Cần cơ chế đặc thù cho các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần một cơ chế, chính sách đặc thù cho các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương. Sáng 12-10, Bộ KH&CN phối hợp với TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: TẤN VIỆT | Đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp tăng mạnh Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho hay, những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đã hình thành và phát triển tương đối nhanh. Sau dịch COVID-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD năm 2022 và đạt 413 triệu USD trong nửa đầu năm 2023. Tuy vậy, theo Bộ trưởng, ngoài hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ, rất cần các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực. Do đó, mô hình tổ chức hoạt động, vai trò, địa vị pháp lý, nguồn lực của Trung tâm khởi nghiệp ĐMST là những vấn đề lớn cần thảo luận làm rõ. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, TP đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST (trực thuộc Sở KH&CN). Đà Nẵng cũng phối hợp với Bộ KH&CN triển khai thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST Quốc gia tại Đà Nẵng. Nơi đây sẽ hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của TP nói riêng, miền Trung - Tây Nguyên nói chung, kết nối với hệ sinh thái cả nước và quốc tế. Theo ông Chinh, hoạt động khởi nghiệp ĐMST của Đà Nẵng đã có các kết quả tích cực và đi vào chiều sâu. Cộng đồng DN khởi nghiệp ĐMST không ngừng gia tăng về số lượng và chất lượng. Một số DN đã thu hút được vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Với những kết quả trên, năm 2020 và 2022, Đà Nẵng hai lần nhận được danh hiệu “TP hấp dẫn khởi nghiệp ĐMST” do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam vinh danh. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh. Ảnh: TẤN VIỆT | Cần một mô hình thống nhất Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng cho rằng, nhất thiết phải hình thành một Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST Quốc gia đủ mạnh với đầy đủ cơ chế pháp lý, chính sách ưu đãi phù hợp. “Về mô hình phải là đơn vị sự nghiệp công, phi lợi nhuận, Nhà nước đảm bảo 100% kinh phí hoạt động, có như vậy mới đủ mạnh. Hiện nay chúng ta chưa có cơ chế chính sách nào đặc thù đủ mạnh cho khởi nghiệp ĐMST, đây là lỗ hổng”, ông Viên cho hay. Ông Viên kiến nghị phải có chính sách miễn thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân cho các hoạt động kinh doanh, mua bán chuyển nhượng vốn liên quan hoạt động ĐMST. Cũng theo ông Viên, cần phải có quy định cho phép triển khai mô hình PPP cho việc đầu tư cơ sở ươm tạo, trung tâm nghiên cứu. Cần thiết có quy định cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học công nghệ, khởi nghiệp ĐMST được khai thác tài sản công theo hướng Nhà nước quản lý, tư nhân khai thác vận hành thông qua đặt hàng. Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng. Ảnh: TẤN VIỆT | Về các chính sách khác cho Trung tâm khởi nghiệp ĐMST, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng kiến nghị, trung tâm phải được cung cấp các dịch vụ công liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, không gian làm việc, văn phòng làm việc cho startup. Đồng thời, Trung tâm khởi nghiệp ĐMST phải được tham gia đầu tư vào startup từ các nguồn tài chính thu được dựa trên việc cho thuê tài sản công và cung cấp dịch vụ về khởi nghiệp ĐMST. Kết luận, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tiếp thu ý kiến các đại biểu, cơ bản thống nhất tên gọi chung là “Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST”, mô hình là đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia sẽ ngày càng mở rộng và nâng cao, thu hút ngày càng nhiều nguồn lực trong và ngoài nước. Theo Bộ trưởng, sau khi thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST Quốc gia trực thuộc Bộ KH&CN, nếu các địa phương có nhu cầu, Bộ KH&CN sẽ đặt cơ sở đại diện tại địa phương để hỗ trợ thêm các tỉnh/TP. Tấn Việt Pháp luật TPHCM
|