5 thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khủng nhất Việt Nam Trong 10 tháng đầu năm 2023, thị trường mua bán và sáp nhập tại Việt Nam có 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỉ USD Ngày 28-11, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023 (M&A Vietnam Forum 2023) lần thứ 15 do Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP.HCM. Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, diễn đàn thu hút hơn 500 khách tham dự, cùng thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam. Sau giai đoạn thăng hoa, thị trường M&A trên toàn cầu đang hạ nhiệt. Theo dữ liệu từ KPMG Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2023 thị trường M&A Việt Nam có 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỉ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị trung bình các thương vụ đạt 54,5 triệu USD. Điều này cho thấy sự chuyển hướng của nhà đầu tư sang các khoản đầu tư chiến lược, cần nhiều tiềm lực tài chính hơn. Thương vụ M&A lên tới hàng trăm, hàng tỉ USD Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia nhìn nhận, xu hướng chung thị trường M&A Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng. M&A đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của nhiều tập đoàn lớn. Top 5 thương vụ M&A lớn nhất được KPMG thống kê trong 10 tháng 2023 Thống kê năm thương vụ M&A lớn nhất gồm có, thứ nhất là VPBank đã công bố chính thức hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản). Đây là thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng và thị trường Việt Nam trong năm 2023 với giá trị hơn 1,4 tỉ USD. Thứ hai, thương vụ M&A bất động sản công nghiệp khi ESR Group Limited mua lại cổ phần chiến lược Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW Industrial) với tổng giá trị 450 triệu USD. Thứ ba là thương vụ M&A y tế, Thomson Medical Group (Singapore) đồng ý mua lại cổ phần kiểm soát tại Bệnh viện Pháp Việt với giá hơn 381 triệu USD cũng được nhắc tới nhiều trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thứ tư là thương vụ M&A bất động sản, Gamuda Land ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần để mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty Bất động sản Tâm Lực với mức giá trị thương vụ gần 316 triệu USD, tức tương đương khoảng 7.200 tỉ đồng. Thương vụ M&A lớn thứ năm là Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới - Bain Capital dẫn đầu nhóm nhà đầu tư đồng ý rót ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Tập đoàn Masan. Ông Warrick Cleine cho biết, giao dịch M&A vẫn diễn ra mạnh mẽ trong các lĩnh vực tài chính (47%), bất động sản (23%), và y tế (10%), chiếm tổng cộng 80% giá trị giao dịch trong 10 tháng năm 2023 và là bốn trong số năm giao dịch lớn nhất trong 10 tháng năm 2023. Theo ông Warrick Cleine, động lực tăng trưởng M&A năm 2024 bao gồm dòng vốn FDI mạnh mẽ, nhờ chính trị ổn định và các thỏa thuận thương mại, lạm phát được kiểm soát và nợ công vẫn dưới trần pháp lý. Đó là những nền tảng cho thấy một năm thuận lợi cho các nhà đầu tư nhắm đến những cơ hội chiến lược tại thị trường Việt Nam năng động. Chính sách tạo thuận lợi cho M&A Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách đang được thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư - kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A. Chính phủ Việt Nam cũng đang tiếp tục nghiên cứu để có phản ứng chính sách kịp thời và hiệu quả trước vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các khoản đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia. Hoạt động thoái vốn, tái cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước sau một thời gian bị chậm lại cũng sẽ được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới. Thứ trưởng Trần Duy Đông “Việc thực thi quyết liệt và hiệu quả các giải pháp này sẽ góp phần quan trọng đưa nền kinh tế phục hồi nhanh và bền vững không chỉ trong năm 2024 mà cả những năm tiếp theo. Khi nền kinh tế phục hồi, niềm tin tiêu dùng được cải thiện nhiều, bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn và đầu tư nước ngoài tăng tốc, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ nhộn nhịp trở lại”- Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ. Gần 29 tỉ USD đầu tư vào Việt Nam Trong nước, thị trường đầu tư Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thị trường tiêu dùng nội địa không ngừng tăng nhanh. Tính đến ngày 20-11-2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 29 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 6 tỉ USD, tăng trên 46% so với cùng kỳ năm 2022. Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư | QUANG HUY Pháp luật TPHCM
|