Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra nhiều vấn đề trong phát triển điện gió, điện mặt trời Các quyết định về giá ưu đãi (FIT) đã tạo ra bước đột phá về phát triển điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam, tuy nhiên, lại không hướng tới giải pháp cho giá mua bán điện sau khi hết hiệu lực giá FIT, gây khoảng đứt quãng về chính sách.
Đó là một trong những nội dung được Đoàn giám sát chỉ ra trong báo cáo vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Thúc đẩy điện “sạch” nhưng còn đứt quãng về chính sách
Trích dẫn kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, Báo cáo giám sát lưu ý việc ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực năng lượng còn một số thiếu sót, khiến đầu tư năng lượng tái tạo không đạt được kết quả như mong muốn.
Đó là Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
Điện mặt trời phát triển bùng nổ và cũng góp phần giảm thiếu điện. |
Đi sâu phân tích ngành năng lượng tái tạo (NLTT), Đoàn giám sát đánh giá: Nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành nhằm khuyến khích và hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, cũng như tạo những điều kiện thuận lợi nhất để có thể khai thác, phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Các chính sách tích cực đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia việc khai thác, sử dụng NLTT.
Qua đó, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường điện NLTT tại Việt Nam, đặc biệt khi dành mức giá ưu đãi cho các nhà đầu tư, sản xuất điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối, tạo điều kiện kích hoạt thị trường đầu tư NLTT và các giao dịch ngân hàng, tài chính sôi động.
"Nhìn vào bối cảnh phát triển nguồn điện ở giai đoạn này, các chính sách nêu trên đã giúp giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong ngắn hạn và tạo một lượng công suất dự phòng đáng kể, giảm nhập khẩu than đồng thời tăng chỉ số an ninh năng lượng quốc gia", Đoàn giám sát nhận định.
Đề cập đến Quyết định 11, Quyết định 13 và Quyết định 39 về giá ưu đãi (FIT) cho điện gió, điện mặt trời, Đoàn giám sát cho rằng: 3 quyết định trên đã tạo ra bước đột phá về phát triển điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam, chứng minh được khả năng huy động vốn trong và ngoài nước tương đối nhanh và nhiều cho năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, các quyết định đó không hướng tới giải pháp cho giá mua bán điện sau khi hết hiệu lực giá FIT nên gây khoảng đứt quãng về chính sách đối với tính toán của các nhà đầu tư.
"Giá mua điện mặt trời và điện gió, với các dự án chậm thời hạn FIT, phải theo cơ chế chuyển tiếp do Bộ Công Thương đưa ra thấp hơn giá FIT và là giá khung nên đòi hỏi phải tính toán và đàm phán với từng dự án, mất nhiều thời gian", Đoàn giám sát đánh giá.
Ngoài ra, đoàn giám sát cũng lưu ý việc chưa xây dựng cơ chế đấu thầu, đấu giá (thay cho cơ chế giá FIT) để tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời, điện gió.
Nguy cơ xin - cho từ bổ sung quy hoạch điện tái tạo
Đoàn giám sát cũng lưu ý việc chậm phê duyệt quy hoạch phát triển điện mặt trời, điện gió quốc gia và cấp tỉnh. Điều này dẫn đến việc phê duyệt bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo còn nhiều vấn đề phát sinh. Công tác bổ sung quy hoạch còn chưa được tính toán kỹ lưỡng, gây ra những khó khăn nhất định trong công tác quản lý.
Ngoài ra, điều này còn không đảm bảo cạnh tranh trong thu hút đầu tư, không đảm bảo minh bạch, nguy cơ phát sinh cơ chế xin - cho.
Cụ thể, từ năm 2016 đến 2020 đã phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện lực các cấp 557 dự án nguồn điện các loại trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư.
Chính sách giá điện còn bất hợp lý
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp; giá điện chưa bảo đảm tính minh bạch; các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng.
Cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, còn duy trì bù chéo; giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn mức giá cho nhóm khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh, chưa phù hợp với mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất thâm dụng điện.
"Công thức tính toán, xác định biến động của các thông số đầu vào cơ bản lên giá điện chưa được hoàn thiện; chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần; giá truyền tải điện quá thấp, không thu hút được nhà đầu tư làm dự án lưới điện", báo cáo nêu rõ.
Lương Bằng VietNamNet
|