Thứ Năm, 12/10/2023 19:07

Việt Nam trước nguy cơ nhập khẩu năng lượng

Việt Nam cần có chính sách pháp lý đầy đủ, rõ ràng để thu hút đầu tư, phát triển gỡ nút thắt cho ngành năng lượng thời gian tới.

Nhu cầu sử dụng năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội rất lớn trong khi nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt. Nếu như không sớm chuyển dịch năng lượng, tương lai Việt Nam phải phụ thuộc vào nguồn cung và giá năng lượng của thế giới.

Đó là cảnh báo được chia sẻ tại Diễn đàn Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam do Báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức ngày 12-10, tại Hà Nội.

Toàn cảnh diễn đàn Triển vọng ngành năng lượng. Ảnh: M.T

Toàn cảnh diễn đàn Triển vọng ngành năng lượng. Ảnh: M.T

Theo TS Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia, thế giới chỉ còn 70 - 100 năm để sử dụng 3 loại năng lượng truyền thống.

Mỗi năm, thế giới tiêu thụ bình quân 7.320 triệu tấn than đá, trong khi dự trữ ước tính chỉ còn là 891.500 triệu tấn. Dầu mỏ mỗi năm tiêu thụ 35 tỉ thùng, trong khi dự trữ dầu mỏ trên thế giới là 1.480 tỉ thùng. Khí đốt mỗi năm tiêu thụ khoảng 4.000 tỉ m3 trong khi dự trữ khí đốt toàn cầu là 187.100 tỉ m3.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ năng lượng rất cao và việc phụ thuộc vào một số ít quốc gia sản xuất dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên có thể tạo ra những rủi ro về an ninh năng lượng, nhất là khi xảy ra xung đột chính trị hoặc kinh tế.

"Đổi mới công nghệ là xu hướng tất yếu để các quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch, bao gồm năng lượng tái tạo và thủy điện. Đây là giải pháp bền vững, không gây hại cho môi trường và tái tạo được", ông Hoàng nói.

Tiềm năng lớn nhưng chính sách chưa rõ ràng

Ông Nguyễn Đức Cường - chuyên gia cao cấp về năng lượng Tập đoàn T&T - cho rằng tiềm năng nguồn thủy điện lớn của Việt Nam cơ bản sẽ được khai thác hết trong thập kỷ này. Nguồn khí thiên nhiên cơ bản đã đạt ngưỡng và đang đi xuống; còn mỏ than trong nước có giới hạn cả về trữ lượng lẫn khả năng khai thác, sử dụng.

Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế đường bờ biển dài hơn 3.200 km, độ sâu mực nước nông và tốc độ gió cao, ổn định, hội tụ đầy đủ các tiền đề quan trọng, cần thiết để phát triển điện gió ngoài khơi đáng tin cậy và có chi phí hợp lý.

Nhưng đến nay, Việt Nam chưa có đầy đủ công cụ pháp lý, chẳng hạn như luật hoặc thấp hơn là nghị định về phát triển năng lượng tái tạo. Phần lớn các nội dung có tính thể chế cùng chính sách hình thành thời gian qua nằm trong các văn bản dạng quyết định hoặc chiến lược.

Điện gió ngoài khơi cũng vậy, chưa thấy có tiêu chí hoặc thuật ngữ định nghĩa về loại hình năng lượng tái tạo này. Vì vậy, ông Cường cho rằng để triển khai Quy hoạch điện VIII, cần quy định cụ thể ranh giới giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi, bằng không cả nhà đầu tư lẫn địa phương và các bộ, ngành sẽ tiếp tục lúng túng.

Việt Nam cần cơ chế, chính sách rõ ràng để phát triển bền vững năng lượng tái tạo. Ảnh: PLO

Việt Nam cần cơ chế, chính sách rõ ràng để phát triển bền vững năng lượng tái tạo. Ảnh: PLO

"Chẳng hạn như Quyết định số 39 của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió đã hết hiệu lực được 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế nối tiếp, gây ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy về chính sách", ông Cường dẫn chứng.

Công cụ hỗ trợ kỹ thuật và tài chính

Ông Hoàng Việt Dũng - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết, giai đoạn 2002 - 2010, nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước tăng khoảng 10% và khoảng 7% trong giai đoạn 2011 - 2019. Riêng đối với điện, nhu cầu tiêu thụ tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001 - 2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011 - 2021.

Dự báo trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng. Trước nguy cơ này, ông Dũng cho rằng cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Đặc biệt, Việt Nam cũng cần nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Nêu kinh nghiệm từ thế giới, Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho hay, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, các quốc gia đều hướng đến đơn giản hóa các thủ tục để rút ngắn thời gian cấp phép.

Bên cạnh đó, để đối phó với giá năng lượng tăng cao cần xây dựng các chương trình đặc biệt và trợ cấp cho người tiêu dùng trong trường hợp cần thiết. Đồng thời có chính sách phân loại đối tượng ưu tiên sử dụng năng lượng trong trường hợp khủng hoảng năng lượng.

Sử dụng phương tiện giao thông chạy điện thay cho các nhiên liệu truyền thống và sử dụng sưởi, nước nóng, làm lạnh bằng điện thay cho khí như với một số quốc gia châu Âu.

Từ kinh nghiệm trên, ông Thắng khuyến nghị cơ quan chức năng cần khai thác nhanh, an toàn và hiệu quả các nguồn năng lượng gió và Mặt Trời, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng.

Trong ngắn hạn, tập trung đầu tư vào hạ tầng năng lượng các dự án có tính đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

MINH TRÚC

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   GRDP 9 tháng đầu năm của tỉnh Khánh Hòa đứng thứ 5 cả nước (12/10/2023)

>   Ra mắt 'Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc' (12/10/2023)

>   Sẽ triển khai dùng sinh trắc học làm thủ tục ở tất cả sân bay từ tháng 11 (12/10/2023)

>   Phó thủ tướng yêu cầu bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã (12/10/2023)

>   Hậu Giang chi 58 tỉ phát triển du lịch đường thủy (12/10/2023)

>   Video: Xung đột Israel - Hamas, giá xăng dầu có tăng? (12/10/2023)

>   Cần cơ chế đặc thù cho các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (12/10/2023)

>   Sóc Trăng mời doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư (12/10/2023)

>   Nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu, có dự án trên 1 tỷ USD (12/10/2023)

>   Mexico điều tra chống bán phá giá với dây hàn nhập khẩu từ Việt Nam (12/10/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật