Intel, Walmart… tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với nền kinh tế Mỹ. Ngày 21-11, tại TP.HCM, Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (VN) tổ chức Diễn đàn thương mại VN - Mỹ với chủ đề “Nâng tầm - Khởi động”. Hơn 350 đại biểu tham dự diễn đàn. Nhiều công ty Mỹ đang hướng tới thị trường Việt Nam Ông Ace Wilson, Giám đốc tài chính Tập đoàn Intel VN, cho biết đến nay tập đoàn đã đầu tư 1,5 tỉ USD ở VN và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư. Các sản phẩm của Intel xuất khẩu ra thế giới từ năm 2010 và đến nay trị giá xuất khẩu sản phẩm công nghệ sản xuất từ VN đạt trên 80 tỉ USD. “Chúng tôi dự kiến đến cuối năm nay, giá trị xuất khẩu sẽ đạt 10-11 tỉ USD bởi chỉ trong ba quý đầu năm đã đạt 8-9 tỉ USD. Chúng tôi tự hào với sự đóng góp cho ngành xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của VN. Đáng chú ý, hiện nay 70% chip của Intel phục vụ cho khu vực được sản xuất ở VN và các con số này tiếp tục tăng” - ông Ace Wilson nhấn mạnh. Giám đốc tài chính Tập đoàn Intel VN cũng khẳng định tập đoàn đã có mặt 16 năm tại VN và cam kết nhất quán trong chiến lược phát triển cũng như cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư ở VN. Các đại biểu đang trao đổi tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - Mỹ vào ngày 21-11. Ảnh: TÚ UYÊN | Tương tự, bà Rama Chug, Phó Chủ tịch phụ trách thu mua và may mặc Tập đoàn Walmart, khẳng định: VN là thị trường bán hàng quan trọng của Walmart. Bằng chứng là hiện tập đoàn có văn phòng đại diện tại TP.HCM để tìm kiếm nguồn hàng đưa vào hệ thống của Walmart. “Chúng tôi đang mua các mặt hàng chủ lực của VN. Sau khi trải qua khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, tập đoàn có chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng vững mạnh, chắc chắn và có chiến lược phát triển nhà cung cấp. Mỗi nước có thế mạnh khác nhau, trong đó VN có thế mạnh linh hoạt đáp ứng nhu cầu từ chất lượng đến năng suất. Do đó, các công ty VN cần tận dụng phát huy thế mạnh của mình. Trước đây, các công ty của VN chủ yếu cung cấp sản phẩm từ gạo nhưng đến nay các mặt hàng điện tử cũng đang được đưa vào Walmart” - bà Rama Chug thông tin. Hàng may mặc Việt Nam bán nhiều tại siêu thị Mỹ Hiện nay các cửa hàng thời trang, trung tâm thương mại ở Mỹ bày bán nhiều sản phẩm sản xuất tại VN. Khi tôi hỏi các tập đoàn lớn, các nhãn hiệu lớn trong ngành thời trang may mặc, giày dép thì được biết VN đang là nước cung cấp lớn. VN có một số lợi thế như chi phí sản xuất khá cạnh tranh, hạ tầng đầu tư, thuế quan ưu đãi hơn, lực lượng lao động có tay nghề hơn, có thể tăng công suất theo yêu cầu. VN cũng có sự linh hoạt sản xuất thiết kế các mẫu quần áo khác nhau. Tuy nhiên, các công ty VN gặp thách thức về phát triển hạ tầng nội tại, như thiếu hạ tầng cảng nước sâu. Vì vậy, hiện nay các container hàng hóa xuất khẩu phải đưa sang trạm trung chuyển ở Hong Kong. Bên cạnh đó, tốc độ tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng ở các nước cũng gặp nhiều thách thức. Ông Ed Gresser, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc thương mại và thị trường toàn cầu thuộc Viện Nghiên cứu Tiến bộ (PPI) | Nguyên trợ lý đại diện Thương mại Mỹ Barbara Weisel cũng nhìn nhận nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu cùng các yếu tố khác, VN đã đạt được mức tăng thị phần tại Mỹ lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Ví dụ, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, chiếm gần 1/3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN, chỉ tính đến tháng 9 vừa qua đã tăng gần 15%. Không chỉ vậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN vẫn tiếp tục tăng, trong đó các công ty Mỹ thuộc nhiều lĩnh vực đang hướng tới thị trường VN. Ở chiều ngược lại, ngày càng có nhiều công ty VN, gồm cả các nhà sản xuất xe điện, nhìn thấy cơ hội đầu tư tại thị trường Mỹ. Hợp tác để vượt qua thách thức Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia cao cấp thuộc ĐH Fulbright VN, cho biết: Sau khi hai nước xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thì vấn đề quan trọng là cần cụ thể hóa để đưa quan hệ hợp tác thương mại đi vào thực chất hơn, tạo ra những kỳ tích tăng trưởng mới quan trọng. Trên cơ sở đó hai bên đã có nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác, đơn cử như Vietnam Airlines và Boeing ký biên bản ghi nhớ chào bán 50 máy bay trị giá 10 tỉ USD; FPT công bố hợp tác chiến lược toàn diện với Landing AI trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo… Cũng theo ông Tuấn, Mỹ là thị trường khó tính, đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao. Điều này tạo ra dư địa cho nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ… vì đây là những ngành VN có lợi thế. Ngược lại, VN cần thu hút nhà đầu tư có chất lượng của Mỹ, trong đó VN chuyển hướng thu hút đầu tư từ những ngành thâm dụng lao động sang những ngành thâm dụng công nghệ mà đây là thế mạnh của các tập đoàn Mỹ. Đặc biệt, chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của tập đoàn Mỹ tạo cơ hội cho công ty VN tham gia sâu hơn. Tuy nhiên, quá trình hợp tác cũng có không ít thách thức. Ví dụ, Mỹ chưa công nhận VN có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Bên cạnh đó, tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng VN tăng lên, làm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường, tăng chi phí của các công ty lớn. Đây là các thách thức mà hai bên cần đẩy mạnh hợp tác để vượt qua. Bà Barbara Weisel, nguyên trợ lý đại diện Thương mại Mỹ, cũng cho rằng VN và Mỹ nên tích cực hợp tác để đi đầu trong việc xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể nhằm tăng khả năng phục hồi cũng như khả năng cạnh tranh của các lĩnh vực mà cả hai đều coi là ưu tiên, gồm chất bán dẫn và khoáng sản quan trọng. Đơn cử, vào tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đang hợp tác với VN để tìm cách phát triển và đa dạng hóa hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu. Động thái này sẽ bắt đầu bằng việc xem xét hệ sinh thái bán dẫn hiện tại của VN, khung pháp lý, nhu cầu lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng. “Các công ty toàn cầu đang chú ý đến các khoản đầu tư mới trong khu vực khi họ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, định vị bản thân để đáp ứng sự phát triển của công nghệ, môi trường và đây là cơ hội cho VN” - bà Barbara Weisel nhấn mạnh. Tập đoàn Walmart tìm nhà cung cấp Việt Nam tại một sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa. Ảnh: TÚ UYÊN | TÚ UYÊN Pháp luật TPHCM
|