thể thu thu hút nhà đầu tư tiềm năng, tạo điều kiện ngân hàng tài trợ vốn khi xu hướng vốn xanh rất quan trọng trong ngành tài chính. Hiện tại, thế giới rất ưa chuộng nguồn vốn xanh, tài chính xanh và đây sẽ là tiêu chí cạnh tranh giữa các ngân hàng trong thời gian tới.
Về phía người sử dụng và doanh nghiệp, điều quan trọng là giảm bớt nhu cầu và đảm bảo tiêu chí xanh. Một số nước đã sản xuất và sử dụng nguồn nguyên liệu xanh và thương mại hoá không còn xa. Đây là tín hiệu cho thấy Net Zero khả thi.